1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Vietnam Airlines báo lãi hơn 4.400 tỷ đồng, cổ phiếu tăng bung nóc

Mai Chi

(Dân trí) - Giữa lúc thị trường giao dịch trầm lắng thì cổ phiếu HVN gây bão thanh khoản và tăng trần sau khi Vietnam Airlines báo lãi quý I kỷ lục.

Phiên giao dịch thứ hai sau kỳ nghỉ lễ (3/5), các chỉ số tiếp tục có diễn biến tích cực, tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư thận trọng khiến thanh khoản "mất hút".

VN-Index duy trì được trạng thái tăng từ đầu đến hết phiên, đóng cửa tăng 4,67 điểm tương ứng 0,38% lên 1.221,03 điểm; HNX-Index tăng 0,73 điểm tương ứng 0,32% và UPCoM-Index tăng nhẹ 0,09 điểm tương ứng 0,1%.

Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã tăng giá với 540 mã tăng so với 375 mã giảm. Trong đó, sàn HoSE có 223 mã tăng giá, 200 mã giảm giá, mức cách biệt không lớn.

Thanh khoản phiên chiều có cải thiện hơn so với phiên sáng nhưng vẫn chỉ dừng lại ở mức 643,42 triệu cổ phiếu giao dịch trên HoSE tương ứng 17.027,3 tỷ đồng. HNX có 55,5 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.112,14 tỷ đồng và UPCoM có 29,48 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 331,21 tỷ đồng.

Vietnam Airlines báo lãi hơn 4.400 tỷ đồng, cổ phiếu tăng bung nóc - 1

Thanh khoản thị trường duy trì thấp sau kỳ nghỉ lễ (Nguồn: VNDS).

Toàn thị trường có 47 mã tăng trần thì tới 36 mã nằm trên sàn UPCoM, cho thấy thị trường vẫn có một lượng tiền đầu cơ nhất định tìm kiếm cơ hội ở những mã nhỏ.

Cổ phiếu HVN của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines hôm nay bùng nổ giao dịch, tăng kịch trần lên 18.500 đồng, thiết lập mức giá cao nhất 1 năm qua, ngang với vùng đỉnh hồi tháng 8/2022. Giá cổ phiếu HVN tại thời điểm này đã tăng hơn 51% so với đầu năm và tăng hơn 30% chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây.

Khối lượng khớp lệnh đạt hơn 6,7 triệu cổ phiếu, vượt xa mức giao dịch bình quân chỉ hơn 1,1 triệu cổ phiếu mỗi phiên trong vòng 1 năm trở lại đây. Dư mua giá trần cuối phiên còn tới 4,5 triệu đơn vị.

Cổ phiếu HVN "cháy hàng" sau khi Vietnam Airlines công bố báo cáo tài chính quý I ghi nhận doanh thu thuần 27.964 tỷ đồng, tăng gần 19% so với cùng kỳ, lãi hợp nhất sau thuế đạt 4.441 tỷ đồng, đảo ngược hoàn toàn tình trạng thua lỗ hơn 37 tỷ đồng của cùng kỳ, qua đó, chấm dứt chuỗi 16 quý thua lỗ liên tiếp.

Phía doanh nghiệp cho biết, quý I là giai đoạn kinh doanh cao điểm của ngành hàng không (giai đoạn có Tết Nguyên đán). Thị trường vận tải phục hồi mạnh, hãng đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa và hầu hết đường bay quốc tế đã được khai thác (so với giai đoạn trước Covid), đồng thời mở thêm các đường bay mới.

Ngoài ra, Vietnam Airlines còn có thu nhập khác hợp nhất đột biến gần 3.635 tỷ đồng do trong quý I phát sinh thu nhập từ việc xóa nợ theo thỏa thuận trả.

Với mức lãi đạt được trong quý I, lỗ lũy kế tại ngày 31/3 giảm xuống còn 36.743 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu âm 12.556 tỷ đồng. Phía doanh nghiệp cũng trình bày biện pháp khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu như thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi và kinh doanh có lãi, tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập dòng tiền… Từ đó, khắc phục tình trạng cổ phiếu bị kiểm soát.

Vietnam Airlines báo lãi hơn 4.400 tỷ đồng, cổ phiếu tăng bung nóc - 2

Giá cổ phiếu HVN đã tăng hơn 50% so với đầu năm.

Ngoài HVN, trên sàn HoSE có DXV, HU1 và PTC cũng tăng trần và trắng bên bán, song thanh khoản tại các mã này rất khiêm tốn.

Một số cổ phiếu dịch vụ tài chính đã điều chỉnh so với phiên sáng. SSI, TVS, OGC đóng cửa giảm nhẹ; ORS, TVB, VND, CTS, EVF, FTS quay về giá tham chiếu. AGR, TCI, BSI, VCI, VDS, HCM, VIX tăng nhẹ.

Cổ phiếu ngân hàng phân hóa. Trong khi HDB tăng 3,4%; TCB tăng 2,9%; ACB tăng 1,9%; VCB, VPB, OCB, CTG tăng nhẹ thì ngược lại, LPB, VIB, SHB, TPB, EIB, MSB, NAB, STB, SSI điều chỉnh. Dù vậy, mức độ phân hóa không lớn.

Tương tự với cổ phiếu bất động sản. QCG sau khi tăng lên 16.200 đồng thì đã quay đầu giảm mạnh 4,7% còn 15.350 đồng. Nhiều mã trong ngành này điều chỉnh là NVL, HTN, HPX, SJS, HDG, ITA nhưng vẫn có những mã tăng khá tốt như VRE tăng 2,9%; PDR tăng 2,7%; KBC tăng 1,7%.