DMagazine

Nền kinh tế toàn cầu đối mặt với mối đe dọa mới

(Dân trí) - Các cuộc phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19 tại Trung Quốc đã gây gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới. Câu chuyện đang được giải quyết.

Nền kinh tế toàn cầu lại đối mặt với mối đe dọa mới

Các cuộc phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 tại Trung Quốc đang gây gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới. Tình hình được đánh giá là có thể còn tồi tệ hơn giai đoạn bắt đầu đại dịch vào đầu năm 2020.

Tài xế xe tải Meng Hong đã trở thành một ngôi sao mạng xã hội trong những tuần gần đây khi anh đăng tải các video ngắn về cuộc sống trên đường phố trong thời gian bùng phát dịch Covid-19 trên mạng xã hội Douyin - phiên bản TikTok của Trung Quốc. Các video này thu hút hàng triệu lượt theo dõi. 

Hầu hết video của Meng đều "truyền năng lượng tích cực" như anh đã viết trong phần mô tả tài khoản của mình. Tuy nhiên, ngày 13/4, anh bắt đầu phàn nàn về những các vấn đề nảy sinh khi vận chuyển hàng hóa đến Thượng Hải. "Đến Thượng Hải giao hàng, chúng tôi bắt buộc phải cách ly sau khi rời thành phố hoặc phải ở lại thành phố", anh tiết lộ trong một đoạn video.

Khi thành phố đông dân nhất của Trung Quốc bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa nghiêm ngặt trong tháng này, chính quyền địa phương ở các khu vực lân cận đã dựng rào chắn và đóng cửa đường cao tốc để hạn chế sự lây lan tiềm ẩn của biến thể Omicron, khiến chuỗi hậu cần bị gián đoạn.

"Nếu bạn từng đến Thượng Hải, bạn khó có thể bước chân vào các thành phố khác", Meng phàn nàn và cho biết, tất cả lái xe đều từ chối các chuyến đi đến Thượng Hải.

Bài đăng của Meng đã gây tiếng vang trên khắp Trung Quốc, phản ánh một mô hình thu nhỏ về sự bất ổn mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện đang phải đối mặt. Chính sách zero-Covid của Trung Quốc cho đến nay đã khiến ít nhất 45 thành phố của nước này phải trải qua một số hình thức phong tỏa và Bắc Kinh chưa có dấu hiệu thay đổi hướng đi trong nỗ lực loại bỏ sự lây lan của virus.

Công ty quốc tế đồng loạt đóng cửa

Trung Quốc đang trải qua đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất trong 2 năm qua khi biến thể phụ BA.2 của Omicron quét khắp đất nước. Tuân theo chính sách zero-Covid gây tranh cãi, chính phủ Trung Quốc tăng cường các biện pháp phong tỏa ở nhiều thành phố, bao gồm các trung tâm sản xuất lớn như Thượng Hải và tỉnh Cát Lâm ở phía đông bắc.

Nền kinh tế toàn cầu đối mặt với mối đe dọa mới - 1

Thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) bị phong tỏa từ cuối tháng 3 (Ảnh: Bloomberg).

Thượng Hải cũng là điểm đến hấp dẫn nhất đối với các doanh nghiệp quốc tế muốn có sự hiện diện ở Trung Quốc đại lục.

Theo chính quyền thành phố, đến cuối năm 2021, hơn 800 tập đoàn đa quốc gia đã thành lập trụ sở khu vực hoặc quốc gia tại Thượng Hải. Trong đó, 121 công ty thuộc danh sách Fortune Global 500, bao gồm Apple, Qualcomm, General Motors, Pepsico và Tyson Foods.

Hơn 70.000 công ty nước ngoài có văn phòng tại thành phố này, trong đó hơn 24.000 là các công ty Nhật Bản, theo số liệu từ chính phủ Nhật Bản.

Thượng Hải và Trường Xuân - thủ phủ của tỉnh Cát Lâm là nơi đặt hai nhà máy sản xuất ô tô hàng đầu của Trung Quốc, SAIC Motor và FAW Group. Trong thời điểm bình thường, chỉ riêng hai công ty này, thông qua liên doanh với các nhà sản xuất ô tô phương Tây, đã sản xuất hàng triệu chiếc xe mang nhãn hiệu General Motors, Volkswagen, Toyota, BMW và các hãng khác cho thị trường Trung Quốc.

