1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Gác bằng dược sĩ về làm bánh dân gian, 9X Tây Đô kiếm trăm triệu đồng/tháng

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Dừng việc theo đuổi nghề "bốc" thuốc, chị Uyên khoác lên người chiếc tạp dề, ngày ngày lui cui trong bếp sáng tạo những món bánh dân gian mới mẻ khiến ai thấy cũng xuýt xoa.

Tốt nghiệp ngành Dược và có 2 năm làm việc trong lĩnh vực y tế, song chị Trần Thị Lê Uyên (29 tuổi, ngụ phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) đã quyết định rẽ hướng, chọn con đường khởi nghiệp làm bánh dân gian theo đúng đam mê. 

Gác bằng dược sĩ về làm bánh dân gian, 9X Tây Đô kiếm trăm triệu đồng/tháng - 1

Chị Uyên từ bỏ công việc đúng chuyên ngành được đào tạo để theo đuổi đam mê làm bánh dân gian.

Chị Uyên kể, thời còn sinh viên chị đã có sở thích làm bánh. Lúc đó, chị vừa học, vừa làm bánh bán kiếm thêm thu nhập. Tốt nghiệp, cầm tấm bằng dược sĩ trong tay, chị Uyên làm việc tại nhà thuốc nhưng nhận thấy công việc không phù hợp nên chị xin nghỉ. 

Cô gái cất bằng dược sĩ theo đuổi nghề làm bánh dân gian kiếm hàng trăm triệu đồng (Clip: Bảo Kỳ).

Năm 2017, chị đến quận Thốt Nốt (Cần Thơ) học làm bánh dân gian. Món bánh giúp chị tạo dựng thương hiệu chính là bánh khoai môn gân. Thoạt nhìn, bánh khoai môn gân của chị Uyên khá giống bánh đúc gân nhưng bánh có màu tím, kiểu dáng lạ mắt nên rất được ưa chuộng. 

"Tôi học 3-4 người thầy, dạy làm cả bánh Âu lẫn Á. Mỗi người thầy lại có điểm hay riêng. Trải qua nhiều năm vừa học vừa làm, tôi đúc kết được nhiều kinh nghiệm làm bánh, về sau áp dụng cho chính mình", chị Uyên chia sẻ. 

Gác bằng dược sĩ về làm bánh dân gian, 9X Tây Đô kiếm trăm triệu đồng/tháng - 2

Chè trôi liên hoa, bánh khoai môn gân, bánh da lợn ca rô được chị Uyên sáng tạo trên kỹ thuật làm bánh truyền thống.

Theo cô chủ 9X, "tệp" khách hàng chị nhắm đến là giới trẻ, hộ gia đình. Người trẻ không chỉ muốn bánh phải ngon, chất lượng mà còn quan tâm nhiều đến hình thức. Vì lẽ đó, các mẫu bánh dân gian của chị Uyên làm ra đều có hình dáng độc đáo, khó lẫn như bánh da lợn bàn cờ, bánh da lợn heo quay, bánh bò thốt nốt và đặc biệt là món chè trôi liên hoa. 

"Món này là chè trôi nước. Thay vì vo tròn viên chè như cách mọi người hay làm thì viên chè của tôi có các họa tiết từ hoa sen như lá sen, gương sen, búp sen...", chị Uyên lý giải. 

Gác bằng dược sĩ về làm bánh dân gian, 9X Tây Đô kiếm trăm triệu đồng/tháng - 3

Chị Uyên mất hơn một tháng tìm ra công thức làm bột chè trôi nước.

Công đoạn khó nhất làm nên món chè trôi liên hoa chính là làm bột. Ngoài bột nếp, chị Uyên còn phối thêm một số loại bột và nguyên liệu khác đảm bảo cho bột có độ dẻo, dai, khi in vào khuôn không bị bể vụn. Chủ tiệm bánh tiết lộ, bản thân mất hơn một tháng thử đi thử lại hàng trăm cách mới ra được mẻ bột ưng ý.

"Món chè này bán đắt nhất vào các ngày rằm. Cách đây không lâu, vợ chồng tôi phải thức một ngày một đêm nấu 2.500 viên chè trôi hoa sen giao cho khách. Tuy cách làm chè này mất thời gian nhưng đổi lại, khách hàng được 'no bụng, ngon mắt' tôi thấy rất xứng đáng", chị Uyên bày tỏ. 

Gác bằng dược sĩ về làm bánh dân gian, 9X Tây Đô kiếm trăm triệu đồng/tháng - 4

Chè trôi liên hoa của chị Uyên tốn nhiều thời gian chế biến vì phải tạo hình các bộ phận của hoa sen.

Ngoài chè trôi nước "cách tân", chị Uyên chuẩn bị ra mắt bánh da lợn ca rô. Vẫn giữ được hương thơm, vị béo bùi của bánh da lợn nhưng mẫu bánh này có hình dáng độc lạ, mặt bánh có nhiều ô vuông màu xanh, màu tím nằm đối xứng xen kẽ nhau giống như bàn cờ. 

Gác bằng dược sĩ về làm bánh dân gian, 9X Tây Đô kiếm trăm triệu đồng/tháng - 5

Màu sắc của viên chè nổi bật hơn khi chín.

Từ sở thích cá nhân, sau nhiều năm cố gắng theo đuổi đam mê khởi nghiệp, hiện cô gái trẻ đã trở thành chủ một cửa hàng bánh. Bánh của chị Uyên phân phối ở nhiều nơi, thậm chí chị từng có nhiều đơn hàng giao cho khách ở nước ngoài như Campuchia, Hàn Quốc, Mỹ,... Doanh thu bình quân mỗi tháng của cửa hàng khoảng 100 triệu đồng, riêng mùa Tết doanh thu hơn 300 triệu đồng/tuần.