Vì sao yêu nhưng sẵn sàng hại người yêu?

Mai Châm

(Dân trí) - Một người đang yêu bị từ chối sẽ tạo ra một căng thẳng cấp tính. Cá nhân có thể phát triển cảm giác sai lệch về thực tại, suy giảm chức năng nhận thức, thậm chí rơi vào trạng thái tê liệt.

Mới khoảnh khắc trước chúng ta vẫn còn tình cảm với nhau nhưng khoảnh khắc sau sẵn sàng mất kiểm soát và lấy đi tính mạng của người mình yêu. Điều này thật mâu thuẫn và gây sốc cho bất kỳ ai trong chúng ta, và thậm chí có thể gây sốc cho cả thủ phạm sau khi họ đã bình tĩnh lại.

Vì sao lại xảy ra những trạng thái tâm lý "điên tình" như vậy? Người trẻ cần phải yêu như thế nào cho lành mạnh, yêu sao để đạt được hạnh phúc? PGS. TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích.

Vì sao yêu nhưng sẵn sàng giết người yêu?

Nguyên nhân dẫn đến những vụ việc giết người vì tình thường được chia thành 4 loại: do mâu thuẫn chia tay, do tranh chấp với tình địch, do không chung thủy và do theo đuổi hết lòng nhưng bị từ chối.

Trong trường hợp này, có thể được xếp vào mâu thuẫn chia tay kết hợp với bị từ chối. Đôi nam nữ ban đầu đang ở trong một mối quan hệ nhưng vì một nguyên nhân nào đó một trong hai người đề nghị kết thúc. Thông thường nguyên nhân chia thành hai loại: bên trong bản chất cặp đôi (như sự bất hòa về tính cách, không có cùng cách nhìn về tương lai); hoặc do bên ngoài (tác động của người khác, của bối cảnh chia rẽ buộc một bên phải đoạn tuyệt với bên kia).

Một người đang yêu bị từ chối sẽ tạo ra một căng thẳng cấp tính. Cá nhân có thể phát triển cảm giác sai lệch về thực tại, suy giảm chức năng nhận thức, thậm chí rơi vào trạng thái tê liệt. Cá nhân sẽ phát triển các cảm xúc đau khổ, tiêu cực, tuyệt vọng, mất ý nghĩa cuộc sống. Trong hoàn cảnh này, phản ứng của họ thường theo hai cách: hoặc là rút lui, thu mình vào trong vỏ ốc để gặm nhấm sự tuyệt vọng và tự gây hại cho bản thân, hoặc là trút sự tức giận vào đối tượng làm họ thất vọng qua hành vi tấn công bạo lực nghiêm trọng.

Một khía cạnh khác có thể được đề cập là "lòng tự trọng bị tổn thương", đằng sau hành vi tàn bạo, chúng ta có thể thấy ở hung thủ sự thất vọng to lớn, họ có thể cảm thấy đã đánh mất đi những thứ quý giá mà họ đang có trước đó còn bây giờ thì không. Và hung thủ cũng có thể suy nghĩ là mình cũng chẳng thiết sống nữa nhưng trước hết kẻ kia phải trả giá cho những gì mà hắn gây ra. Đó là nguyên nhân họ hành động tàn khốc, mất lý trí để trả đũa bên kia.

Tình yêu đích thực là gì? Nhận diện kiểu người tình nguy hiểm

Đằng sau những hành vi xung động giết người thế này có lẽ là bức tranh về giáo dục gia đình và rèn luyện cá nhân.

Cha mẹ với tư cách là người thầy đầu tiên cần phải rèn luyện cho con khả năng chịu đựng ấm ức và thất vọng nhất thời vì những mục tiêu cao hơn trong tương lai. Thường thì khả năng chịu đựng ấm ức của cá nhân sẽ kém nếu cha mẹ sử dụng hình phạt hà khắc, can thiệp quá mức vào cuộc sống và tâm lý của đứa trẻ, tạo nên những hình mẫu bạo lực trong mắt trẻ hay làm nảy mầm sự ấm ức, sự thất vọng, mong muốn trả đũa của trẻ.

Tiếp đến, giới trẻ cần được giáo dục về tình yêu và hạnh phúc. Chúng ta cần biết tình yêu đích thực là gì để phân biệt với những cái cảm xúc na ná tình yêu.

Tình yêu đích thực có thể định nghĩa là việc cho đi một cách chủ động (không phải khía cạnh vật chất) mà là một phần giá trị trong cuộc đời của cá nhân (như là sự quan tâm, niềm vui...).

Bốn đặc trưng không thể thiếu trong tình yêu là: sự quan tâm chăm sóc một cách chủ động; trách nhiệm cam kết với nhau, sự tôn trọng vô điều kiện và hiểu biết về tình yêu hạnh phúc. Chúng phụ thuộc, không thể tách rời nhau. Hiểu được tình yêu đích thực sẽ tác động đến giá trị và hành vi của chúng ta, giúp cá nhân thích nghi tốt hơn với những giai đoạn đầy chông gai bão tố hay thất bại trong tình cảm.

Cuối cùng, trong cuộc sống tình cảm, mỗi cá nhân hãy nâng cao khả năng nhận diện những người tình nguy hiểm. Ngoài bạo lực bằng lời nói gây tổn thương, họ có xu hướng lạm dụng cơ thể gây tổn thương về thể chất khi gặp mâu thuẫn trong cuộc sống.

Những kiểu người tình nguy hiểm này có thể dự đoán trước được. Đó là những người có tính chiếm hữu cao, luôn đòi hỏi quyền lực và sự kiểm soát trong mối quan hệ, ghen tuông vô cớ, coi người yêu như một tài sản.

Những người này có lòng tự trọng thấp, luôn nhìn nhận hành vi của người khác với diễn giải thù địch và mang tính thách thức cá nhân họ. Tất cả những đặc điểm này sẽ thúc đẩy hành vi bạo lực họ sẽ gây ra với bạn tình.

Và nếu nhận ra những đặc điểm này, bạn hãy cố gắng tỏ thái độ nhẹ nhàng để giãn dần khoảng cách trước khi chia tay. Việc vạch ra ranh giới rõ ràng, kiên quyết nhưng phải được tiến hành từ từ đồng thời với việc tìm kiếm người thân, bạn bè, sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý để tránh những hành động xung động trả thù vô cảm.