Ở Thượng Hải, SAIC Motor có khoảng chục nhà máy sản xuất ô tô nhãn hiệu nước ngoài và thành phố này cũng là nơi đặt nhà máy Gigafactory 3 của Tesla. Trong khi đó, tỉnh Cát Lâm có 14 nhà máy thuộc sở hữu của FAW Group.

Hầu hết các nhà máy này đã đóng cửa kể từ tháng 3 theo lệnh phong tỏa của ban phòng chống dịch Covid-19 địa phương.

Volkswagen cho biết, các nhà máy của họ ở Thượng Hải và Cát Lâm đã bị phong tỏa trong nhiều tuần và hãng đang "đánh giá tình hình từ ngày này sang ngày khác". Còn Toyota cho hay, nhà máy tại Cát Lâm của hãng đã ngừng sản xuất trong suốt một tháng. 

Tại Thượng Hải, nhà máy Gigafactory 3 của Tesla dự kiến sản xuất chậm ít nhất 30.000 xe điện so với kế hoạch. Các đối thủ xe điện cạnh tranh của Trung Quốc là Nio, Xpeng và Li Auto cũng đã ngừng sản xuất. 

Nền kinh tế toàn cầu đối mặt với mối đe dọa mới - 2

Nhà máy Gigafactory 3 của Tesla tại Thượng Hải đã dừng hoạt động hơn 1 tháng (Ảnh: Getty).

Trong 2 tuần đầu tiên của tháng 4, gần như tất cả (94%) các nhà sản xuất ô tô ở Thượng Hải và các khu vực lân cận đã gặp phải những thách thức về sản xuất do phong tỏa, theo báo cáo của Goldman Sachs công bố ngày 14/4.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng là quốc gia cung cấp phần lớn nhu cầu điện thoại di động và máy tính cá nhân cho các nước. Với việc các nhà máy và cảng đóng cửa do phong tỏa, các công ty như Apple và Dell có thể sẽ phải đối mặt với việc hoàn thành sản phẩm chậm hơn so với kế hoạch.

Nhà sản xuất máy tính Đài Loan Quanta, công ty sản xuất khoảng 75% lượng Macbook của Apple trên toàn cầu, đã tạm thời đóng cửa tại Thượng Hải. Một nhà cung cấp khác của Apple trong khu vực là Pegatron - công ty chuyên lắp ráp các mẫu iPhone cũ - cũng đã tạm ngừng sản xuất. 

Đứt gãy nguồn cung do chậm trễ giao nhận hàng

Trung Quốc chiếm khoảng 12% thương mại toàn cầu. Việc các nhà sản xuất ở Trung Quốc đồng loạt đóng cửa do lệnh phong tỏa nghiêm ngặt đã làm gián đoạn nguồn cung của thế giới. Kho hàng ngừng hoạt động, giao hàng bằng xe tải bị chậm lại và container chất đống tại các kho bãi.

Nền kinh tế toàn cầu đối mặt với mối đe dọa mới - 3

Container chất đống tại cảng Thượng Hải (Ảnh: Reuters).

Chia sẻ với tờ Kyodo, Kazuya Sekiguchi, nhà tiếp thị 43 tuổi của một hãng sản xuất thiết bị điện tử Nhật Bản ở Bắc Kinh, cho biết: "Do các hoạt động kinh doanh ở Thượng Hải gần như bị đình chỉ. Chúng tôi có thể gặp phải sự cố kép gây ra bởi sự xáo trộn của chuỗi cung ứng và sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc".

Mối lo ngại về chuỗi cung ứng đang gia tăng khi Thượng Hải - nơi có cảng container lớn nhất thế giới - phải đối mặt với tình trạng lây nhiễm ngày càng gia tăng. Cảng Thượng Hải là cảng bận rộn nhất thế giới về giao thông container. Nó đã vận chuyển 47 triệu container trong năm 2021, gấp 4 lần khối lượng được xử lý ở cảng Los Angeles. Con số này chiếm 16,7% tổng số chuyến hàng container của Trung Quốc vào năm ngoái.

Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch Covid-19 đã khiến tình trạng chậm trễ tại cảng trở nên tồi tệ hơn, giá cước vận tải tăng vọt và gây áp lực lớn hơn lên chuỗi cung ứng toàn cầu.

Năm 2021, thương mại nước ngoài của Thượng Hải đạt mức cao kỷ lục hơn 4.000 tỷ nhân dân tệ (638 tỷ USD), chiếm hơn 10% tổng kim ngạch của Trung Quốc. Thành phố cũng là cảng container lớn nhất thế giới trong 12 liên tiếp, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Ông Daisuke Takahashi, một nhà nghiên cứu của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại Thượng Hải, cho biết: "Thượng Hải phong tỏa đã ảnh hưởng đáng kể đến chuỗi cung ứng trên toàn cầu thông qua dịch vụ hậu cần". "Nếu thời gian phong tỏa kéo dài, tác động sẽ lớn hơn", ông nói thêm.

Cảng Thượng Hải vẫn hoạt động, nhưng dữ liệu ngành công bố vào cuối tháng 3 cho thấy số lượng tàu chờ xếp hàng hoặc dỡ hàng đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục. Báo chí Trung Quốc cũng đưa tin rằng nhiều tài xế xe tải đã phải vật lộn để đưa container ra vào cảng đúng giờ vì hạn chế đi lại.

"Đó là một thách thức. Thời gian giao hàng lâu hơn, vận chuyển chậm trễ", ông Cameron Johnson, người đứng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại FAO Global, nói.

Theo Josh Brazil, Phó Chủ tịch cấp cao của chuỗi cung ứng tại dự án 44, chuyên theo dõi chuỗi cung ứng toàn cầu, vấn đề ở Thượng Hải dẫn đến sự chậm trễ của những chuyến hàng tới châu Âu.

Ông nói với Sky News: "Chúng tôi thấy được sự chậm trễ của việc giao nhận hàng tại các cảng lớn như Hamburg và Rotterdam. Tại các cảng lớn của châu Âu, hàng có thể giao trễ 10 - 12 ngày". 

1/5 tàu container hiện đang bị mắc kẹt tại các cảng trên toàn thế giới, với 30% lượng hàng tồn đọng đến từ Trung Quốc. Ông Lars Jensen, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn hàng hải Vespucci Maritime, nói với Fortune rằng, tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong những tuần tới.  

"Cho đến nay hầu hết các tàu vẫn ghé Thượng Hải gần như bình thường. Nhưng điều này có thể sẽ thay đổi trong những tuần tới nếu lệnh phong tỏa không được gỡ bỏ. Khi đó, tàu hàng có thể sẽ không cập cảng Thượng Hải và các chuyến hàng bị hủy. Do đó, tác động lên chuỗi cung ứng sẽ gia tăng", Jensen nói. 

Nền kinh tế toàn cầu đối mặt với mối đe dọa mới - 4

Xe tải dừng để xét nghiệm và khử khuẩn, gây tắc nghẽn, giao nhận hàng chậm (Ảnh: Bloomberg).

Ngay cả khi các lệnh cấm nghiêm ngặt ở Thượng Hải được dỡ bỏ, các cảng của Mỹ được dự báo có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi làn sóng hàng hóa bị dồn ứ từ các nhà máy mới mở cửa trở lại ở Trung Quốc. Điều đó sẽ dẫn đến giá cước vận chuyển cao hơn và làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn tại các cảng trên toàn thế giới, Jensen nói.

Thách thức nền kinh tế toàn cầu

Theo Forbes, nhiều tuần nay, các nhà kinh tế học bày tỏ lo lắng về những thách thức của chiến lược zero-Covid của Trung Quốc gây ra cho nền kinh tế thế giới. Họ cho rằng chiến lược này đã làm nên điều kỳ diệu vào năm 2020 nhưng lại không có gì phù hợp với trường hợp của Omicron và các biến thể có thể có sau này. Tệ hơn nữa, nó phản tác dụng đối với nền kinh tế lớn nhất châu Á và lớn thứ 2 thế giới.  

Các vụ phong tỏa mới ở Thâm Quyến, Thượng Hải và nhiều nơi khác đang gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Nhà kinh tế học Lu Ting tại Nomura Holdings cho biết, các khu vực phong tỏa chiếm khoảng 40% GDP của Trung Quốc, tương đương khoảng 7.200 tỷ USD.

"Các thị trường toàn cầu có thể vẫn đánh giá thấp tác động của dịch Covid-19 tại Trung Quốc, bởi vì họ đang dồn nhiều sự chú vào xung đột Nga - Ukraine và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất", ông Lu nói.

Nền kinh tế toàn cầu đối mặt với mối đe dọa mới - 5

Các đợt phong tỏa kéo dài ở Trung Quốc thách thức kinh tế toàn cầu (Ảnh: Kyodo News).

