1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Triệu phú sen trên phá Tam Giang

(Dân trí) - Không ai nghĩ rằng cây sen lại có thể mọc được trên vùng đất mênh mông nước Phá Tam Giang. Và càng không nghĩ rằng, nó lại có thể cho hiệu quả kinh tế cao. Ấy vậy mà có một người đàn ông vẫn quyết tâm thử nghiệm và thành công.

Triệu phú sen trên phá Tam Giang - 1
Không ai nghĩ cây sen lại cho hiệu quả kinh tế cao như vậy ở vùng đất mênh mông nước này.
 
Đó là triệu phú Nguyễn Đăng Sơn (thôn Phú Kinh, xã Hải Hòa, Hải Lăng, Quảng Trị). Gần 7 ha sen trên phá Tam Giang (thuộc HTX Điền Hòa, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) của ông đang vào mùa thu hoạch, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Gần nửa đời học nghề trồng sen

Từng là một thợ “đụng” vật lộn với cuộc sống từ Nam chí Bắc gần 20 năm, cuộc sống của ông Sơn đã trải qua không ít cay đắng ngọt bùi. Lớn lên, ông vào Nam học nghề cơ khí, sau đó học lái máy ủi, máy xúc... Năm 1973, ông về quê cưới vợ, sinh con. Không đành nhìn vợ con thiếu thốn, ông dắt díu cả gia đình vào Nam lập nghiệp.

Những chuỗi ngày ở miền Nam, vợ chồng ông rong ruổi khắp nơi, khi về miền Tây, khi ngược lên Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai... làm nghề lái xe ủi, lái máy cày thuê. Mùa không có việc lại xin đi làm thuê ở các vườn sen, thấy làm sen kinh tế rất khá ông quyết tâm học hỏi kinh nghiệm để có dịp về quê trồng thử.

Năm 1990, ông đưa vợ con về quê, chấm dứt cuộc sống tha hương. Thấy đất ở vùng trũng bị bỏ hoang, vợ chồng ông bàn nhau lên xã xin khai hoang để trồng lúa.

Được xã đồng ý, vay mượn bạn bè được gần 30 triệu đồng, ông liều bỏ ra 26 triệu đồng tậu một chiếc máy cày để vỡ đất khai hoang. Phát lau lách, cỏ dại đến đâu, ông cho máy cày trục đến đó, ròng rã nhiều tháng trời, đất hoang dần thành vùng, thành thửa.

Trồng lúa không ăn thua, năm 1995, ông bắt đầu giảm dần diện tích trồng lúa để chuyển sang trồng sen, không ngờ cây sen rất phát triển, từ đó ông quyết định đầu tư mạnh vào cây trồng mới.

Trở thành triệu phú

Triệu phú sen trên phá Tam Giang - 2
Ông Sơn với cánh đồng sen của mình trên phá Tam Giang.
 
Lúc đầu, cánh đồng sen của ông Sơn nằm gần sông ô Lâu với diện tích 7,5 ha, chạy suốt một dọc dài bên quốc lộ 1A, giáp giới giữa 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị.

Tuy nhiên, nhận thấy, đất này chủ yếu là đất cát, trồng sen không hiệu quả mấy, những năm đầu do chưa chọn được loại sen thích hợp trên cát nên có lúc hai vợ chồng ông bị lỗ vốn nặng.

Qua hơn hai năm mày mò, ông đã khám phá ra vùng nước ven đầm phá Tam Giang trồng sen rất phù hợp. Thế là ông quyết định khăn gói vào Thừa Thiên-Huế tìm hiểu nguồn nước, thuê đất trồng thử.

Cánh đồng sen trên phá Tam Giang của ông thuê của HTX Điền Hòa với thời hạn 5 năm, tiền thuê mặt bằng, chi phí ban đầu không nhiều nên lãi từ hạt sen rất cao.

Theo tính toán của ông, trung bình mỗi ha sen thu được 3 tấn hạt, với giá 15-20 triệu đồng/tấn, trừ chi phí, lãi 300-400 triệu đồng.

Bên cạnh đó, chỉ tính riêng tiền thu từ cá tự nhiên trong đầm mỗi mùa vụ cũng được hơn 40 triệu. “Coi bộ dễ ăn nhưng thật ra trồng sen rất khó, nếu nguồn nước ô nhiễm, không biết trồng vào thời điểm nào, chăm bón như thế nào thì dễ trắng tay lắm”, ông Sơn chia sẻ.

Hiện tại, cánh đồng sen gần 7 ha của ông Sơn trên phá Tam Giang đang vào mùa thu hoạch. Ông phải thuê thêm 5 nhân công mới kịp thu hái sản phẩm. Hạt sen được các thương lái về tận nơi thu mua bán ra Quảng Trị, vào Đà Nẵng và các tỉnh khác.

Để chủ động nguồn sen giống, ông Sơn thuê 3 ha đầm nước ở huyện Cam Lộ để ươm giống. Đến giờ, gia đình ông đã trở thành đại lý cung cấp sen giống cho cả một vùng và còn được bà con phong là “kỹ sư sen”.

Đưa ánh mắt dõi ra phía đầm sen của mình, ông Sơn tâm sự: “Sang năm tôi sẽ xây dựng trang trại rộng khoảng 10ha quanh đầm sen này. Trong đó, tôi sẽ múc bờ bao thả cá, xây chuồng nuôi 50 lợn nái, ở giữa tiếp tục trồng sen”.

Còn với bà con ven vùng phá Tam Giang, đây là mô hình làm ăn kinh tế rất mới lạ nhưng hiệu quả cao. Nhiều người dân quanh vùng đã đến học tập kinh nghiệm của ông để phát triển nghề trồng sen đầy hứa hẹn tại đây.

Hoàng Nhân