Trông lên Hải Vân Quan

(Dân trí) - Vào những ngày nắng đẹp đứng ở Hải Vân Quan mọi người có thể nhìn thấy được toàn cảnh xung quanh: Cảng Tiên Sa, núi Ngũ Hành Sơn thần thoại... và ngắm bãi biển Lăng cô, dãy Bạch Mã đẹp như tranh vẽ.

Ngày trước, Hải Vân Quan là một vị trí chiến lược xung yếu của Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế về quân sự cũng như giao thông bằng đường bộ, đó là cửa ngỏ phía nam của vùng đất này. Hải Vân Quan nằm ở đỉnh đèo vắt qua một rặng núi đâm ngang ra biển từ dãy Trường Sơn nằm giáp ranh hai tỉnh Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng.

Đứng ở Hải Vân Quan mọi người có thể nhìn thấy được toàn cảnh xung quanh
Đứng ở Hải Vân Quan mọi người có thể nhìn thấy được toàn cảnh xung quanh

Hải Vân Quan đã đi vào cuộc sống của nhiều người dân Việt như một thắng cảnh, một cửa ải đầy những hiểm nguy. Theo sử sách xưa thì năm Bính Tuất (1826), vua Minh Mạng đã cho xây cửa Hải Vân ở đỉnh núi Hải Vân. Trước đó, vào khoảng năm 1470, khi đi ngang qua đèo Hải Vân, vua Lê Thánh Tông cảm cảnh sinh tình, đặt là "Thiên hạ đệ nhất hùng quan", cửa trông về phủ Thừa Thiên đề ba chữ “Hải Vân Quan”. Cái tên này được vua Minh Mạng cho khắc lên cổng đá trên đỉnh đèo. Người Pháp sau này bổ sung thêm một lô cốt, còn gọi là đồn Nhất và con đường sắt quanh co qua đèo.

Trong “Dư địa chí” đầu tiên của nước ta do Nguyễn Trãi biên soạn vào năm 1435, tác giả đã nói đến địa danh “Ai Vân”, như là một yếu điểm trên con đường từ Thuận Hóa đi vào Quảng Nam.

Hải Vân Quan nằm trên một địa thế khá lý tưởng, khí hậu mát mẻ quanh năm, là chốn "thiên cảnh bồng lai", một bên là núi với sương trắng bao phủ quanh năm, bên kia là biển nước sâu mênh mông hiền hòa trong ánh nắng vàng.

Đứng ở Hải Vân Quan mọi người có thể nhìn thấy được toàn cảnh xung quanh
Đứng trên đỉnh đèo, dõi mắt nhìn bốn phía, chỉ còn ta với mông lung mây trời, sương núi nhẹ nhàng và lãng mạn.

Xưa băng đèo Hải Vân rất ít người dám mạo hiểm bởi kẻ cướp và thú dữ. Người đời bảo, cũng bởi thế mà văn hóa giữa hai miền Bắc- Nam ít được giao lưu. Bây giờ khoảng cách về văn hóa đã xích lại gần, vậy nhưng sự khác biệt khí hậu thì vẫn như xưa bởi con đèo vẫn là “hàng rào” ngăn cản dựng đứng và khó vượt. Và cái heo may, mưa nhiều và lạnh lẽo của gió mùa phương bắc như bị chặn lại, để rồi ở phía bên ni đèo mưa lạnh thì phía bên kia lạ thay vẫn là nắng ấm.

Trên con đường xuyên Việt bạn không thể bỏ qua con đèo đặc biệt này. “Phủ biên tạp lục” của Lê Qúy Đôn đã từng viết: Hải Vân chân là biển, đỉnh giáp mây, là ranh giới của 2 vùng Huế và Quảng Nam. 6 thế kỉ trước, vùng đất này thuộc châu Ô và châu Rí của vương quốc Champa, sau đó bị vua Chế Mân cắt ra để làm sính lễ cầu hôn công chúa Huyền Trân nhà Trần.

Việt Nam từ Nam ra Bắc không có ngọn đèo nào hiểm trở tráng lệ như Hải Vân. Trên đường đèo bạn sẽ gặp vô số khúc cua hình chữ C,S,Z,U, đi xe phải vô cùng cẩn thận, đi qua đèo luôn phải đối mặt với những giây phút hồi hộp khó thở...

Đứng ở Hải Vân Quan mọi người có thể nhìn thấy được toàn cảnh xung quanh
Thế nhưng, không như ngày trước bây giờ lên đèo Hải Vân là được trải nghiệm đi tìm cảm giác lạ, đầy mê hoặc.

Đường đèo quanh co, khúc khuỷu men theo triền núi, uốn lượn như dải lụa vắt ngang giữa trời. Chiều về, mây che phủ cả đoạn đèo, như quấn quýt níu kéo khiến bước chân người đến đây như lạc bước vào cõi nào khác lạ, khói sương huyền ảo. Hải Vân còn được mệnh danh là “đèo Mây”.

Vào những ngày nắng đẹp đứng ở Hải Vân Quan mọi người có thể nhìn thấy được toàn cảnh xung quanh: cảng Tiên Sa, bán đảo Sơn Trà, núi Ngũ Hành Sơn thần thoại..., trên mặt biển điểm những chiếc thuyền nho nhỏ, như những kí hiệu khác nhau trên mặt biển sang lấp lánh. Nhìn về phía bắc ta sẽ thấy bãi biển Lăng cô, dãy Bạch Mã đẹp như tranh vẽ và bãi cát trắng kéo dài ôm trọn bãi biển trong xanh. Đến Hải Vân bạn có thể ngồi thưởng trà dưới những ngôi nhà cỏ, nghe hát bài chòi, nghe bình văn ngâm thơ…

Lên Hải Vân Quan để thưởng ngoạn, lên với nơi giao thoa giữa hai vùng đất để hòa mình trong âm vọng sử thi của bao dấu chân người Việt xưa đi mở cõi.

Bài: Minh Phan
Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế