1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thị trường chứng khoán: Dấu hiệu phục hồi có chắc chắn?

Lượng cầu hỗ trợ ở mức giá khá cao đối với một số cổ phiếu như REE, GMD, STB, PPC đã ngăn đà giảm giá trong phiên ngày 9/2 khiến thị trường có thể trông đợi một sự khởi sắc mới. Tuy nhiên, việc suy giảm sức mua của nhà đầu tư nước ngoài trước thông tin Chính phủ tăng cường giám sát nguồn vốn đầu tư gián tiếp là dấu hiệu tiêu cực.

Sức nâng từ nhóm cổ phiếu lớn

 

Giao dịch của cổ phiếu Nhiệt điện Phả Lại là diễn biến bất ngờ nhất trong tuần. Sau 4 phiên giảm liên tục từ mức 105.000đ/cổ phiếu xuống 95.000đ/cổ phiếu, có vẻ “cần số” mang tên PPC của “cỗ xe” VN-Index đã tìm được mức hỗ trợ khá chắc chắn ở ngưỡng 90.500đ/cổ phiếu.

 

Phiên ngày 9/2, PPC trượt sàn liên tục trong hai đợt khớp lệnh đầu tiên với khối lượng trên 300.000 CP/đợt. Tuy nhiên, dấu hiệu về ngưỡng hỗ trợ đã xuất hiện khi lượng bán ra PPC luôn luôn được vét sạch ở mức sàn.

 

Nhìn vào cơ cấu cung cầu của PPC có thể thấy ảnh hưởng khá rõ của các giao dịch từ khối NĐTNN. Trong tổng chào mua 1,44 triệu PPC, chỉ tính riêng giao dịch khớp lệnh thành công, nhà đầu tư nước ngoài chiếm tới 60%.

 

Đáng chú ý là gần một nửa khối lượng chào mua toàn thị trường của PPC được đặt trong lần khớp lệnh cuối cùng khiến cung cao hơn cầu 44%. Toàn bộ lượng chào bán PPC đợt 3 được mua hết trong khi dư mua trần vẫn còn 353.410 cổ phiếu giá 99.500đ.

 

Diễn biến tương tự cũng đến với REE, GMD và STB. Cả ba cổ phiếu này đều chuyển rất nhanh từ trạng thái khớp giá thấp trong đợt 1 và 2 sang khớp tại mức tham chiếu đợt 3. Tuy nhiên, khác với PPC, lượng cầu lớn với 3 cổ phiếu này lại xuất phát từ nhà đầu tư trong nước.

 

Ngoài PPC tăng trần, thị trường còn có 8 mã khác kịch trần gồm BMC, BTC, FPC, HTV, LBM, NAV, TCT và TTC. Sự phục hồi trở mức tham chiếu trong đợt đóng cửa của nhóm cổ phiếu có khối lượng niêm yết lớn GMD, REE, STB, PPC đã giúp VN-Index chỉ mất 21,96 điểm trong khi ngay đợt mở cửa chỉ số giá đã giảm gần 42 điểm.

 

Nhà đầu tư nước ngoài nghe ngóng

 

Thống kê giao dịch tuần từ 5 - 9/2 cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra mạnh rõ rệt, đặc biệt trong hai phiên ngày 8 và 9/2. Riêng phiên cuối tuần trước, khối này đã bán ra khá mạnh làm giảm sàn nhiều cổ phiếu quan trọng như FPT (181.940 CP, giảm 30.000đ/cổ phiếu), ITA (100.610 cổ phiếu, giảm 7.000đ/cổ phiếu), KDC (91.460 cổ phiếu, giảm 10.000đ/cổ phiếu), SAM (220.220 cổ phiếu, giảm 10.000đ/cổ phiếu), VNM (151.450 cổ phiếu, giảm 9.000đ/cổ phiếu), VSH (188.640 cổ phiếu, giảm 4.000đ/cổ phiếu). Riêng REE và GMD, hai cổ phiếu đạt ngưỡng sở hữu tối đa 49%, dù đứng giá đợt 3 nhưng vẫn được bán khối lượng khá lớn tương ứng 84.870 cổ phiếu và 188.450 cổ phiếu.

 

Nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm giao dịch là do NĐTNN đón chờ động thái của Chính phủ về giám sát luồng tiền đầu tư gián tiếp tại Việt Nam, trong đó quan trọng là kiểm soát việc gửi, rút vốn. Mặc dù chưa có biểu hiện cụ thể về phản ứng tiêu cực từ khối nhà đầu tư này, nhưng việc hạn chế giao dịch cũng sẽ tác động xấu đến thị trường.

 

Theo báo cáo cuối tháng 1/2006 của ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC), kế hoạch áp dụng một quy trình đăng ký mới đối với các quỹ đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được coi là “vấn đề đáng lo ngại nhất”.

 

“Hiện tại vẫn chưa có bất kỳ thông tin cụ thể nào và nhà đầu tư cần theo sát diễn biến”. Tuy nhiên, theo các thông tin trên báo chí của một số quan chức liên quan thì khả năng can thiệp bằng các biện pháp hành chính là khó xảy ra.

 

Theo Nguyễn Hoàng

Báo Lao động