1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Bị cắt rốn bằng kéo sinh hoạt, cháu bé nguy kịch

(Dân trí) - Cô con dâu chuyển dạ được bố mẹ chồng đỡ đẻ tại nhà, đứa bé vừa chào đời bà nội liền dùng kéo sinh hoạt cắt rốn. Hơn một tuần sau, cháu phải nhập viện vì bỏ bú, sốt cao… bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị uốn ván và nhiễm trùng sơ sinh.

Đó là trường hợp của bé G.A.T (11 ngày tuổi, ngụ tại Đắk Nông). Gia đình bé T. là người đồng bào H’Mông sống sâu trong bản giáp rừng. Khoảng cách từ nhà đến bệnh viện quá xa, trình độ học vấn lại thấp nên họ chưa tiếp cận được với những dịch vụ y tế. Vì vậy dù đã sinh đến đứa con thứ  hai nhưng người mẹ vẫn chưa được chích ngừa uốn ván.

Bị cắt rốn bằng kéo sinh hoạt, cháu bé nguy kịch - 1
Đa phần các trường hợp uốn ván rốn xảy ra ở trẻ thuộc đồng bào dân tộc (ảnh minh họa internet)

Do không có điều kiện nên trong thời gian mang thai, người mẹ không được đi khám thai theo định kỳ. Đến kỳ sinh nở gia đình chủ động để sản phụ sinh tại nhà người đỡ cũng chính là ông bà nội. Sau khi bé T. chào đời, bà nội của cháu đã dùng kéo sinh hoạt để cắt rốn, gần một tuần sau, vết cắt sưng to có biểu hiện mưng mủ… Bé T. bắt đầu sốt cao, bỏ bú và liên tục quấy khóc nên gia đình chuyển đến bệnh viện địa phương.

Sau khi được sơ cứu, bé T. tiếp tục phải chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 2. Tại đây ghi nhận cháu trong tình trạng sốt cao, chân tay co gồng, môi tím tái. Khám cấp cứu, bác sĩ phát hiện quanh rốn của bé có nhiều dấu cắt lể, các kết quả xét nghiệm cho thấy cháu đã bị nhiễm vi trùng uốn ván và nhiễm trùng sơ sinh.

Trước trường hợp của bé T. trong 6 tháng đầu năm 2011 Viện Pastuer TPHCM đã ghi nhận bốn trường hợp tương tự thuộc các dân tộc Khơ Me, Stiêng cư ngụ tại BÌnh Phước, An Giang, Kiên Giang mắc uốn ván rốn. Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới phụ nữ trong độ tuổi sinh con nên tiêm phòng đủ 5 mũi uốn ván theo chỉ định của bác sĩ.

Li Uyên