1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Chợ bán lẻ - Thua siêu thị, thua cả chợ tạm

Hơn 200 chợ chính thức tại TP.HCM đang bị cạnh tranh bởi 135 siêu thị lớn nhỏ, hơn 200 cửa hàng tiện ích có kinh doanh mặt hàng thực phẩm tươi sống và đáng ngại nhất là khoảng 175 chợ tạm, chợ cóc, chợ lòng lề đường nằm trong các khu dân cư.

Chợ bán lẻ - Thua siêu thị, thua cả chợ tạm - 1
Các quầy thực phẩm ở chợ thường xuyên người bán đông hơn người mua.
 
Chợ bán lẻ ở TP.HCM vắng khách không phải chuyện mới. Nhưng việc “chưa bao giờ vắng như bây giờ” như phản ánh của tiểu thương, có lẽ do tích tụ từ nhiều nguyên nhân: thói quen đi chợ cuối tuần ở siêu thị của một bộ phận dân cư; sự xuất hiện các chợ tạm (do tiểu thương bỏ nhà lồng chợ ra ngoài buôn bán), nhiều cửa hàng bán thịt, rau củ, trái cây được mở trên đường phố, hạ tầng cơ sở chợ xuống cấp, không gian mua sắm ở chợ nóng bức hôi hám…

 

Khác với không khí mua sắm nhộn nhịp ngày cuối tuần trong siêu thị, 9 giờ sáng ở khu giữ xe cho khách trước cổng chợ Bắc Ninh (Thủ Đức) vắng hoe, bước chân vào chợ dễ nhận thấy hàng hoá ế ẩm, chẳng có người mua. Là giờ cao điểm nhưng vắng khách, nên có nhiều bà nội trợ thoải mái chạy xe lòng vòng qua các dãy hàng, cần thứ gì thì dừng lại ngồi mua hàng trên xe gắn máy.

 

Bà Thuỷ, tiểu thương bán thịt heo ở chợ Bắc Ninh mấy chục năm nay nói, chưa thấy bao giờ chợ ế khách như bây giờ. Chỉ tay về dãy hàng thịt có bóng dáng lèo tèo vài bà nội trợ, bà Thuỷ bảo mỗi buổi chợ tiểu thương chỉ lấy tối đa 30kg thịt mà bán có khi không hết. Ở chợ trung tâm Thủ Đức, tình trạng ế khách cũng tương tự.

 

Không chỉ có vùng ven, các chợ ở khu vực trung tâm như quận 7, quận 4, quận 3, quận 1, quận Bình Thạnh… cũng đều bị vắng khách. Những ngày này đến chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh) dễ nhìn thấy các sạp bán thực phẩm trong khu nhà lồng bị tiểu thương bỏ trống.

 

Bà Nhàn, tiểu thương bán rau ở đây nói rằng, từ ngày siêu thị Co.opmart trên đường Đinh Tiên Hoàng bán đầy đủ các loại thực phẩm thì người dân chuyển vào đó mua chứ ít lui tới chợ nữa.

 

Trong khi đó, ban quản lý chợ Phạm Văn Hai cũng cho biết số sạp thực phẩm tươi sống ở khu nhà lồng C giảm từ con số 200 đăng ký trước đây nay chỉ còn 20...

 

Chị Thuỷ, tiểu thương ở chợ Tân Định tâm sự rằng, hiện nay mỗi tuần chỉ đi bán hàng hai buổi sáng cuối tuần, còn từ thứ hai đến thứ sáu ở nhà nghỉ, vì nếu có lấy hàng bán thì ế, lỗ vốn. Chị nói: “Do không phải chịu thuế, thịt bán ở chợ cóc, chợ tạm rẻ hơn. Siêu thị đóng thuế cao cũng bán rẻ hơn”.

 

Thực phẩm là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong bữa cơm gia đình, nhưng ngay cả nhóm hàng này chợ vẫn ế.

 

Bà Sáu, nhà gần trường đại học Ngân hàng, đường Hoàng Diệu 2 cũng nói, trước đây mỗi buổi sáng thường đi chợ Thủ Đức mua đồ ăn, nhưng từ khi gần trường đại học Ngân hàng có mấy sạp bán thực phẩm tươi sống thì tới đây mua cho tiện.

 

“Thịt, cá, rau củ, trái cây, nước mắm, dầu ăn, trứng gia cầm… thứ gì cũng có mà đôi khi còn rẻ hơn ở chợ năm mười ngàn đồng chứ không ít”, bà Sáu nói.

 

Ở hầu hết các chợ lẻ, mặc dù nhiều năm nay, chính quyền địa phương cố gắng dọn dẹp chợ tạm, nhưng thực tế, nhiều chợ tạm, chợ lòng lề đường vẫn tồn tại. Và trong giai đoạn giá cả tăng cao, sự đắt rẻ hơn một vài ngàn, rõ ràng đang thu hút người dân tới mua sắm.

 

Trên các tuyến đường lớn như Lê Hồng Phong, Cách Mạng Tháng Tám, Đinh Tiên Hoàng… đang có nhiều cửa hàng bán thịt, rau củ, trứng… cạnh tranh với chợ bởi hàng tươi, giá nhất định.

 

Ngoài ra người tiêu dùng ít lui tới chợ còn do mất lòng tin vào cách cân thiếu, bán thiếu của giới tiểu thương. “Mua bán ở chợ đã đắt hơn năm bảy ngàn do chịu thuế, tiểu thương còn cân thiếu nên chợ vắng là đúng rồi”, bà Hoàng tâm sự.

 

Theo Hoàng Bảy - Bích Thuỷ

SGTT