DNews

Thương hồ bỏ chợ nổi, cửu vạn thất nghiệp nháo nhác mưu sinh

Bảo Trân

(Dân trí) - Bờ kè sông Cần Thơ chạy dọc chợ nổi Cái Răng được cho xây quá cao, thiếu bến bãi, cầu tàu lên xuống, khiến người dân mưu sinh trên chợ nổi Cái Răng đứng trước nguy cơ mất việc.

Thương hồ bỏ chợ nổi, cửu vạn thất nghiệp nháo nhác mưu sinh

Dự án Kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu khởi công vào tháng 6 năm 2016 được kỳ vọng sẽ là một trong những dự án trọng điểm thay đổi diện mạo của đô thị sông nước Tây Đô, bảo vệ cơ sở hạ tầng cũng như nâng cao chất lượng đời sống người dân địa phương. Thế nhưng, ở giai đoạn dự án sắp hoàn tất, nhiều người dân mưu sinh ở chợ nổi chỉ biết thở dài khi đứng trước nguy cơ mất việc làm.

Thương hồ bỏ chợ nổi, cửu vạn thất nghiệp nháo nhác mưu sinh - 1

Dự án Kè sông Cần Thơ khiến việc giao thương nông sản trên Chợ nổi gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Bảo Trân).

Thương hồ bỏ chợ nổi, cửu vạn thất nghiệp nháo nhác mưu sinh - 2
Thương hồ bỏ chợ nổi, cửu vạn thất nghiệp nháo nhác mưu sinh - 3

Dự án Kè sông Cần Thơ tác động không nhỏ đến Chợ nổi Cái Răng (Ảnh: Bảo Trân).

Thương hồ bỏ chợ nổi, cửu vạn thất nghiệp nháo nhác mưu sinh - 4

Dự án Kè sông Cần Thơ đã "chia cắt" mối quan hệ giữa thương hồ với chợ nổi vốn tồn tại hơn trăm năm và được xem là di sản địa phương (Ảnh: Bảo Trân).

"Chúng tôi chỉ xin một bến đỗ để kiếm chén cơm"

Nhìn về phía cầu Cái Răng, bà Đặng Thị Mẫn (sinh năm 1969, ngụ Phường Hưng Lợi, TP. Cần Thơ) thở dài khi được hỏi về những dự định sắp tới: "Tới đâu hay tới đó chứ biết làm sao? Nếu không làm được nghề này nữa thì tôi đi bán vé số, rửa chén nuôi con".

Làm nghề bốc vác đã được 18 năm, một mình nuôi 2 con nhỏ, cuộc sống gặp nhiều khó khăn thế nhưng đây là lần đầu tiên bà Mẫn rơi vào tình cảnh lo đứng lo ngồi khi nhìn thấy Kè sông Cần Thơ ngày một đi vào hoàn thiện.

Hằng ngày, mỗi tấn hàng bà Mẫn được 100.000 đồng tiền công, nếu làm cả việc chạy đò chuyển hàng bà sẽ kiếm thêm được 100.000 đồng. Mỗi ngày thương hồ lên từ 2 - 3 tấn hàng, thu nhập của bà có thể dao động từ 300.000-500.000 đồng.

"Bây giờ không bằng một nửa lúc trước. Phần vì chủ vựa bỏ nghề, hàng không còn lên nhiều như trước nữa. Trước đây, mấy anh em một ngày có khi lên được khoảng chục tấn. Hiện tại, làm ít lắm".

Thương hồ bỏ chợ nổi, cửu vạn thất nghiệp nháo nhác mưu sinh - 5

Bà Mẫn làm bốc vác và lái đò trên chợ nổi Cái Răng đã được hơn 20 năm (Ảnh: Bảo Trân).

Thương hồ bỏ chợ nổi, cửu vạn thất nghiệp nháo nhác mưu sinh - 6

Không chỉ bà Mẫn, nhiều bốc vác trên bến chợ nổi đã quá tuổi làm công nhân, họ chỉ có thể trông chờ vào các thương hồ để mưu sinh. Nếu thương hồ bỏ chợ, nguy cơ họ mất việc, trắng tay là rất cao (Ảnh: Bảo Trân).

Theo bà Mẫn, ngày trước ghe của thương hồ chở nông sản lên chợ nổi tấp nập, mỗi người chỉ nhận bốc hàng có thể thu nhập khoảng 400.000-700.000 đồng/ngày.

"Ngày xưa có bến, hàng lên thoải mái. Bây giờ chỗ nào trống, không có bê tông mấy anh em cùng nhau dựng cầu tạm để lên hàng. Từ lúc xây bờ kè đến nay chúng tôi đổi hơn chục điểm lên hàng, họ xây đến đâu cũng tôi phải dời đi đến đấy", bà Mẫn nói.

Đồng cảnh ngộ với bà Mẫn, ông Hồ Quang Vinh (ngụ Cần Thơ) kiếm sống bằng nghề bốc vác đã 10 năm nay nhưng cũng đứng trước nguy cơ mất việc, bỏ nghề.

