1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Vàng miếng tăng 3 triệu đồng một tuần nhưng người mua không thấy lãi

Mỹ Tâm

(Dân trí) - Vàng miếng SJC liên tiếp tăng giá trong những ngày cuối tuần, lên vùng giá 77 triệu đồng. Tuy nhiên, người mua không thấy lãi do chênh lệch 2 chiều mua - bán rất cao.

Tăng 3 triệu đồng lên 74-77 triệu đồng/lượng mua - bán 

Kết thúc tuần này (8/1-14/1), giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết tại 74-77 triệu đồng/lượng (mua - bán). Mức giá cao nhất được ghi nhận trong tuần là 74,5-77,5 triệu đồng/lượng (mua - bán) vào ngày 13/1.

Như vậy, sau một tuần, mỗi lượng vàng miếng đã tăng 3 triệu đồng. Tuy nhiên, với mức chênh lệch giá hiện tại giữa chiều mua và bán là 3 triệu đồng, người mua vàng tuần qua chưa thể có lãi.

Còn nếu so với mức đỉnh thiết lập trong ngày 26/12/2023, mỗi lượng vàng miếng SJC bán ra cho người dân hiện thấp hơn 3 triệu đồng còn chiều mua vào rẻ hơn tới 5 triệu.

Vàng miếng tăng 3 triệu đồng một tuần nhưng người mua không thấy lãi - 1

Giá vàng lên - xuống thất thường (Ảnh: Mạnh Quân).

Giá vàng miếng trong nước tăng nhanh trong 3 ngày cuối tuần sau những ngày "lặng sóng". Trên thị trường quốc tế, theo Kitco, giá vàng thế giới chốt phiên cuối tuần ở mức 2.048 USD/ounce.

Thị trường quốc tế yên ắng trong nửa đầu tuần do chờ đợi các báo cáo quan trọng, rồi giảm sâu sau số liệu báo cáo về lạm phát Mỹ. Tuy nhiên, giá kim loại quý phục hồi trở lại vào cuối tuần nhờ được thúc đẩy bởi lực cầu trú ẩn an toàn khi xung đột leo thang ở Trung Đông.

Quy đổi theo tỷ giá chưa thuế, phí, chênh lệch với thế giới và vàng trong nước là 16 triệu đồng/lượng.

Giới đầu tư vàng vẫn đặt cược vào khả năng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để thúc đẩy giá vàng đi lên. Dù vậy, thị trường vàng miếng trong nước lại đối mặt với câu chuyện can thiệp thị trường vàng để hạ chênh lệch với thế giới của Ngân hàng Nhà nước. Đơn vị này sắp tới sẽ trình Thủ tướng báo cáo tổng kết, đánh giá về công tác quản lý thị trường vàng và định hướng thay đổi chính sách, cũng như cân nhắc việc có nên độc quyền vàng miếng SJC hay không.

Đà tăng - giảm của vàng là vô lý?

Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân - quản lý gia sản Ngô Thành Huấn gọi đà tăng - giảm của vàng trên thị trường thời gian qua "có phần vô lý". Vàng đang là kênh "sốt nóng", ghi nhận người mua - bán tại các nhà vàng đông hơn bình thường.

Ông Huấn khuyên nếu vàng tăng 10-15%, nhà đầu tư nên bán, sau đó có thể mua lại nếu tình hình kinh tế vẫn ủng hộ giá vàng. Nếu nhà đầu tư mua vào ở vùng giá 68-69 triệu đồng/lượng, tức vàng đã tăng hơn 15%.

"Vàng rất khó tăng đột ngột", ông Huấn nói. Vàng đã tăng trên 15% tuyệt đối không mua, còn câu chuyện bán còn phải dựa vào tình hình thị trường và góc nhìn mỗi người.

Vàng miếng tăng 3 triệu đồng một tuần nhưng người mua không thấy lãi - 2

Vàng miếng tại một tiệm vàng ở Hà Nội (Ảnh: Thành Đông).

Với tình hình biến động kinh tế hiện tại, chuyên gia cho rằng vàng vẫn sẽ neo ở vùng giá cao năm 2024. Tuy nhiên, ông cũng đề cập đến câu chuyện Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ điều chỉnh câu chuyện độc quyền vàng miếng, nhất là khi cung thấp và cầu tăng.

"Phản xạ cứ có biến động là mua vàng đã nằm trong tiềm thức của người Việt", ông Huấn nói. "Việc số lượng vàng bị hạn chế nguồn cung và độc quyền khiến khi cầu của thị trường tăng, các doanh nghiệp buôn vàng sẽ tăng giá lên để bảo vệ hàng tồn kho của mình", ông nhấn mạnh.

"Nếu không tăng được việc nhập thêm, các cơ sở kinh doanh còn phải xử lý vàng SJC để sản xuất vàng nữ trang. Khi số lượng vàng miếng SJC càng giảm thì về nguyên tắc giá phải điều chỉnh tăng do cung - cầu", ông nói.