1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Giá bán dầu Nga vẫn cao chót vót

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Các nước phương Tây đã áp cơ chế giá trần 60 USD/thùng dầu nhằm cắt giảm doanh thu năng lượng của Nga. Tuy nhiên, dầu Nga hiện vẫn được bán với giá cao hơn nhiều so với mức giá trần được đưa ra.

Mới đây, Bộ Tài chính Nga cho biết giá trung bình dầu thô Urals của nước này trong tháng 10 là 81,52 USD/thùng, cao hơn 35% so với mức giá trần 60 USD do Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt hồi tháng 12 năm ngoái.

Mức chênh lệch giữa giá dầu Urals của Nga so với giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu trong tháng trước là 9,57 USD/thùng. So với cùng kỳ năm ngoái, giá dầu Urals tăng 15%. Vào tháng 10 năm ngoái, dầu của Nga được giao dịch ở mức 70,62 USD/thùng.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết vào tháng trước rằng doanh thu xuất khẩu dầu của Nga đã tăng 1,8 tỷ USD trong tháng 9. Cơ quan này lý giải mức tăng đột biến này là nhờ sự kết hợp giữa tăng trưởng trong tổng khối lượng xuất khẩu và giá trung bình cao hơn.

Theo IEA, Nga đã thu về 18,8 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu dầu trong tháng 9. Khi doanh thu xuất khẩu tăng lên thì nguồn thu thuế vào kho bạc của Nga cũng tăng theo, lên khoảng 1.000 tỷ rúp (khoảng 267.000 tỷ đồng).

Giá bán dầu Nga vẫn cao chót vót  - 1

Hầu hết các nước EU và G7 đã không thể thực thi mức trần 60 USD/thùng (Ảnh: Wall Street Journal).

Xuất khẩu của Nga sang EU, Mỹ, Anh và các nước phương Tây khác đã giảm 53% trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2023, nhưng phần lớn đã được thay thế bằng xuất khẩu sang Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ khi tăng 40% so với cùng kỳ.

Theo dữ liệu, hầu hết các nước EU và G7 đã không thể thực thi mức trần 60 USD/thùng đối với dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga đã được thỏa thuận hồi tháng 12 năm ngoái.

Những hạn chế tương tự đã được đưa ra hồi tháng 2 đối với hoạt động xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga. Phương Tây cho biết các biện pháp này nhằm mục đích giảm doanh thu từ năng lượng của Nga.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), giới hạn giá đối với dầu thô của Nga được đưa ra vào cuối năm 2022 dường như ngày càng không thể thực thi được do giá Urals tăng đột biến gần đây.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mới đây cũng đã thừa nhận rằng việc áp đặt trần giá đối với dầu mỏ của Nga đã không mang về hiệu quả như mong đợi.

Theo bà Yellen, doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ khi mức trần giá dầu được áp dụng. Thế nhưng, hiệu quả của cơ chế này đã giảm sút do Nga bổ sung thêm đội tàu "ma" cũng như điều chỉnh chính sách về tiền bảo hiểm.

Theo CNBC, RT