Về quê ăn Tết

(Dân trí) - Khi những đợt gió lạnh của mùa đông đã đi qua, khi những cánh én bắt đầu xuất hiện trên bầu trời, cỏ non cựa mình, chồi cây tỉnh giấc, muôn hoa khoe sắc đua hương,… thế là bất ngờ xuân tới, nồng nàn, ngất ngây mà dịu dàng, thướt tha quá đỗi.

Tết Nguyên đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của người Việt từ hàng ngàn đời nay. Ấy là thời khắc giap thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây.

Về quê ăn Tết
"Về quê ăn Tết", đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn

Tết còn là dịp để mọi người tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, nguồn cội, giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý: ăn quả nhớ kẻ trồng cây và tình làng nghĩa xóm làng

"Về quê ăn Tết", đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn.

Người Việt Nam có tục hằng năm mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà,... được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ yêu dấu.

Tết cũng là ngày đoàn tụ với cả những người đã mất. Từ bữa cơm tối đêm 30, trước giao thừa, các gia đình đã thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên và những người thân đã qua đời về ăn cơm, vui Tết với con cháu (cúng gia tiên).

Trong mỗi gia đình Việt Nam, bàn thờ gia tiên có một vị trí rất quan trọng. Bàn thờ gia tiên ngày Tết là sự thể hiện lòng tưởng nhớ, kính trọng của người Việt đối với tổ tiên, người thân đã khuất với những mâm ngũ quả được lựa chọn kỹ lưỡng; mâm cỗ với nhiều món ngon hay những món ăn quen thuộc của người đã mất.

Người Việt chọn ngày Tết làm cơ hội để tạ ơn
Người Việt chọn ngày Tết làm cơ hội để tạ ơn

Từ đây cho đến hết Tết, khói hương trên bàn thờ gia tiên quyện với không khí thiêng liêng của sự giao hòa vũ trụ làm cho con người trở nên gắn bó với gia đình của mình hơn bao giờ hết. Sau lễ tiễn ông Công ông Táo (ngày 23 tháng chạp Âm lịch), không khí Tết đã len lỏi vào từng gia đình, từng làng quê.Mọi người nhộn nhịp sắm sửa đón Tết.

Năm cũ đi qua mang theo những điều không may mắn và năm mới bắt đầu mang đến cho mọi người niềm tin lạc quan vào cuộc sống. Nếu năm cũ khá may mắn, thì sự may mắn sẽ kéo dài qua năm sau.Với ý nghĩa này,Tết còn là ngày của lạc quan và hy vọng.

Người Việt chọn ngày Tết làm cơ hội để tạ ơn. Con cái tạ ơn cha mẹ, cha mẹ tạ ơn ông bà, tổ tiên, nhân viên tạ ơn cấp chỉ huy. Ngược lại, lãnh đạo cũng cảm ơn nhân viên qua những buổi tiệc chiêu đãi hoặc quà thưởng để ăn Tết...

Chiều 30 Tết người Việt thường làm mọi việc như dọn dẹp bàn thờ, quét tước cửa nhà, săm sửa cành đào, cành mai, mâm ngũ quả… Mâm ngũ quả ở Miền Bắc thường có nải chuối xanh, quả bưởi, quả cam, hồng quất. Còn ở Miền nam, mâm ngũ quả là dừa xiêm mãng cầu, đu đủ, xoài xanh, nhà sung hoặc một loại trái cây khác.

Ngũ quả là lộc của trời, tượng trưng cho ý niệm khát khao của con người vì sự đầy đủ, sung túc

Bây giờ người ta quan niệm là “nghỉ Tết”, “chơi Tết” chứ không còn là “ăn Tết”. Khi cái ăn, cái mặc không còn là vấn đề quan trọng trong ngày Tết thì người ta hướng đến tinh thần nhiều hơn. Tết hiện đại mọi người thích nghỉ ngơi thoải mái, đi chơi nhiều hơn, nhân dịp Tết nhiều gia đình đã lên lịch trình cho một chuyến du lịch với người thân trong nhà hoặc cùng bạn bè, đồng nghiệp.

Ngày Tết được đi du lịch với cả gia đình, bạn bè, đồng nghiệp khiến mọi người cảm thấy nhẹ nhõm, gạt bỏ được những căng thẳng trong một năm làm việc vất vả, tìm được sự bình yên, thư thái trong tâm hồn.

Song An