Những loài thực vật "chuyển động" nhanh nhất Trái Đất

Trần Hải

(Dân trí) - Một loài thực vật "chuyển động nhanh" nghe có vẻ hoang đường, nhưng thực tế là cây xanh trên hành tinh của chúng ta không hề tĩnh. Dưới đây là những loài thực vật "nhanh" nhất trên Trái Đất.

Siêu sinh trưởng

Trong một thời gian dài, tre được coi là loài cây phát triển nhanh nhất thế giới. Nó vẫn được liệt kê trong Kỷ lục Guinness Thế giới, trong đó tuyên bố rằng một số loài tre phát triển với tốc độ 0,00003 km/h, tức là chiều cao của nó có thể tăng thêm 91cm mỗi ngày.

Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây đã gợi ý một ứng cử viên mới cho "ngôi vương" này: bèo tấm. Cái tên bèo tấm dùng để chỉ một số loài thực vật thủy sinh thuộc chi Wolffia, bao gồm cả loài thực vật có hoa nhỏ nhất trên thế giới. Với những hạn chế của Wolffia về kích thước, nó được bù đắp bằng tốc độ sinh trưởng.

Là loài đặc hữu của Ấn Độ, loài Wolffia microscope phát triển nhanh đến mức nó tăng gấp đôi kích thước chỉ trong 29,3 giờ.

Những loài thực vật chuyển động nhanh nhất Trái Đất - 1

Bèo tấm sở hữu hàm lượng protein khá cao và có tốc độ sinh trưởng cực nhanh (Ảnh: SKphotographer/Shutterstock.com).

Bằng cách nào chúng có thể phát triển nhanh như vậy? Một số nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân là do việc loại bỏ chu kỳ sáng/tối vốn thường điều chỉnh sự phát triển của thực vật.

Todd Michael, tác giả của một nghiên cứu về sự phát triển của Wolffia, cho biết: "Đáng ngạc nhiên là Wolffia chỉ có số gen được điều chỉnh bởi chu kỳ sáng/tối bằng một nửa so với các loài cây khác. Chúng tôi nghĩ đây là lý do tại sao nó phát triển nhanh như vậy. Nó gần như không có quy định giới hạn thời gian phát triển trong ngày".

Nó cũng loại bỏ một số gen khác làm chậm quá trình sinh trưởng, bao gồm cả những gen liên quan đến cơ chế bảo vệ và phát triển rễ.

"Dường như nó đã phát triển để chỉ tập trung vào tốc độ tăng trưởng nhanh và không kiểm soát" - Todd Michael giải thích.

Rêu "phát nổ"

Rêu Sphagnum đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành các mỏ than bùn, giữ nước cho đất, cung cấp chất dinh dưỡng và ngăn chặn sự phân hủy của các thảm thực vật đã chết.

Có một điều đặc biệt là chúng phát tán rộng bằng cách "phát nổ".

Loài rêu này sử dụng các bào tử được chứa trong một viên nang bào tử. Trong những tháng mùa hè, viên nang khô và co lại. Điều này tạo áp lực đủ lớn lên viên nang, khiến sớm hay muộn nó sẽ vỡ ra, phát nổ và khiến các bào tử bay đi.

Các nhà nghiên cứu Joan Edwards và Dwight Whitaker đã bắt được khoảnh khắc này trong thực tế, như một phần của nghiên cứu khám phá sự phát tán bào tử Sphagnum.

Họ phát hiện ra rằng nắp bao phủ viên nang bay ra trong chưa đầy 0,01 mili giây.

Edwards nói: "Nó nhanh đến mức bạn không thể đo được".

Bản thân các bào tử ban đầu được tăng tốc với gia tốc là 36.000g. Để dễ hình dung, gia tốc trong một vụ phóng tàu con thoi là khoảng 3g - qua đó có thể thấy các bào tử này đang chuyển động với một tốc độ khủng khiếp.

Lực g là một lực ảo dạng quán tính dùng để giải thích gia tốc tương đối của một vật khi đổi hướng hoặc thay đổi tốc độ so với khi rơi tự do. Đơn vị đo lực g ký hiệu là g. 

Kẻ săn mồi dưới nước

Một loài thực vật có thể di chuyển và tấn công nhiều loài sinh vật khác, trong đó có động vật - nghe có vẻ hư cấu nhưng thực vật ăn thịt vẫn tồn tại.

Bạn có thể đang nghĩ đến những cú đớp chớp nhoáng nổi tiếng của cây bẫy ruồi. Nhưng có một loài thực vật thủy sinh thậm chí còn có thể bắt mồi nhanh hơn nhiều.

Rong bắt mồi thủy sinh (thuộc chi Bladderwort) bắt một số con mồi nhỏ, từ ấu trùng côn trùng đến nòng nọc non, và chúng thật sự bắt rất nhanh.

Những loài thực vật chuyển động nhanh nhất Trái Đất - 2

Phần rễ của cây rong bắt mồi - loài thực vật săn mồi nhanh nhất Trái Đất (Ảnh: D. Kucharski K. Kucharska/Shutterstock.com).

Một nghiên cứu vào năm 2017 đã sử dụng máy ảnh tốc độ cao để ghi lại hình ảnh một loài rong bắt mồi phương nam (Utricularia australis) đang hút con mồi với vận tốc lên tới 4 mét/giây và với gia tốc lên tới 2.800g.

Sau khi một sinh vật kém may mắn nào đó tiếp xúc với lông cảm biến của loài rong này, trung bình toàn bộ quá trình loài rong bắt mồi mở cửa bẫy (có hình dạng giống như một cái túi nước), hút con mồi và đóng cửa lại diễn ra trong vẻn vẹn 9 mili giây (0,009 giây).

Bài học rút ra là đừng làm phiền thực vật - chúng nhanh hơn bạn nghĩ đấy.

Theo www.iflscience.com