1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

CEO Phụng Nghi và một khát vọng tinh hoa

Nén nhang Việt Nam đã đi vào tiềm thức của cộng đồng người Việt từ bao đời nay, dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử. Như một nhân duyên, Trần Phương Anh, một trí thức trẻ ngày hôm nay lại quyện hồn mình cho một khát vọng làm nên những nén nhang mang hồn phách Việt.

Thắp nhang là một nét đẹp của văn hóa dân tộc ta, là cầu nối giữa thế giới hiện tại và cõi vô hình, giữa người sống và người đã khuất, giữa phàm nhân với thánh thần, là tinh hoa giao hòa huyền diệu giữa Trời, Đất và Người… Những vòng khói hương bảng lảng luôn gợi lên cho người ta sự tĩnh lặng, thâm trầm.
 
CEO Phụng Nghi và một khát vọng tinh hoa - 1
 Trần Phương Anh, CEO Hương Phụng Nghi.
 
Trong hương thơm phảng phất của một nén nhang Thiền được thắp lên, câu chuyện xoay quanh nhang và nghệ thuật làm nhang dường như bất tận. Cần phải nói ngay rằng, khác với những bài báo đã viết về nhang Phụng Nghi và Trần Phương Anh, chúng tôi không quá ấn tượng về chuyện anh đã từng đảm nhiệm các vị trí điều hành cấp cao nhất tại Việt Nam của một số công ty nước ngoài dù còn rất trẻ, rồi quyết định rời bỏ tất cả: một mức lương rất cao, công việc ổn định để “ba lô khăn gói” đi khắp mọi miền đất nước cùng GS Lê Văn Lan tìm lại các công thức hương nhang và cách làm nhang đã bị thất truyền. Mà ngược lại, Trần Phương Anh cuốn hút ở sự khiêm nhường, tĩnh tại và tinh tế nhưng vẫn đủ nhiệt huyết cháy bỏng trong những gì anh nói.

“Tôi thấy cần phải làm gì đó để đưa nén nhang- nét tinh hoa văn hóa dân tộc trở lại đúng vị trí linh nghiêm vốn có của nó. Làm nhang không giống như kinh doanh để lấy lãi thông thường, mà nó chính là văn hóa”. Trần Phương Anh bắt đầu câu chuyện bằng những kỷ niệm buổi ban đầu khi khởi nghiệp hương nhang, anh đã phải mất đến 3 năm lặn lội khắp các vùng trầm, quế, hương bài, trám… trên khắp các vùng miền đất nước và đến bây giờ anh và các đồng nghiệp vẫn tiếp tục tìm hiểu về đặc tính, nguyên lý của từng loại nguyên liệu. Sau khi nghiên cứu kỹ về tập quán văn hóa và đặc trưng từng vùng, Phụng Nghi mới sản xuất ra các loại hương nhang khác nhau, cho từng mục đích sử dụng khác nhau.

Anh cho biết: “Nhang làm từ thảo mộc, mà các vùng miền của Việt Nam từ Bắc đến Nam, khí hậu đa dạng, nên có phân bố thực vật khác nhau. Phụng Nghi tạm chia 5 trường phái hương nhang lớn ở 5 vùng khác nhau: Hương trầm Thăng Long- Hà Nội, kết tinh từ triết lý Ngũ hành, mỗi loại thảo mộc tượng trưng cho một hành mà hòa quyện vấn vít vào với nhau. Trường phái thứ hai là hương Trám vùng Kinh Bắc, không có trầm nhưng lại có Trám, đặc biệt là Trám vùng Yên Thế có nhựa rất thơm. Nhựa Trám tạo nên mùi hương chủ đạo, cùng hợp hưởng với các loại bột cây khác. Trường phái thứ ba là ở vùng Đông Bắc Bộ, chủ yếu sử dụng cây hương Bài, một loại cây mùi thơm thanh cao, tạo nên mùi hương rất đặc trưng cho vùng này. Vào đến Đà Nẵng – Huế thì sử dụng nhiều Trầm vì đây là vùng có nhiều trầm rất tốt, và chịu ảnh hưởng của văn hóa Nhật Bản (qua giao thương tại Hội An vào thế kỷ 15-17). Vùng Sài Gòn – Gia Định mang văn hóa Phật giáo Tiểu thừa, nhang làm chủ yếu từ gỗ cây Đàn hương. Loại cây này phân bổ chính ở các vùng nóng, khô…”

“Văn hóa hương nhang của Việt Nam đa dạng và ẩn chứa minh triết sâu xa như vậy, nhưng lại đang bị làm rẻ mạt hóa bằng mùn cưa và hóa chất cực độc hại có thể gây mù lòa, hoặc bị ngoại lai bằng các gam sắc của Đài Loan hay Trung Quốc”.

Nếu đúc kết một điều duy nhất làm nên giá trị khác biệt của nhang Phụng Nghi, thì đó chính là sự thanh cao tinh tế. Mỗi nén nhang văn hóa truyền thống được Phụng Nghi sản xuất phải mất một khoảng thời gian 5 tháng từ khâu chọn và ngâm nứa cật dưới nước suối làm chân nhang, phơi nắng rồi chẻ chân nhang thủ công bằng tay, rồi lựa chọn thảo mộc loại tốt nhất từ các vùng miền nổi tiếng trên cả nước như hương bài (Quảng Ninh), trầm (Quảng Nam – Khánh Hòa), quế (Yên Bái), hồi (Lạng Sơn)… và chỉ làm nhang từ 5h sáng tới 2h chiều để nhang được phơi nắng trọn vẹn trong 1 ngày. Nhang được làm thủ công nên thô mộc nhưng tinh tế, cháy rất chậm và đều, trung bình phải trên 2 tiếng mới cháy hết. Những vòng khói hương thơm phảng phất không có hậu vị hắc như nhang hóa học, bảng lảng như vừa gần vừa xa, vừa hiện hữu, vừa vô hình. Khi đốt nhiều không bị cay mắt, mệt mỏi - dù đốt ít vẫn cảm thấy an lạc, bình yên, tĩnh tại trong tâm hồn. Mỗi nét vẽ trên vỏ hộp nhang cũng là những hình ảnh bình dị nhưng thanh cao, những nét văn hóa nhìn thoáng qua thôi cũng rất đỗi quen thuộc, rất đỗi Việt Nam.
 
