1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Australia thừa nhận tham chiến ở Iraq vì dầu mỏ

(Dân trí) - Sau bao ngôn từ mĩ miều, nào là để giải phóng nhân dân Iraq, nào là lật đổ chế độ độc tài... cuối cùng ngày 5/7, Australia lần đầu tiên đã thừa nhận một sự thật trần trụi là việc bảo đảm nguồn cung ứng dầu mỏ là yếu tố then chốt dẫn đến sự can dự của nước này vào cuộc chiến do Mỹ đứng đầu ở Iraq.

Trong "Đánh giá chiến lược quốc phòng của Australia" công bố ngày 5/7, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Brendan Nelson tuyên bố việc duy trì "an ninh tài nguyên" ở Trung Đông là ưu tiên hàng đầu.

 

Ông Nelson nói : "Đánh giá quốc phòng được công bố hôm nay đặt ra nhiều ưu tiên cho quốc phòng, an ninh của Australia và an ninh tài nguyên cũng là một trong những ưu tiên trên. Rõ ràng là bản thân Trung Đông, không chỉ Iraq mà cả khu vực nói chung, là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng, đặc biệt dầu mỏ, cho các nước trên thế giới. Australia và tất cả chúng ta cần cân nhắc những gì sẽ xảy ra, nếu như vội vã rút khỏi Iraq".

 

Australia đã tham gia cuộc chiến ở Iraq do Mỹ đứng đầu hồi năm 2003 và Thủ tướng John Howard hiện vẫn ủng hộ mạnh mẽ chiến dịch quân sự của Washington tại đất nước này, trong đó có việc triển khai 1.575 binh sĩ Australia tại nước này.

 

Ông Nelson cho hay lý do khiến Australia đến lúc này vẫn ở lại Iraq là nhằm ngăn chặn vòng xoáy bạo lực do mạng lưới al-Qaeda phát động giữa người Sunni và Shiite, cũng như giúp Mỹ đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và bình ổn khu vực này. Tuy nhiên ông cũng cho rằng việc bảo vệ các nguồn cung cấp dầu mỏ là một nhiệm vụ quan trọng nhằm đem lại sự bình ổn.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Nelson cho biết quân đội Australia sẽ lưu lại Iraq chừng nào còn cần thiết và sẽ không bị ảnh hưởng bởi các cuộc bầu cử ở nước này vào cuối năm nay, khi chính phủ bảo thủ của Thủ tướng Howard tìm cách lên nắm quyền trong nhiệm kỳ thứ 5. Ông nói: "Chúng tôi đã đưa ra quyết định rõ ràng rằng tình hình trên thực địa, chứ không phải các điều kiện chính trị, sẽ quyết định việc binh sĩ của chúng ta ở lại Iraq bao lâu".

 

Công đảng đối lập, vốn muốn rút các binh sĩ Australia khỏi Iraq, tuyên bố sự thừa nhận của chính phủ Bảo thủ rằng cuộc chiến được gắn với dầu mỏ này đã trái ngược với những tuyên bố của họ trước năm 2003.

 

Mặc dù, Thủ tướng Howard ngay sau đó đã vội vã bác bỏ điều mà ông Nelson thừa nhận, nhưng giới phân tích cho rằng sự thừa nhận của ông Nelson thực tế chỉ là chính thức hóa những gì mà họ vẫn nhận định, rằng mục đích của cuộc chiến Iraq của liên quân do Mỹ đứng đầu chính là dầu mỏ.

 

Kiến Văn