Bị thất nghiệp, giới trẻ Trung Quốc vẫn chi tiền mua sắm và đi du lịch

Ngô Trung Dũng

(Dân trí) - Để quên đi gánh nặng thất nghiệp, nhiều người trẻ Trung Quốc lựa chọn tăng mức chi tiêu cho các dịch vụ giải trí hay du lịch.

Theo công ty tư vấn Mintel Group, kể từ đầu năm, những người sinh sau năm 1995 đã tăng mức chi tiêu cho các dịch vụ như xem phim, làm đẹp, đi quán bar và sự kiện thể thao. Khoảng 40% số người được hỏi chi tiêu nhiều hơn cho việc giải trí trong tháng 8 so với tháng trước.

"Chi tiêu cho các dịch vụ trải nghiệm xem phim, làm đẹp, tham quan triển lãm, thể thao ngoài trời trở thành cách phổ biến để Gen Z (những người SN 1997-2012) tiếp tục cuộc sống của họ sau đại dịch Covid-19", nhà phân tích Blair Zhang (Mintel Group) nhận định.

Khi nền kinh tế gặp khó khăn sau dịch bệnh, các công ty hạn chế tuyển dụng, tỷ lệ thất nghiệp của những người 16-24 tuổi đạt mức cao kỷ lục 22% vào tháng 6.

Thay vì giảm chi tiêu, Gen Z đánh giá lại các ưu tiên của họ. Không mua những món đồ đắt đỏ hay tiết kiệm tiền mua nhà, người trẻ sẵn sàng chi tiền cho những trải nghiệm bình dân, đi du lịch trong nước.

Bị thất nghiệp, giới trẻ Trung Quốc vẫn chi tiền mua sắm và đi du lịch - 1

Giới trẻ Trung Quốc lựa chọn đi du lịch trong nước để tiết kiệm chi phí (Ảnh: ShutterStock).

Sau khi thấy hàng trăm ứng viên nộp đơn cho một vị trí nhân viên văn phòng, Yang Zhifeng (22 tuổi) - sinh viên mới tốt nghiệp đại học - chán nản và không tìm việc làm toàn thời gian.

Cô quyết định làm nhân viên lễ tân bán thời gian tại một ký túc xá ở Thượng Hải (Trung Quốc) với mức lương chỉ 1.000 nhân dân tệ (gần 3,4 triệu đồng) mỗi tháng.

Dù vậy, Yang Zhifeng vẫn phân bổ tiền để đến thăm các điểm du lịch địa phương, tham dự những triển lãm truyện tranh và ăn thử ở nhà hàng mới cùng bạn bè.

"Khi thị trường việc làm tồi tệ như vậy, tại sao chúng ta phải chật vật và cố chấp lao vào đó? Đây là lúc thích hợp để nghĩ lại về lối sống nào phù hợp hơn và làm chúng ta hạnh phúc hơn", cô chia sẻ.

Savannah Li (23 tuổi) cho rằng, việc thỉnh thoảng trải nghiệm và chiều chuộng bản thân khá quan trọng. Cô chia sẻ, dù chưa có việc làm, cô cũng không ngần ngại chi 1.000 nhân dân tệ (gần 3,4 triệu đồng) - tương đương một tháng lương của Yang Zhifeng - cho chiếc váy yêu thích.

Số lượng thanh niên "nằm yên mặc kệ đời" liên tục tăng lên trong 18 tháng qua như phản ứng trước thị trường việc làm cực kỳ cạnh tranh tại Trung Quốc. Giờ đây, Gen Z muốn thoát ra khỏi xu hướng này và hướng tới cuộc sống với trải nghiệm ý nghĩa.

Các nhà bán lẻ với nền tảng khách hàng trẻ tại Trung Quốc đều bày tỏ lo ngại khi phải dựa vào khuyến mãi, giảm giá để kích thích doanh số, bởi thanh niên đang thận trọng hơn so với thời kỳ kinh tế phát triển.

"Chúng tôi vẫn thấy người tiêu dùng trẻ tuổi đi ra ngoài và chi tiêu. Giờ đây, họ thực tế hơn, tìm kiếm những lựa chọn giá rẻ", Christine Peng - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu người tiêu dùng Trung Quốc tại UBS Group AG - cho biết.

Bị thất nghiệp, giới trẻ Trung Quốc vẫn chi tiền mua sắm và đi du lịch - 2

Chiến dịch tiếp thị của Miniso chú trọng nhiều hơn vào giá trị bản thân (Ảnh: Miniso Group).

Nhà bán lẻ bình dân Miniso đã công bố doanh thu quý II tăng 40% so với năm trước, cùng khoảng 1/3 số cửa hàng tại Trung Quốc đạt kỷ lục bán hàng trong tháng 7.

Phó chủ tịch kiêm giám đốc tiếp thị của Miniso cho biết, sau dịch bệnh Covid-19, người tiêu dùng Gen Z chú ý nhiều hơn về giá trị bản thân và coi trọng những trải nghiệm phù hợp với tính cách, cảm xúc.

Trong khi đó, thương hiệu xa xỉ Coach phát động các chiến dịch khuyến khích những người mua sắm trẻ tuổi thể hiện bản thân và tự tin hơn khi đối mặt với thị trường việc làm eo hẹp. Việc này đã giúp doanh thu quý II của Coach tại Trung Quốc tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.

Dù vậy, truyền thông tiếp thị sẽ khó có kết quả nếu khách hàng không có việc làm và thu nhập ổn định.

Savannah Li - người vẫn đang tìm việc - thừa nhận: "Nếu tiếp tục không tìm được việc làm, tôi sẽ phải chi tiêu ít đi và giảm bớt những trải nghiệm giải trí mong muốn".