1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Cẩn thận với chiêu bán hàng giảm giá kiểu Phương Tây

Đọc quảng cáo trên báo chí phương Tây, đôi lúc người ta thấy lạ vì các câu rao theo kiểu: “Mua máy ảnh giá 300 đô la, được thối lại 100 đô la”. Vì sao các hãng không giảm giá ngay mà còn buộc người mua gửi phiếu rồi ngồi đợi thối lại tiền?

Một khách hàng kể với tờ BusinessWeek: “Cách đây một năm, tôi mua một màn hình máy tính hiệu Princeton. Người ta hứa sẽ hoàn lại cho tôi số tiền giảm giá là 100 USD. Sau 60 ngày chờ đợi nhưng không thấy tăm hơi gì, tôi liên lạc với công ty theo như chỉ dẫn.

Họ nói chưa bao giờ nhận được phiếu đăng ký giảm giá của tôi. Tôi gọi trực tiếp đến hãng Princeton nhưng họ yêu cầu tôi phải chứng minh là tôi đã gửi phiếu cho họ. Chẳng có ai xác nhận là tôi đã gửi đi thì làm sao mà chứng minh! Tôi in phiếu ra đưa cho họ nhưng họ nói chưa đủ để làm bằng chứng. Màn hình máy tính thì tuyệt vời nhưng quan hệ khách hàng lại quá tồi. Tôi tiếc là đã mua đến ba màn hình Princeton. Nhưng sẽ chỉ có ba mà thôi, không hơn”.

Trên đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp khách hàng bị các công ty “xù” khoản tiền giảm giá sau khi mua hàng theo kiểu “trả đủ-ngồi đợi thối tiền”. Và không chỉ có Princeton “biết” cách làm khó dễ khách hàng, rất nhiều công ty đã sử dụng “chiêu” này để lấy tiền của khách hàng.

Hal Stinchfield, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Promotional Marketing Insights, người đã có 30 kinh nghiệm trong việc bán hàng giảm giá, ước tính mỗi năm tổng giá trị các món hàng được chào bán giảm giá lên đến sáu tỷ USD, trong đó có 400 triệu USD là giá trị của các khoản giảm giá cho khách hàng.

Người ta cũng tính toán có gần một phần ba các linh kiện máy tính được bán dưới dạng này, cùng với 20% máy ảnh kỹ thuật số, máy quay phim và ti vi màn hình phẳng. Chỉ riêng Staples, một nhà bán lẻ văn phòng phẩm, mỗi tuần phải chi 3,5 triệu USD cho những khoản giảm giá.

Peter S. Kastner, Giám đốc Công ty Tư vấn Vericours, cho biết 40% khách hàng mua hàng giảm giá không nhận lại số tiền giảm giá do lười, không chịu khó điền vào phiếu đăng ký giảm giá và gửi lại cho công ty. Nhờ đó, mỗi năm các công ty “tự nhiên” có thêm một khoản tiền lên tới hai tỷ USD. Các công ty tìm mọi cách lôi kéo sự chú ý của khách hàng vào số tiền giảm giá để rồi gần một nửa số khách hàng sẽ vẫn mua hàng mà không được giảm một xu nào.

Hãng TiVo đã gây không ít ngạc nhiên cho thị trường chứng khoán Wall Street khi thông báo các khoản lỗ trong quý 1 năm nay chỉ còn 857.000 USD. Cùng kỳ năm trước, con số này là 9,1 triệu USD.

Lý do là 50.000 trong số 104.000 khách hàng mới của TiVo quên gửi phiếu đăng ký giảm giá. TiVo đã giảm được năm triệu USD chi phí giảm giá dự kiến. TiVo cho biết, tỷ lệ hoàn tiền lại cho khách thấp là do trong dịp mua sắm mùa Giáng sinh khách hàng thường rất lơ đễnh và không gửi phiếu đăng ký giảm giá đúng hạn.

Mặt khác, các công ty tìm mọi cách làm khó những người nộp phiếu đúng hạn để giảm được khoản tiền thối lại càng nhiều càng tốt. Chẳng hạn, có lần hãng TiVo định “xù” tiền hoàn lại cho khách hàng bằng cách đổ lỗi cho quá trình xử lý đơn có vấn đề.

TiVo trả lời khách hàng rằng: “Chúng tôi xin lỗi vì gần đây đã thay đổi quy trình xử lý đơn xin hoàn lại tiền. Để giảm bớt các lỗi có thể xảy ra do viết tay, quý khách hàng có thể điền vào đơn xin hoàn tiền có sẵn trên website tại địa chỉ tivo.com”. Tuy nhiên, Parago, công ty chuyên xử lý các đơn xin hoàn tiền cho TiVo, nói: “Lỗi do quá trình xử lý gây ra là rất hiếm”. Điều này chứng tỏ TiVo muốn quỵt tiền phải hoàn lại cho khách.

Procter & Gamble được coi là đi tiên phong trong việc bán hàng giảm giá theo phương thức hoàn lại tiền. Vào những năm 1970, hãng sản xuất hàng tiêu dùng này đã vận dụng phương thức bán hàng này để quảng cáo những khoản giảm giá với giá trị nhỏ.

Đến những năm 1990, số người mua hàng giảm giá tăng lên đáng kể khi mà các nhà sản xuất máy tính và các công ty kinh doanh hàng điện tử gia dụng dùng phương thức này để “giải phóng” những chiếc vi tính, điện thoại di động và ti vi trước khi chúng trở nên lỗi thời. Giá trị của những khoản tiền hoàn lại cũng dần tăng lên, từ một vài USD lên đến 100 USD và thậm chí còn lớn hơn.

Và dĩ nhiên, than phiền từ phía khách hàng cũng ngày càng tăng. Ước tính, số đơn khiếu nại của khách hàng đã tăng gấp ba lần, từ 964 đơn vào năm 2001 lên 3.641 đơn vào năm ngoái.

Ở các nước, quy định về phương thức bán hàng này ngày càng chặt chẽ và bảo vệ người tiêu dùng nhiều hơn. Tháng 10 vừa qua, hãng điện tử Samsung đã bị thua kiện và buộc phải bồi hoàn số tiền là 200.000 USD cho 4.100 khách hàng.

Trước đó, Samsung từ chối trả tiền cho những người này chỉ vì họ sống ở chung cư, trong khi chương trình giảm giá của Samsung yêu cầu mỗi khách hàng phải có một địa chỉ riêng.

Năm ngoái, thượng nghị sĩ bang California Liz Figueroa đã ban hành đạo luật yêu cầu các công ty phải cho khách hàng thời gian ít nhất là 30 ngày để gửi phiếu nhận tiền thối lại và phải chuyển tiền cho khách hàng trong 60 ngày kể từ ngày nhận được phiếu. Đạo luật này cũng đưa ra những thủ tục cần thiết và những thông tin cá nhân khách hàng cần cung cấp cho công ty.

Cho đến nay, hình thức mua hàng thối lại tiền này chưa xuất hiện ở Việt Nam - có lẽ vì ít có ai quên gửi phiếu hay chịu để các công ty “xù” tiền thối lại.

Theo SgEconomy