Nỗi lo từ kem giá rẻ

Hiện nay, nhiều học sinh thích ăn kem dạo mà không biết rằng loại kem này được chế biến rất mất vệ sinh, có thể gây ra các bệnh đường ruột như dịch tả, thương hàn...

Một cán bộ y tế cho biết, hầu hết các loại kem giá rẻ bán trên thị trường được làm từ các cơ sở không có giấy phép kinh doanh. Nguyên liệu, thành phần chế biến kem không rõ nguồn gốc và cũng không ghi thời hạn sử dụng. Nguồn nước làm kem chủ yếu là nước lã. Do vậy, kem là nguồn lưu trữ nhiều loại vi khuẩn gây hại đến sức khỏe, có thể gây ra các bệnh như dịch tả, thương hàn...

 

Kem được làm từ nước lã và đường hóa học

 

Ông Hoàng Tiến, chủ một lò kem gần chợ Phú Lâm, Q6, TPHCM, cho biết: Kem đá là loại dễ bán, dễ làm và thu nhiều lợi nhuận nhất. Chỉ cần một chai xirô giá không quá 7.000 đồng/lít (chủ yếu là để lấy hương xirô - PV) pha với nước lã, màu và vài viên đường hóa học là có thể làm được hàng trăm cây kem. Thế nhưng, cũng theo ông Tiến, kem đá vẫn còn sạch hơn so với nhiều loại kem khác như kem sữa, kem trái cây và kem chuối.

 

Theo khảo sát của chúng tôi, tại các chợ Nhị Thiên Đường (Q8), Phú Lâm (Q6), Kim Biên, Chợ Lớn (Q5), Bà Chiểu (Q. Bình Thạnh) bày bán rất nhiều nguyên liệu để làm các loại kem sữa, kem trái cây, kem chuối, trong đó nhiều loại bột bị mốc đen, mốc xanh. Những nguyên liệu này thường được đóng gói thành từng bịch ni lông không nhãn mác.

 

Công đoạn chế biến kem chuối được coi là mất vệ sinh nhất. Nguyên liệu làm kem thường là chuối dạt, chuối thâm đen, chuối bầm dập với giá 10.000 đồng/thúng 20kg. Chuối nguyên liệu được cắt lát, ép mỏng, tẩm đường hóa học, độn bột, sau đó đổ thêm vài ống vani là có thể nâng cao độ ngọt, át đi mùi mốc meo của chuối phế liệu. Kem chuối chỉ cần rắc thêm một vài hạt đậu phộng, vài cọng dừa khô là có thể được bán với giá bỏ mối 1.000 đồng/bịch.

 

Nguy cơ bệnh tật

 

Trước cổng Trường THPT Trưng Vương, Q.1, các loại kem dạo được đựng trong những thùng xốp mục nát, dơ bẩn. Ngay cổng Trường Nguyễn Du, Q.1, kem dạo còn được đựng trong những xô nước đá không có nắp đậy. Khi bỏ mối loại kem này, người vận chuyển không dùng đến găng tay mà bốc từng vốc kem vào một xô đá để bán dần, bất chấp nguy cơ nhiễm khuẩn.

 

Theo bác sĩ Nguyễn Thu Ngọc Diệp, Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng, Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Viện Vệ sinh - Y tế Công cộng, Bộ Y tế, chỉ dùng đá lạnh bảo quản kem là không đủ, dễ dẫn đến hiện tượng ô nhiễm ngược từ nước đá tan ra.

 

Kem được làm từ rất nhiều thành phần khác nhau như: phẩm màu, nước, đường, hương liệu, các loại bột, rau, củ quả, bột sữa, các loại đậu và từ nước ép trái cây... Nếu nguồn nước làm kem bị nhiễm khuẩn thì kem sẽ là “mảnh đất màu mỡ” để vi khuẩn phát triển, dễ gây ngộ độc cấp tính, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy...

 

Theo Xuân Tân

Người lao động