Còn theo nhà tư vấn kinh doanh Richard Martin, nhiều hàng hóa đang bị mắc kẹt ở Trung Quốc do các đợt phong tỏa và điều này có thể trở thành một "vấn đề lớn" đối với nền kinh tế toàn cầu.

"Nhiều thứ mà chúng ta sử dụng được sản xuất hoặc có các thành phần sản xuất tại Trung Quốc. Giai đoạn dịch năm 2020 - 2021, chúng ta cũng đã chứng kiến một cơn khủng hoảng hậu cần làm giảm sút mọi thứ", ông Martin, Giám đốc điều hành tại IMA châu Á, nói với CNBC.

"Trung Quốc chiếm 20% nhu cầu toàn cầu nhưng vai trò của họ trong chuỗi cung ứng còn lớn hơn thế nhiều", ông cho biết thêm.

Kể từ những tháng đầu của đại dịch, nền kinh tế toàn cầu đã phải đối mặt với những thách thức trong chuỗi cung ứng do sự kết hợp của nhiều yếu tố, chẳng hạn như dịch vụ hậu cần phải vật lộn để theo kịp với khối lượng thương mại, hoặc sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 ở các khu vực của châu Á, đe dọa làm gián đoạn dòng chảy của các mặt hàng.

Theo Bettina Schoen-Behanzin, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Thượng Hải, các doanh nghiệp sản xuất châu Âu ở khu vực Thượng Hải đang gặp khó khăn do đứt gãy nguồn cung.

"Về lâu dài, điều này sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế thế giới và lạm phát chắc chắn sẽ tăng lên", bà nói với Sky News và cho biết: "Chúng tôi không biết đợt phong tỏa này sẽ kéo dài bao lâu và đây là câu hỏi cần thiết. Điều quan trọng là chúng tôi phải tìm ra lối thoát vì có khả năng, với chính sách zero-Covid của Trung Quốc, lệnh phong tỏa có thể được mở rộng sang các trung tâm sản xuất khác". 

Hành động của chính phủ Trung Quốc

Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố sẽ hành động để giúp chuỗi cung ứng trở lại bình thường, Reuters đưa tin.

Trong nỗ lực ổn định chuỗi cung ứng, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cho biết sẽ làm việc với 666 công ty sản xuất chất bán dẫn, ô tô và lĩnh vực y tế ở Thượng Hải.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He yêu cầu các nhà chức trách phải đảm bảo giấy phép đi lại cho các tài xế đã có xác nhận và giải quyết tình trạng giao hàng chậm trễ do thời gian chờ được xét nghiệm Covid-19 kéo dài.

"Chúng ta nên giải quyết từng vấn đề còn tồn đọng ở các vùng trọng điểm và chính phủ sẽ lập "danh sách trắng" về các doanh nghiệp công nghiệp chủ chốt cần được giúp đỡ", ông Liu nói.

Hành động này của chính phủ Trung Quốc ít nhiều khiến các nhà sản xuất và vận tải yên tâm. Ông Tim Huxley, người sáng lập Mandarin Shipping, cho biết ngành công nghiệp vận tải container sẽ tăng mạnh sau khi tình hình Covid-19 ở đất nước này dịu bớt.

Nền kinh tế toàn cầu đối mặt với mối đe dọa mới - 6

Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới (Ảnh: Shutterstock).

Mặc dù có thể mất một thời gian để mọi thứ trở lại bình thường, song chia sẻ với CNBC, ông Huxley bày tỏ sự tin tưởng các vấn đề sẽ "nhanh chóng" được giải quyết giống như sự phục hồi kỳ diệu của Trung Quốc sau vụ phong tỏa vì dịch Covid-19 vào năm 2020.

Trung Quốc cần phải đứng vững để dẫn dắt tăng trưởng. Nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng trở nên hội nhập, và bất kỳ sự thay đổi nào về sức khỏe cộng đồng, địa chính trị và môi trường kinh tế vĩ mô gây ra bởi đại dịch, cuộc khủng hoảng Ukraine và lạm phát gia tăng ở Mỹ đều sẽ tác động đến triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, việc đạt được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ liên tục là rất quan trọng, không chỉ đối với bản thân Trung Quốc mà còn đối với nhiều quốc gia khác.

Nội dung: Cẩm Hà (tổng hợp)