Đắk Lắk:

Vô tư xâm hại hồ nước ngọt lớn nhất Tây Nguyên

(Dân trí) - Được bao bọc giữa núi rừng xanh thẳm, hồ Lăk mang vẻ đẹp nguyên sơ của một thắng cảnh du lịch lừng danh tại Đắk Lắk. Điều đáng buồn, hiện nay hồ nước ngọt lớn nhất Tây Nguyên này đang có nguy cơ bị xâm hại.

Nằm cách Trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột gần 60km đường bộ, hồ Lăk trải mình hiền hòa bên thị trấn Liên Sơn, huyện Lăk, tỉnh Đắk Lắk. Với diện tích mặt hồ tự nhiên khoảng 500 ha, hồ Lăk được biết đến là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Tây Nguyên, cũng là hồ nước ngọt lớn thứ 2 Việt Nam sau hồ Ba Bể.

Vẻ đẹp hồ Lăk.
Vẻ đẹp hồ Lăk.

Tạo hóa ban tặng cho hồ Lăk vẻ đẹp thanh bình khi được bao bọc bởi núi rừng xanh thẳm. Bởi vậy, hồ Lăk là một thắng cảnh du lịch sinh thái độc đáo có sức hút ghê gớm đối với những ai muốn “lên non, xuống bể”. Du khách đến hồ Lăk để được trải nghiệm cảm giác lạ lẫm ngồi trên lưng voi dạo quanh hồ ngắm vẻ đẹp sơn thủy hữu tình hay vi vu nô đùa cùng sóng nước trên thuyền độc mộc của người bản xứ.

Không gian hồ Lăk còn mang đến nét văn hóa Tây Nguyên độc đáo của người đồng bào bản địa như điệu múa ngày mùa, diễn xướng cồng chiêng, ngắm thiếu nữ bên khung cửi thổ cẩm. Xa hơn, có thể dạo quanh các buôn làng mang đậm vẻ đẹp hoang sơ như buôn M’liêng, buôn Jun… của người đồng bào M’nông để chiêm ngưỡng những ngôi nhà dài truyền trống mái tranh cổ kính hiếm hoi còn lại giữa đại ngàn Tây Nguyên.

Nhưng thật đáng buồn, mới đây khi qua thị trấn Liên Sơn, ghé chân dừng lại thăm hồ Lăk, chúng tôi giật mình thấy rác thải nông sản đang xâm hại bờ hồ đáng báo động. Men theo bờ hồ Lăk quanh co, đoạn từ buôn Lê đến cổng chào khu văn hóa - du lịch buôn Jun, vốn được coi là tiền sảnh chiêm ngưỡng vẻ đẹp thanh tao toàn cảnh hồ Lăk, nhưng lại có vô số rác nông sản gồm vỏ ngô, cồi ngô, vỏ mía, rơm rạ… chất thành đống cao, xả thẳng ra bờ hồ.


Rác thải nông sản xâm hại hồ Lăk…

Rác thải nông sản xâm hại hồ Lăk…

Theo quan sát, số rác này khi ngấm nước, trôi nổi lênh láng một góc mặt hồ khiến màu nước khu vực này (đoạn trước khu văn hóa - du lịch buôn Jun) đã chuyển sang đục ngầu, nhiều chỗ thậm chí nước hồ sủi bọt có nguy cơ gây ô nhiễm. Điều chúng tôi ghi nhận được là một số rong rêu, vi tảo, vi sinh… khu vực này đã chết yểu do nước không trong lành. Trong khi người dân vô tư cho rác xuống hồ, tuyệt nhiên không thấy cơ quan chức năng nào nhắc nhở, xử lý.

… và trên mặt nước.

… và trên mặt nước.

Khi hoàng hôn buông xuống, hồ nước ngọt lớn nhất Tây Nguyên lại “náo động” bởi tiếng gõ mái chèo đuổi cá của hàng chục người dân lam lũ mưu sinh trên hồ. Người giăng lưới, nơm rọ, kẻ đặt lồng bẫy, kéo đèn… khiến sinh cảnh mặt nước hồ Lăk đứng trước nguy cơ biến đổi sâu sắc.

Theo quan sát, hiện trên hồ Lăk có hàng trăm đăng đánh bắt cá, tôm nằm chi chít, chồng chéo khiến diện tích mặt hồ thu hẹp đáng kể. Nhiều chỗ ven hồ đã thành ruộng lúa hoặc cỏ mọc xen kẽ, ngổn ngang.

… và trên mặt nước.

Nếu cơ quan chức năng không có biện pháp can thiệp, hình ảnh này sẽ gây ấn tượng “khó quên” trong lòng du khách.

Trả lời phóng viên Dân trí về vấn đề này, ông Trần Văn Minh - Chánh Văn phòng UBND huyện Lăk cho hay, đó chỉ là việc làm thời của một số người dân, UBND huyện sẽ chỉ đạo UBND thị trấn Liên Sơn, các thôn buôn nhắc nhở, động viên nhân dân tiến hành thu dọn rác đảm bảo vệ sinh môi trường. Còn các đơn vị kinh doanh du lịch xung quanh hồ Lăk đều đã có cam đoan bảo vệ môi trường. “Việc này lẽ ra UBND thị trấn Liên Sơn phải phát hiện và xử lý ngay. Đó là việc nhất thời của một số người dân, chứ không ảnh hưởng gì ghê gớm đến hồ Lăk…”, ông Minh nói.

Viết Hảo