Vườn thú Nhật Bản gây tranh cãi khi tiêu hủy hàng chục con khỉ mang gen “ngoại”

(Dân trí) - Một vườn thú ở thành phố Futtsu, Chiba, nằm ở phía đông Tokyo, Nhật Bản, quyết định tiêm thuốc độc để tiêu hủy 57 con khỉ tuyết sau khi phát hiện ra chúng mang bộ gen “ngoại lai” chứ không phải bộ gen thuần chủng.

Khỉ tuyết Nhật Bản tắm suối nước nóng

Vườn thú thiên nhiên Takagoyama tại thành phố Futtsu ở Chiba, nằm ở phía đông Tokyo, Nhật Bản, đã cho tiêu hủy 57 con khỉ tuyết bằng cách tiêm thuốc độc. Sự việc này diễn ra sau khi các nhân viên vườn thú xét nghiệm và phát hiện ra một phần ba số khỉ tuyết trong vườn được lai với giống khỉ Rhesus. Được biết, giống khỉ này được coi mang bộ gen “ngoại lai xâm hại”, không phải bộ gen thuần gốc của khỉ tuyết Nhật Bản.

Khỉ tuyết Nhật Bản
Khỉ tuyết Nhật Bản

Một quan chức thành phố chia sẻ, luật pháp Nhật Bản nghiêm cấm việc sở hữu, vận chuyển những loài động vật ngoại lai. Những con vật sở hữu bộ gen lạ sẽ mang tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Sauk hi 57 con khỉ bị tiêu hủy, các nhà điều hành sở thú đã tổ chức buổi lễ tưởng niệm hàng chục con vật xấu số trong một ngôi chùa Phật giáo gần đó với mục đích “xoa dịu linh hồn chúng”.

Luật pháp Nhật Bản cho phép tiêu diệt những con khỉ có bộ gen ngoại lai để đảm bảo bộ gen thuần chủng
Luật pháp Nhật Bản cho phép tiêu diệt những con khỉ có bộ gen ngoại lai để đảm bảo bộ gen thuần chủng

“Những con khỉ ngoại lai phải bị tiêu hủy để đảm bảo môi trường bản địa”, một quan chức thuộc chính quyền quận Chiba khẳng định.

Nhưng theo Bộ Môi trường Nhật Bản, có những trường hợp ngoại lệ được thực thi. Chẳng hạn một số vườn thú xin phép giữ lại số động vật ngoại lai này, khả năng có thể được xem xét. Dù việc giết hại khỉ được coi là hành vi độc ác, nhưng việc bảo vệ môi trường là điều quan trọng hơn cả để đảm bảo sự cân bằng tự nhiên.

Theo Junkichi Mima, phát ngôn viên của tổ chức bảo tồn động vật hoang dã WWF Nhật Bản, các loài động vật “ngoại lai” dễ gây ra nhiều vấn đề bởi chúng “trộn lẫn với động vật bản địa sẽ đe dọa môi trường tự nhiên và hệ sinh thái”.

Gương mặt biểu cảm của một con khỉ tuyết khi tắm suối nước nóng
Gương mặt biểu cảm của một con khỉ tuyết khi tắm suối nước nóng

Những con khỉ tuyết ở Nhật Bản còn gọi là Nihonzaru, mang các nét đặc trưng như màu nâu với khuôn mặt đỏ. Các vườn thú thiên nhiên được thiết kế sao cho giống với môi trường sống hoang dã của chúng. Họ bắt đầu cho những con khỉ tuyết hoang dã ăn kể từ năm 1957 tới nay và bảo vệ chúng trong hàng rào. Đến khoảng những năm 1990, khỉ nâu, có nguồn gốc ở Trung Quốc và Đông Nam Á, bắt đầu xuất hiện nhiều trong khu vực.

Bầy khỉ tuyết tắm suối nước nóng khi tuyết đang rơi dày
Bầy khỉ tuyết tắm suối nước nóng khi tuyết đang rơi dày

Chính quyền quận Chiba cho biết, từ năm 2005, Nhật Bản nỗ lực chọn lọc và dập tắt việc lai tạo để tạo nên những con khỉ “ngoại lai”. Nhân viên vườn thú Takagoyama sau khi tiến hành thử nghiệm DNA trên khỉ tuyết và phát hiện những bộ gen không thuần chủng. “Việc ngăn chẳng khỉ tuyết thuần chủng tiếp xúc với những con vật có bộ gen ngoại là rất quan trọng”, Tomoko Shimura, nhân viên của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Nhật Bản khẳng định.

Hai con khỉ tuyết bày tỏ tình cảm với nhau
Hai con khỉ tuyết bày tỏ tình cảm với nhau

Khỉ Nhật Bản hay còn gọi là khỉ tuyết có bộ lông dày màu nâu cát với gương mặt đỏ au. Chúng quen sinh sống ở vùng núi cao nơi có tuyết dày bao phủ trong những tháng mùa đông và nhiệt độ thậm chí hạ xuống -10 độ C. Do sống ở vùng có tuyết bao phủ nên chúng gọi là khỉ tuyết. chúng được tìm thấy ở những hòn đảo chính tại Nhật Bản như Honshu, Shikoku và Kyushu. Du khách đến với Nhật Bản vào mùa đông thường thấy cảnh khỉ tuyết gắn liền với những khu suối nước nóng. Đây chính là thiên đường mùa đông của chúng khi nhiệt độ trong nước thậm chí ở mức 32 độ C.

Việt Hà

Theo TG, WK