CEO Phụng Nghi và một khát vọng tinh hoa - 2
Một số sản phẩm nhang văn hóa của Phụng Nghi (ảnh: nhang Phụng Nghi).

Tất cả nét tinh hoa dân tộc đó đều “nở hoa” từ vốn kinh nghiệm sắc sảo được tôi dũa bằng hàng ngàn giờ nghiên cứu để sản xuất đúng tinh thần nén nhang tinh hoa truyền thống của Trần Phương Anh, cùng lòng thành kính và bàn tay tài hoa của các nghệ nhân ngày ngày miệt mài làm việc tại Phụng Nghi.

“Người ta là hoa của Đất”, Trần Phương Anh đúc kết. “Văn hóa dân gian là thành quả đơm hoa tinh túy từ trí tuệ, công sức của biết bao thế hệ tiền nhân để lại. Nếu không biết trân trọng và gìn giữ, có nghĩa là đã coi cha ông chúng ta đã sống một cuộc đời vô nghĩa”.
 
CEO Phụng Nghi và một khát vọng tinh hoa - 3
Mỗi nén nhang là lòng thành kính từ bàn tay tài hoa khéo léo của các nghệ nhân.(ảnh: nhang Phụng Nghi)

Cũng chính bởi truyền tải toàn vẹn nét tinh hoa truyền thống đó, nhang Phụng Nghi được sử dụng phổ biến tại các trung tâm tín ngưỡng và di tích văn hóa lớn như Thăng Long Tứ Trấn, đình Ứng Thiên, chùa Keo, chùa Yên Tử, phủ Tây Hồ, đền Trần, Lăng Bác Hồ, Nghĩa trang Trường Sơn…

Nhang Phụng Nghi cũng được các nhà văn hóa có uy tín lớn như GS Vũ Khiêu, GS Lê Văn Lan, nhà sử học Dương Trung Quốc đều dành cho những mỹ từ khen ngợi và trực tiếp chỉ dẫn, cố vấn cho sản phẩm. “… Đây là những chính phẩm có vẻ đẹp và cái duyên của Mỹ nữ lại có tinh hoa và sự linh diệu của Vũ trụ để tỏa lan khắp không gian văn hóa Quốc gia và Quốc tế”. Theo nhận xét của GS Lê Văn Lan.

Khi được hỏi về con đường để Phụng Nghi đến với người dùng, Trần Phương Anh bộc bạch: “Hữu xạ tự nhiên hương. Phụng Nghi làm hương nhang từ tâm nguyện, những nén nhang văn hóa truyền thống không hóa chất Phụng Nghi như tấm lòng son gửi tới khách hàng. Rất may khách hàng cũng dành thời gian quý giá trong cuộc sống vội vã hôm nay để tĩnh tại chiêm ngẫm những giá trị văn hóa linh thiêng vĩnh hằng của nén nhang Việt và hồi đáp tròn vẹn sự bền chí đó của chúng tôi. Từ một người tới mười người, từ mười người tới một trăm, một ngàn… tất cả là đều từ truyền miệng”. Đó cũng là nguyên tắc để nhang Phụng Nghi xây dựng chiến lược truyền thông theo cách truyền thống nhất, không ồn ào, mà chỉ lan tỏa một cách lặng lẽ… chỉ dăm ba bài viết trên báo, một vài triết lý và đường nét trên vỏ hộp nhưng hết sức tinh tế, rất Việt Nam, bởi lẽ: “Tất cả những dòng sông đều chảy. Nhưng những con sông càng sâu thì chảy càng êm”. Trần Phương Anh ẩn ý.

Liệu anh có nhắn gửi gì cho thế hệ trẻ đang sống gấp và đầy tham vọng hôm nay không? Anh nhấn mạnh: “Nói ít - làm nhiều, hãy là một người dân, khi đất nước cần trước đã”.
 
CEO Phụng Nghi và một khát vọng tinh hoa - 4
Sản xuất hương nhang tại một xưởng của Phụng Nghi (ảnh: nhang Phụng Nghi).
 
Dường như sự thành công của nhang Phụng Nghi trên con đường bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa hương nhang cao đẹp là điềm báo hanh thông cho sự xuất hiện, sẽ bùng mở của ngành kinh doanh văn hóa phục vụ tín ngưỡng nói riêng và kinh doanh văn hóa dân gian nói chung, là nền tảng cho chương tiếp của những gì sẽ xuất hiện sau này.

Đến với hương nhang là đến với sự trầm tĩnh, thanh tịnh, chúng tôi cảm nhận thấy điều ấy ở Trần Phương Anh. Cũng đúng thôi, kinh doanh văn hóa là phải hiểu biết và đam mê, phải thấm đẫm những giá trị văn hóa ngay từ trong con người mình. Doanh nhân trí thức trẻ Trần Phương Anh là một trong những người biết cống hiến và giữ cốt cách của một người Việt đích thực.

Hiền Phương