Tây Bắc bừng sắc xuân

Vào mùa xuân, Tây Bắc bừng lên với đủ màu xanh đỏ của cỏ cây, hoa lá, đặc biệt là màu phớt hồng của hoa đào, màu trắng tinh khiết của hoa mận. Cứ nở đẹp và hết mình... rực rỡ, nồng nàn như chính con người và mảnh đất nơi đây vậy.

Trên cung đường 6 chạy dọc theo sườn Tây của vùng Tây Bắc Việt Nam, thị trấn Mộc Châu không còn là cái tên lạ lẫm đối với khách du lịch. Đường Lóng Sập, bắt đầu từ một ngã ba cuối thị trấn Mộc Châu mà dân du lịch vẫn quen gọi là “Ngã ba Lóng Sập” rồi kéo dài tới tận cửa khẩu Lóng Sập, huyện Mộc Châu, thông với huyện Sầm Nưa của nước bạn Lào. 

Vẻ đẹp mơ màng của Tây Bắc đón xuân về
Vẻ đẹp mơ màng của Tây Bắc đón xuân về

Cung đường tuyệt mỹ này đi xuyên qua các xã Mường Sang, Đông Sang, Chiềng Ve, Bó Sập, Pa Háng và chạy cắt ngang qua thác Dải Yếm, một điểm đến hấp dẫn với thác nước cao và mềm mại y như cái tên của nó. Đường Lóng Sập cũng mê hoặc khách du lịch bởi vẻ đẹp của một cung đường hẹp mà uốn lượn quanh co, nhiều đoạn bám vào sườn núi với vách cao một bên và bên kia là những suối nước trong veo róc rách bốn mùa.

Đi trên đường Lóng Sập vào những ngày cuối năm này, suốt chặng đường từ thị trấn tới cửa khẩu là những cánh đồng hoa cải vàng hòa vào sắc xanh bát ngát của núi rừng Tây Bắc. Những cánh đồng hoa cải rộng mênh mông nối từ mép đường tới tận chân núi phía xa, đôi chỗ cải “leo” cả lên những sườn núi dốc, nhuộm một màu vàng rực rỡ lên những triền xanh.

Những người yêu du lịch thường chọn mùa hoa cải trắng để đến Mộc Châu, để được hòa mình vào không gian đẹp đến mộng mị mỗi buổi sớm mai khi màn sương trắng dập dờn, lững lờ những cánh đồng hoa cải. Nhìn bóng những đứa trẻ ríu rít nối nhau đi qua cánh đồng hoa cải để tới trường, những cô gái Mông tung xòe váy áo trên bờ ruộng khô mới thấy bức tranh vùng cao đẹp đến lạ lùng.

Nơi nào cũng chỉ thấy hoa ban, trắng trời, trắng đất. Ban không nằm trong sân nhà, không che ngang mái hiên, gần gũi, dung dị như đào, mận, mà thênh thang giữa đất trời lồng lộng. Từng chùm ban trắng ùa xuống ngập thung sâu, rồi lại leo vút lên cao bồng bềnh như mây vắt ngang đỉnh núi. Khúc cua vòng tay áo giữa con đèo dốc ngược chênh chao, một cây ban mảnh mai, từng chùm hoa xòe cánh điểm những chấm trắng muốt lên nền trời xanh thẳm ban trưa. Vượt qua khúc cua, con đèo cheo leo vi vút gió mất hút vào giữa một rừng ban trắng dưới thung sâu.

Những nụ hoa thon thon như búp tay người con gái dắt lối những kẻ tò mò lạc sâu vào giữa rừng hoa. Dưới chân, ban rụng lớp lớp xuống thảm cỏ xanh, tỏa hương ngan ngát. Trên đầu, ngàn vạn cánh hoa rung rinh như ngàn vạn cánh bướm. Vẻ đẹp của hoa ban được ví như người con gái Thái: “Hoa ban nở thành người con gái Thái”. Ban là thế, đẹp như người sơn nữ, viên mãn, rực rỡ mà mộc mạc, khiêm nhường.

Chả biết có phải vì đắm đuối mơ hoa hay không, mà ngay cả việc làm ăn kinh tế trên nhiều vùng của Tây Bắc, người ta cũng... nhìn vào hoa. Đơn cử như việc bây giờ họ ào ạt trồng cây cao su ở khắp Điện Biên, Lai Châu, Sơn La kéo sang tận Yên Bái - Cao Bằng bởi một lý do rất đơn giản: “Như trong Tây Nguyên, chỗ nào có dã quỳ, chỗ ấy trồng được cao su!”... Mình thì mình chả tin cái lý do ấy, bởi làm ăn kinh tế, đổ của đổ tiền khác với chuyện mơ mộng hão huyền và lại càng không tin khi bao dự án “mơ hoa” như cà phê, bò sữa cũng đã từng “chết” ở Tây Bắc cách đây nhiều năm, khiến đồng bào đã khốn khó lại càng khốn khổ, bao nhiêu đời chả... tiến kịp miền xuôi.

Mình chỉ tin: Mỗi mùa hoa cải trắng, dã quỳ vàng, trạng nguyên đỏ, mận trắng, đào hồng, hoa ban phớt tím... Tây Bắc lại càng được người ta biết đến và tìm đến, để cảm nhận một Tây Bắc dung dị, thật thà từ màu hoa, sắc lá, ánh mắt, môi cười.

Theo Bảo vệ Pháp luật