1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Lá chắn thép" Iran phòng vệ thế nào trước đòn tấn công của Israel?

Thành Đạt

(Dân trí) - Kho vũ khí của Iran có nhiều loại tên lửa và hệ thống phòng không, có thể giúp Tehran dựng lá chắn thép trước đòn tập kích của Israel.

Lá chắn thép Iran phòng vệ thế nào trước đòn tấn công của Israel? - 1

Tên lửa đạn đạo của Iran (Ảnh: Reuters).

Israel tuyên bố sẽ buộc Iran phải "trả giá" sau cuộc không kích chưa từng có của Tehran hôm 13/4. Nội các chiến tranh của Israel đã họp nhiều lần để tranh luận về phương án hành động, ngoài những nỗ lực ngoại giao để đối phó Iran. Tham mưu trưởng quân đội Israel Herzi Halevi nói rằng đòn đáp trả quân sự chắc chắn sẽ xảy ra.

Tổng thống Iran cảnh báo sẽ có "phản ứng mạnh mẽ và gay gắt" nếu Israel quyết định tiến hành một cuộc tấn công quân sự trực tiếp vào lãnh thổ Iran. Vậy Iran có thể tự vệ hiệu quả đến mức nào nếu một cuộc tấn công như vậy xảy ra?

Lực lượng không quân

Iran đã tìm cách thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng, nhưng vẫn gặp khó khăn do các lệnh trừng phạt và cấm vận suốt nhiều năm.

Lực lượng không quân của Iran vẫn bị lép vế. Iran hiện chủ yếu vận hành các máy bay chiến đấu Sukhoi và MiG của Nga từ thời Liên Xô.

Không quân Iran hiện sở hữu phi đội máy bay cũ kỹ và đã phải vật lộn để mua phụ tùng thay thế nhằm đảm bảo đội bay vẫn có thể hoạt động trong những năm qua.

Lực lượng không quân Iran cũng đang chế tạo máy bay của riêng mình, như Saeqeh và Kowsar, dựa trên thiết kế của Mỹ, nhưng chúng được cho là không sánh kịp với các máy bay chiến đấu hàng đầu như F-35 mà Israel sử dụng rộng rãi.

Việc chuyển giao hơn 20 máy bay chiến đấu Su-35 do Nga sản xuất có thể hồi sinh đáng kể lực lượng không quân Iran. Các cuộc đàm phán về quá trình này đang tiếp diễn.

Tuy vậy, Iran vẫn có nhu cầu được trang bị các hệ thống phòng không mạnh.

Lá chắn thép Iran phòng vệ thế nào trước đòn tấn công của Israel? - 2

Máy bay chiến đấu Kowsar của Iran (Ảnh: Tasnim).

Tên lửa tầm xa

Iran đã cố gắng bù đắp các máy bay chiến đấu nội địa đã cũ kỹ bằng các chương trình tên lửa đầy tham vọng.

Iran đặc biệt tập trung vào việc cải thiện hệ thống phòng không, ngoài việc "che giấu" một số căn cứ không quân, kho tên lửa và cơ sở hạt nhân sâu trong núi để bảo vệ chúng trước các loại đạn phá hầm ngầm mà Mỹ cung cấp cho Israel. Israel đã sử dụng rộng rãi bom phá boong-ke do Mỹ cung cấp trong cuộc chiến kéo dài 6 tháng ở Gaza.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa nhất do Iran vận hành là Bavar-373, được đưa vào sử dụng vào năm 2019 sau một thập niên phát triển, thử nghiệm và đã được cải tiến đáng kể.

Vào tháng 11/2022, các quan chức Iran đã trưng bày một mẫu Bavar-373 cải tiến mà họ cho biết có phạm vi phát hiện radar được cải thiện từ 350km lên 450km và được trang bị tên lửa đất đối không Sayyad 4B tiên tiến.

Hệ thống này được cho là có thể khóa mục tiêu bao gồm tên lửa đạn đạo tầm xa, máy bay không người lái và máy bay chiến đấu tàng hình ở khoảng cách lên tới 400km, theo dõi 60 mục tiêu và tấn công 6 mục tiêu cùng một lúc, đồng thời tấn công chúng ở cự ly lên tới 300km.

Truyền thông nhà nước Iran cho biết hệ thống này ở một số khía cạnh vượt trội so với hệ thống S-300 do Nga sản xuất, thậm chí có thể so sánh với các tổ hợp S-400, một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới. Bavar-373 chưa từng tham chiến ngoài các cuộc tập trận quân sự ở Iran, nhưng các chuyên gia coi đây là một phần của một trong những mạng lưới phòng không dày đặc nhất thế giới.

Ngoài các hệ thống phòng thủ tên lửa Tor của Nga, Iran còn vận hành các hệ thống S-300. Các hệ thống S-300 mà Liên Xô đưa vào hoạt động lần đầu tiên vào cuối những năm 1970, được thiết kế để bắn hạ máy bay, máy bay không người lái cũng như tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình ở khoảng cách lên tới 150km, trong khi Tor là một hệ thống tầm thấp đến trung bình, được sử dụng để đối phó với các mối đe dọa ở khoảng cách lên tới 16km.

Các lớp phòng thủ tên lửa

Iran vận hành nhiều tổ hợp phòng thủ tên lửa do nước này tự phát triển, sử dụng nhiều loại tên lửa để xây dựng các lớp phòng thủ phía sau các hệ thống tầm xa nhất.

Nhiều hệ thống phòng thủ tầm trung, bao gồm Arman, Strategic Sayyad và Khordad-15 có thể bảo vệ không phận Iran khỏi các mục tiêu ở phạm vi lên tới 200km ở các độ cao khác nhau.

Hệ thống Arman, được trình làng vào tháng 11/2022, được gắn trên xe tải quân sự và sẵn sàng triển khai trong vòng vài phút. Hệ thống này có hai phiên bản, sử dụng radar quét mảng điện tử chủ động hoặc thụ động - với độ chính xác và khó gây nhiễu - và được thiết kế để chống lại vũ khí đạn đạo chiến thuật sử dụng trên chiến trường trong phạm vi dưới 300km.

Hệ thống Arman được trang bị tên lửa nhằm chống lại các loại đạn phá hầm ngầm được dẫn đường chính xác, được thiết kế để phá hủy các công trình kiên cố hoặc dưới lòng đất.

Ngoài ra, đối phương cũng phải đối mặt với các khẩu đội tầm ngắn của Iran, bao gồm Azarakhsh, Majid và Zoubin.

Azarakhsh, được ra mắt cùng thời điểm với Arman, là một hệ thống nhỏ gọn được thiết kế cho các cuộc giao tranh ở tầm thấp nhằm chống lại các mối đe dọa như máy bay và máy bay không người lái. Hệ thống này có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 50km, với thiết bị theo dõi quang học theo dõi mục tiêu ở khoảng cách lên tới 25km.

Nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa của Iran có khả năng phóng thẳng đứng - mang lại sự linh hoạt và không gian rộng hơn - có nghĩa là chúng cũng có thể được triển khai trên tàu chiến.

Iran có kế hoạch ra mắt thêm hệ thống phòng thủ tên lửa trong năm nay, một quan chức quân sự cấp cao cho biết vào cuối tháng 3.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) và quân đội Iran cũng sở hữu nhiều loại tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình có tầm bắn lên tới 2.000km, cùng với nhiều loại máy bay không người lái trinh sát và tấn công, một số trong số đó đã được sử dụng trong cuộc không kích vào Israel gần đây.

Theo Aljazeera