1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ điều thêm binh sĩ và khí tài đến Đông Âu

Minh Phương

(Dân trí) - Mỹ tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự ở Đông Âu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Mỹ điều thêm binh sĩ và khí tài đến Đông Âu - 1

Máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ (Ảnh: FT).

Sau khi triển khai 6.000 binh sĩ ở Đức, Ba Lan và Hungary, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 22/2 thông báo, một nhóm binh sĩ nữa cùng với các khí tài sẽ lên đường tới Ba Lan và vùng Baltic.

Hãng tin Military Times dẫn nguồn tin quốc phòng Mỹ cho biết, lực lượng này gồm 800 bộ binh, 8 máy bay chiến đấu F-35, 32 trực thăng tấn công AH-64 Apache.

"Lực lượng này được điều động nhằm tái khẳng định lại cam kết của chúng tôi với các đồng minh NATO, ngăn chặn bất cứ hành động gây hấn tiềm tàng nào chống lại các nước thành viên NATO, hỗ trợ huấn luyện quân sự cho lực lượng vũ trang của nước sở tại", một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho hay.

Quan chức này cho biết thêm, lực lượng trên sẽ được luân chuyển vào vị trí mới dọc sườn Đông Bắc và Đông Nam của NATO vào khoảng cuối tuần này và đây chỉ là sự luân chuyển tạm thời.

Động thái trên của Washington diễn ra giữa lúc căng thẳng Nga - Ukraine leo thang ngay cả khi Moscow tuyên bố đã rút dần các lực lượng quân sự gần biên giới Ukraine. Đầu tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh chính thức công nhận độc lập cho vùng ly khai Donbass ở miền Đông Ukraine - một quyết định vấp phải sự phản ứng gay gắt của phương Tây.

Tổng thống Biden đã lên án quyết định của Nga, đồng thời tuyên bố Mỹ và các đồng minh sẽ "bảo vệ từng tấc lãnh thổ của các thành viên NATO". "Chúng tôi muốn phát đi một thông điệp rõ ràng rằng Mỹ và các đồng minh sẽ bảo vệ từng tấc đất của NATO và thực hiện những cam kết đã đưa ra", Tổng thống Biden nói.

Ukraine không phải là thành viên của NATO nhưng từ lâu đã bày tỏ nguyện vọng được gia nhập vào liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt này. Nga nhiều lần lên tiếng cảnh báo nếu NATO kết nạp Ukraine, phương Tây sẽ bị coi vượt "lằn ranh đỏ" của Nga. Đó cũng là một trong những đề xuất an ninh mà Moscow đã đưa ra cho phương Tây, yêu cầu Mỹ và NATO ngừng mở rộng về phía đông, không bố trí vũ khí và lực lượng gần Nga. Mỹ và NATO đã bác bỏ đề xuất này, thay vào đó, Mỹ tiếp tục tăng cường hiện diện ở Đông Âu trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine leo thang.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden nhấn mạnh, Mỹ sẽ không điều quân đến Ukraine. Chủ nhân Nhà Trắng nói, Mỹ "sẽ tiếp tục hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine, nhưng không có ý định xung đột với Nga". Chính quyền Tổng thống Biden cũng tiếp tục để ngỏ các giải pháp ngoại giao, đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở biên giới Nga - Ukraine.

Trong một động thái nhằm gây sức ép với Nga hạ nhiệt căng thẳng, Tổng thống Biden hôm qua thông báo Washington sẽ áp gói trừng phạt đầu tiên sau khi Nga công nhận độc lập cho vùng ly khai Ukraine. Các lệnh trừng phạt này nhằm vào hai ngân hàng lớn cùng với một số nhân vật trong giới tinh hoa của Nga.