1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Phác họa mới nhất về nhà máy điện nguyên tử của Việt Nam

(Dân trí) – Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam dự kiến xuất hiện vào năm 2020. Đây là mốc thời gian Bộ Công nghiệp đặt ra trong “Dự án nghiên cứu tiền khả thi xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam” vừa trình lên Thủ tướng Chính phủ.

“Dự án nghiên cứu tiền khả thi xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam” do Bộ Công nghiệp chủ trì đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Theo đó, ngoài việc đầu tư nghiên cứu khai thác các nguồn năng lượng mới như gió, mặt trời, năng lượng sinh khối..., để đáp ứng nhu cầu điện năng của đất nước, Việt Nam cần phát triển điện hạt nhân.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia năng lượng, vào khoảng 2015, Việt Nam sẽ chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu năng lượng, đặc biệt là phải nhập khẩu nhiên liệu để sản xuất điện. Tháng 1/2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình đến năm 2020, trong đó xác định đến 2025, điện hạt nhân sẽ chiếm khoảng 11% tổng sản lượng điện quốc gia.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Hoàng Văn Phong: “Để thực hiện thành công dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên cũng như chương trình phát triển điện hạt nhân, việc nghiên cứu, xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng pháp lý, kỹ thuật, đào tạo phát triển nguồn nhân lực là những yêu cầu cấp bách của Việt Nam đòi hỏi sự tham gia của nhiều bộ, ngành”.

 

Trong bản báo cáo tình hình thực hiện phát triển hạt nhân tại Việt Nam vừa được trình bày tại cuộc hội thảo “Giới thiệu cơ sở hạ tầng Điện hạt nhân”, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam Vương Hữu Tấn đã có những phác họa cơ bản về diện mạo nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam.

 

Công nghệ thế hệ 3

 

Quan điểm chung về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đã được đề cập trong Chiến lược ứng dụng NLNT vì mục đích hòa bình đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 3 tháng 1 năm 2006. Cụ thể, phát triển điện hạt nhân phải là một trong chương trình dài hạn với nhiều tổ máy được lần lượt xây dựng góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và từng bước hình thành ngành công nghiệp điện hạt nhân Việt Nam. Quan điểm này sẽ chi phối việc hoạch định kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, phát triển các tổ chức hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo phát triển nguồn nhân lực và phát triển các ngành công nghiệp có liên quan đến điện hạt nhân.

 

Việc lựa chọn công nghệ cho nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam sẽ phải là loại công nghệ hiện đại, đã được thương mại hóa trên thế giới, hướng vào đối tác có công nghệ tiên tiến và có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển điện hạt nhân. Quan điểm này sẽ chỉ đạo các nghiên cứu lựa chọn công nghệ mà Viện NLNTVN đã và đang triển khai thực hiện nhằm đánh giá ưu nhược điểm của từng loại công nghệ, khả năng phát triển và chuyển giao công nghệ.

 

Với quan điểm như vậy, chắc chắn Việt Nam sẽ chọn loại công nghệ thế hệ 3 cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Tuy nhiên, việc lựa chọn công nghệ còn phụ thuộc vào các yếu tố khác…

 

Triển khai theo phương thức chìa khoá trao tay

 

Hình thức chìa khóa trao tay được áp dụng khi chủ đầu tư được phép tổ chức đấu thầu để chọn nhà thầu thực hiện tổng thầu toàn bộ dự án từ khảo sát thiết kế, mua sắm vật tư, thiết bị, xây lắp cho đến khi bàn giao công trình đưa dự án vào khai thác, sử dụng.

 

Tổng thầu thực hiện dự án có thể giao thầu lại việc khảo sát, thiết kế, hoặc một phần khối lượng công tác xây lắp cho các nhà thầu phụ.

Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ được triển khai xây dựng vào năm 2015 và đi vào vận hành năm 2020 theo phương thức chìa khoá trao tay.

 

Quan điểm này bảo đảm yêu cầu về an toàn trong điều kiện chủ đầu tư của Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm. Nó cũng xác định trách nhiệm giới hạn của chủ đầu tư trong thực hiện dự án.

 

Tuy nhiên, kết hợp với quan điểm đầu tiên về việc từng bước hình thành ngành công nghiệp điện hạt nhân của Việt Nam thì theo Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam Vương Hữu Tần, trong các điều khoản của hợp đồng chìa khóa trao tay với đối tác nước ngoài cũng phải có nội dung về chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ.

 

Cũng theo bản "Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình đến năm 2020", Việt Nam đặt mục tiêu nâng tỷ lệ điện hạt nhân lên khoảng 11% tổng lượng điện quốc gia vào 2025 và 25-30% vào năm 2040-2050.

 

Dự kiến, Nhà máy điện hạt nhân sẽ được xây dựng tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận). Năm 2020, nhà máy điện hạt nhân này sẽ được đưa vào vận hành và khai thác an toàn hiệu quả với công suất gồm 2 tổ máy, mỗi tổ máy 1000 MW, từng bước nâng tỷ lệ điện hạt nhân đạt mức hợp lý trong tổng sản lượng điện năng quốc gia (11% vào năm 2025, 25-30% vào năm 2040 – 2050).

 

Để chuẩn bị cho việc phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam, một cuộc Hội thảo giới thiệu cơ sở hạ tầng điện hạt nhân do Bộ khoa học và Công nghệ Việt Nam và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) phối hợp tổ chức, diễn ra từ ngày 19 – 21/6.

 

Phúc Hưng