1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

TS. Nguyễn Đình Cung: Bánh xe mà xì hơi lên “xa lộ” EVFTA sao được!

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, trước lúc đến “xa lộ” EVFTA doanh nghiệp phải trải qua nhiều tuyến đường tỉnh, đường huyện đầy chông gai. Nếu lên tới gần xa lộ mà bánh xì hơi thì làm sao lên được.

Cải cách phải vì mục tiêu thịnh vượng, không phải do áp đặt

TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã ví những khó khăn trong nội tại Việt Nam như “những tuyến đường tỉnh, đường huyện đầy chông gai” khi doanh nghiệp bước vào "xa lộ" EVFTA.

TS. Nguyễn Đình Cung: Bánh xe mà xì hơi lên “xa lộ” EVFTA sao được! - 1

Hội nghị bàn tròn "Hiệp định EVFTA và sự hội nhập của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu trong một thế giới hậu Covid-19".

Ông Cung đã cho biết như vậy tại Hội nghị bàn tròn "Hiệp định EVFTA và sự hội nhập của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu trong một thế giới hậu Covid-19" diễn ra hôm nay (28/8) tại Hà Nội.

Vị chuyên gia lo ngại, nếu không xử lý được các nút thắt hiện nay thì trước khi đến “xa lộ” EVFTA, những chiếc xe với cái bánh xì hơi khó có thể bước chân vào.

Ông Cung nói: Muốn tận dụng được cơ hội đem lại từ FTA thì doanh nghiệp trong nước phải lớn. Chỉ khi nào doanh nghiệp tư nhân lớn thì chúng ta mới có đối tác tin cậy, bình đẳng với nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên thực tế còn quá nhiều rào cản khiến doanh nghiệp tư nhân không lớn được hoặc không muốn lớn. Theo ông Cung, gốc rễ vấn đề vẫn là câu chuyện cải cách.

“Hội họp nhiều cũng không để làm gì. Quan trọng là thay đổi tư duy và cách hành động. Nhắm đúng vấn đề để cải cách”, ông Cung nói.

Đáng lưu ý theo quan điểm của ông Cung, không nên kỳ vọng EVFTA thúc đẩy cải cách mà chính xác là sự cải cách phải đến chính từ những nỗ lực bên trong.

“Cải cách phải từ sự phát triển của chính mình chứ không phải từ sự áp đặt bên ngoài. Cải cách phải vì sự thịnh vượng của chính Việt Nam. Chỉ có như thế chúng ta mới tận dụng tốt cơ hội đem lại”, ông Cung nhấn mạnh.

Ông Cung cũng đặt vấn đề, tại sao đầu tư FDI từ EU, Hoa Kỳ còn ít vào Việt Nam? Trong khi đó, Việt Nam trong giai đoạn tái cơ cấu chuyển đổi mô hình tăng trưởng lại rất cần những đầu tư từ các khu vực này.

Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ EU tại Việt Nam cũng cho rằng, cải cách tốt khi chính bản thân chúng ta tự cảm thấy cần phải cải cách. Ông đồng tình với quan điểm, nếu cải cách vì bên ngoài gây áp lực thì là không đúng.

Ông Giorgio Aliberti khẳng định EVFTA quan trọng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.“Ngay khi EVFTA đi vào hiệu lực, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã tổ chức hội nghị về hiệp định. Chúng tôi nhìn thấy thiện chí của Việt Nam, sự nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện chính sách”, ông Giorgio Aliberti nhấn mạnh.

Thể chế nào, doanh nghiệp ấy

Nếu ví EVFTA như cao tốc, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, không phải doanh nghiệp nào cũng muốn đi “cao tốc”.

Ông Khanh cho biết, nhiều doanh nghiệp thấy đi đường quốc lộ cũ có thể đáp ứng điều kiện của họ thì sẽ không chấp nhận trả phí để đi cao tốc nhanh hơn.

Ông Khanh kỳ vọng với EVFTA, doanh nghiệp cần sớm thay đổi tư duy, tự nâng cấp mình lên. “Chúng tôi tổ chức nhiều hội thảo, phản ứng của nhiều doanh nghiệp còn nhiều hạn chế”, ông Khanh bày tỏ lo ngại.

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI đồng quan điểm với TS. Nguyễn Đình Cung cải cách phải từ bên trong chứ không phải chờ áp lực từ bên ngoài.

“Gốc rễ là vấn đề bên trong chứ không phải những gì chúng ta thể hiện ra bên ngoài. Trong hội nhập muốn thành công phải quay trở lại 3 điểm đột phá. Đột phá về thể chế, chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng”, ông Lộc nói. Theo Chủ tịch VCCI, chừng nào chưa gia cố được 3 “chân kiềng” này thì việc tận dụng cơ hội vẫn còn hạn chế.

Cũng theo ông Lộc, thể chế nào thì doanh nghiệp đó. Nói doanh nghiệp không chịu đi cao tốc, thích đi đêm... thì cũng chính từ môi trường kinh doanh sinh ra. "Tôi không nói tất cả doanh nghiệp nhưng có những doanh nghiệp như vậy. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Quay trở lại vẫn là vấn đề cải cách thể chế, vấn đề nội bộ của chúng ra", ông Lộc nói.

Trong khi đó, đại diện phía EuroCham đánh giá EVFTA là cơ hội mà cộng đồng doanh nghiệp hai bên cùng nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực. Vị này cũng cho rằng, nếu như doanh nghiệp không thể đạt sự cạnh trang ngay trên sân nhà thì khó có thể cạnh tranh trên thế giới.