Săn xe lửa “ma”

Nhiều chuyến tàu ở Anh cứ âm thầm chạy với các toa trống rỗng, đôi khi cả người bán vé cũng không biết chúng tồn tại

Cắt ngang hạt West Yorkshire - Anh, chuyến tàu chạy từ TP Leeds tới thị trấn nhỏ Snaith được những người đam mê xe lửa gán cho tên gọi chuyến tàu “ma”. Trạm Snaith vì thế mà hóa thành nhà ga “ma”.

Nơi chốn điên rồ

Theo trang web bán vé TheTrainLine.com, ở trạm Snaith không có máy bán vé, phòng bán vé lẫn bến xe taxi. Chuyến tàu kể trên là một trong nhiều chuyến di chuyển với toa trống rỗng, đôi khi ngay cả người bán vé cũng không biết chúng tồn tại.

Đến nay, không ai biết chính xác có bao nhiêu chuyến tàu “ma” ở Anh. Trang web The Ghost Station Hunters, do hai người đam mê đường sắt Tim Hall-Smith và Liz Moralee điều hành, liệt kê 37 chuyến như vậy. Theo ông Hall-Smith, căn cứ vào thời gian biểu thì có hơn 50 chuyến dù không dễ kiểm chứng con số chính thức.

Một tàu “ma” ở nhà ga Snaith Ảnh: BBC
Một tàu “ma” ở nhà ga Snaith Ảnh: BBC

“Thợ săn xe lửa ma” Hall-Smith bắt đầu truy tìm từ năm 1993 và đặt chân đến 41 nhà ga “ma”. Trong khi đó, người cùng chí hướng Moralee tìm ra 32 nhà ga. Họ chụp hình từng nhà ga một và đăng tải chúng lên trang web, mô tả chi tiết đường đi nước bước đến đó và những gì đáng mong đợi.

Để kỷ niệm sinh nhật thứ 50 của Hall-Smith, cả hai đã đi đến nhà ga Berney Arms ở hạt Norfolk. “Có thể nói đó là một trong những nơi điên rồ nhất mà chúng tôi đến. Không từ nào có thể diễn tả trọn vẹn sự biệt lập của nó” - Hall-Smith nói. Ông này mô tả con đường gần nhất cách nhà ga gần 5 km và xung quanh chỉ có một quán rượu - cũng đã ngừng kinh doanh - và một cối xay gió cũ kỹ.

Trong tuyến tàu đến Snaith, cô Moralee kể lại cuộc tranh cãi với nhân viên bán vé. Số là dẫu giờ giấc khởi hành của chuyến tàu Snaith được ghi rõ trên bảng thông tin nhưng người bán vé khăng khăng chưa hề nghe về nó. “Chả có chuyến nào đi Snaith hết” - người này nhấn mạnh. Lạ lùng thay, những lời nói này lại khiến Hall-Smith phấn khích vì biết rằng mình sắp phát hiện được một bí mật đối với phần lớn thế giới.

Hồi sinh từ cõi chết

Những con tàu “ma” thực chất là “xe lửa rẻ tiền”, cung cấp các dịch vụ tối thiểu mà không cần quan tâm đến việc có bị dẹp bỏ hay không. “Những chuyến tàu ma là một thủ thuật pháp lý nhằm ngăn tuyến đường ray bị đóng cửa” - ông Bruce Williamson, người phát ngôn của RailFuture - tổ chức vận động vì dịch vụ đường sắt tốt hơn ở Anh, nhận định.

Theo đài BBC, quá trình đóng cửa một tuyến đường sắt ở Anh khá nhiêu khê. Đầu tiên, người ta phải thẩm định mức độ tác động của việc đóng cửa đối với hành khách, môi trường và kinh tế. Sau đó, nộp đề xuất lên cơ quan quản lý vận tải, công bố trên các phương tiện truyền thông và nhận phản hồi từ công chúng. Cuối cùng, các kế hoạch được nộp lên Cơ quan Quản lý đường sắt và đường bộ để đưa ra quyết định.

Vì thế, chi phí để đóng cửa một tuyến đường sắt - xét về mặt thời gian, thủ tục giấy tờ và tiền thuế - thường cao hơn chi phí duy trì hoạt động tối thiểu của nó. Một lý do nữa để duy trì là… biết đâu trong tương lai, tuyến đường ấy sẽ lại nhộn nhịp hành khách.

Trên thực tế, một số chuyến tàu “ma” đã quay về từ cõi chết, ví dụ như tuyến Halton Curve. Sau nhiều năm hoạt động lặng lẽ, giờ đây nó chạy đều đặn hơn với lộ trình từ miền Bắc Xứ Wales đến TP Liverpool. Sự hồi sinh này có được sau khi nhà chức trách quyết định chi 10,4 triệu bảng Anh để nâng cấp tuyến đường sắt vào năm 2014.

Theo Người lao động