"Bờ kè cao, nhấc hàng mất nhiều công sức và thời gian. Nhiều người vì việc ngày càng nặng nhọc, làm không nổi mà nghỉ. Chúng tôi đã quá tuổi làm công nhân, học thức lại kém, ở đây không có xí nghiệp nào tuyển nên ngoài dùng sức kiếm tiền, chúng tôi không có cơ hội làm thêm nghề khác".

Thương hồ bỏ chợ nổi, cửu vạn thất nghiệp nháo nhác mưu sinh - 7

Ông Hồ Quang Vinh làm bốc vác ở bến chợ nổi đã được hơn chục năm (Ảnh: Bảo Trân).

Thương hồ bỏ chợ nổi, cửu vạn thất nghiệp nháo nhác mưu sinh - 8

Thương hồ, bốc vác chật vật giữa bê tông cốt thép (Ảnh: Bảo Trân).

Thương hồ bỏ chợ nổi, cửu vạn thất nghiệp nháo nhác mưu sinh - 9

Việc lên xuống hàng gặp nhiều khó khăn, tốn sức lao động, chi phí vận chuyển và thuê nhân công nên nhiều thương hồ đã bỏ chợ nổi (Ảnh: Bảo Trân).

Kể với chúng tôi, ông Vinh cho biết ông cùng nhiều người khác phải đi nhặt cây tràm cắm cọc dựng cầu tạm. Ban thi công công trình Kè sông để lại chỗ trống nào, họ di dời cầu tạm đến đấy.

Không chỉ những người làm nghề bốc vác, mà nhiều người lái đò trên chợ nổi cũng đứng trước nguy cơ mất việc sau khi kè sông hoàn tất.

"Làm bờ kè xong thương hồ xuống hàng khó khăn họ cũng sẽ bỏ chợ nổi mà đi, lái đò cũng chẳng biết sẽ chở hàng gì để kiếm sống", một người lái đò hàng chục năm than thở. 

Thương hồ bỏ chợ nổi, cửu vạn thất nghiệp nháo nhác mưu sinh - 10

"Thương hồ là hồn của chợ nổi"

Thực trạng cho thấy, nhiều thương hồ đã bỏ nghề, không còn giao thương thường xuyên trên chợ nổi. Mặt khác, một số nhà vườn cũng quyết định mở vựa trên bờ, không cần đến thương hồ. 

Thương hồ bỏ chợ nổi, cửu vạn thất nghiệp nháo nhác mưu sinh - 11
Thương hồ bỏ chợ nổi, cửu vạn thất nghiệp nháo nhác mưu sinh - 12
Thương hồ bỏ chợ nổi, cửu vạn thất nghiệp nháo nhác mưu sinh - 13

Chú thích ảnh: Người dân phải đi nhặt cây, tự dựng cầu tạm để lên hàng.

Tâm sự với chúng tôi, một chủ vựa nông sản trên địa bàn TP Cần Thơ cho hay, anh cùng nhiều người dân bị ảnh hưởng chỉ mong mỏi có bến lên xuống hàng hóa để kiếm chén cơm.

"Làm bờ kè thì chắc chắn phải làm vì mực nước ngày một dâng cao, làm bờ kè là lo cho dân nhưng lo thì lo cho trót. Đây là điểm giao thương nông sản trong thành phố, thương hồ và chủ vựa đều giao dịch hàng hóa ở đây. Chúng tôi chỉ tha thiết mong có một bến để lên - xuống hàng".

Trao đổi với PV, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng nhấn mạnh "thương hồ" chính là hồn của chợ nổi. Nhất định phải giữ chân thương hồ thì mới có thể mong giữ gìn văn hóa chợ nổi.

 "Bảo tồn văn hóa chợ nổi trước tiên cần phải bảo tồn thương hồ. Vì thương hồ là người làm ra văn hóa chợ nổi, chủ thể của chợ nổi là thương hồ".

Theo ông Hùng, cần phải biến bờ kè thành bờ kè phục vụ chợ nổi, tạo điều kiện cho thương hồ ở lại, hạn chế tối đa nguy cơ thương hồ bỏ chợ.

"Không gian chợ nổi của ta gắn kết đa chiều từ trên bờ đến dưới sông. Khi việc giao thương gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, chi phí vận chuyển, họ bỏ đi là chuyện sớm muộn", ông Hùng chia sẻ.

Thương hồ bỏ chợ nổi, cửu vạn thất nghiệp nháo nhác mưu sinh - 14
Thương hồ bỏ chợ nổi, cửu vạn thất nghiệp nháo nhác mưu sinh - 15

Năm 2016, chợ nổi Cái Răng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cuối tháng 6, Ban quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể chợ nổi Cái Răng được thành lập với nhiều đề án Gìn giữ và Phát triển kinh doanh, du lịch ở chợ nổi. Hiện tại, thành phố đã bắt đầu vào giai đoạn của đề án lần thứ 2.

Dự án xây Kè sông Cần Thơ do Ban Quản lý Dự án Ðầu tư Xây dựng TP Cần Thơ làm chủ đầu tư với tổng chiều dài toàn tuyến là 5.160m. Dự án được nguồn vốn ODA do Cơ quan Phát triển Pháp tài trợ, dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày 31/12/2023.