1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

13 người ở Điện Biên mắc bệnh nguy hiểm sau khi giết mổ, ăn thịt trâu, bò

Nam Phương

(Dân trí) - Theo báo cáo trong tháng 5, tại huyện Tủa Chùa, Điện Biên ghi nhận 3 ổ dịch bệnh than thể da. Các bệnh nhân có tiền sử dịch tễ liên quan đến giết mổ và ăn thịt trâu, bò.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên, từ ngày 5/5 đến ngày 30/5 trên địa bàn huyện Tủa Chùa ghi nhận 3 ổ dịch bệnh than thể da với 13 trường hợp mắc tại xã Mường Báng (1 ổ dịch), xã Xá Nhè (2 ổ dịch). Hiện chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong. Tất cả các trường hợp mắc đều có tiền sử dịch tễ liên quan đến giết mổ và ăn thịt trâu, bò.

Để chủ động phòng chống lây nhiễm bệnh than từ động vật sang người, ngày 2/6, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) gửi công văn đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau: 

13 người ở Điện Biên mắc bệnh nguy hiểm sau khi giết mổ, ăn thịt trâu, bò - 1

Bệnh than không lây truyền từ người sang người (Ảnh minh họa: G.K).

Thứ nhất, theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của những người tham gia giết mổ và sử dụng cùng nguồn thịt trâu bò với các trường hợp mắc nói trên và những người tiếp xúc gần với ca bệnh nhằm dự phòng và điều trị kịp thời. Đồng thời, tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh than, xử lý môi trường tại khu vực ổ dịch theo quy định.

Thứ 2, tăng cường phối hợp với cơ quan thú y và các ban, ngành liên quan trong việc giám sát phát hiện bệnh than trên động vật để có các biện pháp dự phòng kịp thời trên người; phối hợp trong điều tra, xử lý ổ dịch than trên động vật.

Thứ 3, tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh than từ động vật sang người, đặc biệt chú ý những khu vực có nguy cơ cao và những người chăn nuôi, buôn bán và giết mổ trâu, bò. Khuyến cáo người dân không giết mổ và sử dụng thực phẩm từ trâu, bò, ngựa ốm chết, không rõ nguồn gốc.

Thứ 4, chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân và thông báo kịp thời cho trung tâm kiểm soát bệnh tật để điều tra, xử lý ổ dịch.

Thứ 5, thực hiện việc phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định. 

Cục Y tế Dự phòng cũng đề nghị Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ địa phương thực hiện điều tra, giám sát và theo dõi các trường hợp nghi nhiễm, các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh; xử lý ổ dịch theo quy định.

Đồng thời, hướng dẫn và hỗ trợ địa phương xét nghiệm khẳng định các mẫu bệnh phẩm từ các ca nghi nhiễm trên người; xem xét tập huấn nâng cao năng lực cho địa phương trong giám sát, phát hiện, điều tra và xử lý ổ dịch than trên người cũng như hướng dẫn phối hợp với ngành thú y.

Bệnh than do trực khuẩn có tên gọi Bacillus anthracis gây nên. Vùng miền núi chăn nuôi gia súc lớn thường có nguy cơ mắc bệnh này. Vi khuẩn Bacillus anthracis tồn tại trong đất, nước, trong các động vật có móng guốc (trâu, bò, ngựa, cừu...). Bệnh lây qua người theo 3 đường: Tiếp xúc qua da (chiếm hầu hết tất cả các trường hợp), đường tiêu hóa, hô hấp.

Bệnh không lây từ người sang người. Bệnh thường xuất hiện trong vòng 7 ngày khi bị lây nhiễm. Bệnh than gây ra nguy cơ tử vong cao tùy theo thể loại mắc bệnh.

Nếu mắc qua thể tiếp xúc qua da, nếu không được điều trị, bệnh gây tử vong khoảng 20%. Bệnh than lây qua đường hô hấp, tiêu hóa có nguy cơ tử vong cao hơn, 25-60%.