Nghệ An:

Quy hoạch hệ thống di tích, xem đây là nguồn tài nguyên quý giá

(Dân trí) - Tỉnh Nghệ An hiện có 2.602 di tích đã được kiểm kê, bao gồm 413 di tích đã xếp hạng, 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt. Khối lượng di tích - danh thắng phong phú là nguồn tài nguyên quan trọng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng cho nhân dân.

Mới đây, tại TP. Vinh - UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức công bố quy hoạch hệ thống di tích tỉnh Nghệ An định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Quy hoạch hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh Nghệ An, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 trở thành yếu tố cốt lõi, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nhân văn của địa phương; thiết lập các giải pháp tổng hợp hướng tới bảo tồn tích cực các di tích theo chuẩn mực quốc tế; hoàn thiện các cấu trúc không gian, chức năng phụ trợ, hạ tầng cho từng di tích gắn với chương trình hoạt động, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu bảo tồn và phát huy hệ thống giá trị di tích... lộ trình thực thi sẽ được tiến hành qua 3 giai đoạn.

UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức công bố quy hoạch hệ thống di tích tỉnh Nghệ An định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức công bố quy hoạch hệ thống di tích tỉnh Nghệ An định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Theo báo cáo, tỉnh Nghệ An hiện có 2.602 di tích đã được kiểm kê, bao gồm 413 di tích đã xếp hạng, 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên; Địa điểm cột mốc số 0 - đường chiến lược Hồ Chí Minh; Khu lưu niệm Phan Bội Châu và Đình Hoàng Sơn), 135 di tích cấp quốc gia, 274 di tích cấp tỉnh.

Ngoài ra, Nghệ An cũng có 960 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục kiểm kê và nhận diện, 3 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, dân ca Ví, Giặm đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Khối lượng di tích - danh thắng phong phú là nguồn tài nguyên quan trọng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng cho nhân dân.

Ông Lê Minh Thông - PCT UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại buổi lễ.
Ông Lê Minh Thông - PCT UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại buổi lễ.

Những năm qua, Nghệ An đã quan tâm chỉ đạo, đầu tư để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giành được khá nhiều thành tựu quan trọng.

Tuy vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vẫn chưa được triển khai một cách căn cơ, chiến lược, vẫn chưa bảo tồn một cách thực sự khoa học, đạt được các chuẩn mực quốc gia, quốc tế. Đặc biệt, chưa khai thác được một cách đầy đủ giá trị của di sản văn hóa vào phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì thế, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo ngành văn hóa tiến hành lập đồ án quy hoạch hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh Nghệ An định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Tại lễ công bố, đại diện Sở Văn hóa & Thể thao ký bàn giao hồ sơ quy hoạch hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tính đến 2050 cho 21 huyện thành phố, thị xã theo quy hoạch phân vùng.
Tại lễ công bố, đại diện Sở Văn hóa & Thể thao ký bàn giao hồ sơ quy hoạch hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tính đến 2050 cho 21 huyện thành phố, thị xã theo quy hoạch phân vùng.

Phát biểu tại buổi lễ, PCT UBND tỉnh Nghệ An ông Lê Minh Thông khẳng định: Việc quy hoạch hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh nhằm mở ra cơ hội thay đổi tư duy, khơi dậy cảm hứng cộng đồng, thu hút các nguồn lực xã hội cùng gắn kết, tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di tích, phát triển kinh tế di sản và du lịch.

Để quy hoạch sớm triển khai có hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Minh Thông đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện và quản lý quy hoạch theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo tiến độ, chất lượng theo lộ trình; tiếp tục kêu gọi các tổ chức, các doanh nghiệp quan tâm, nghiên cứu tham gia đầu tư thực hiện theo hình thức xã hội hóa.

Ngày 27/11/2014, sau phiên họp lần thứ 9 của Uỷ ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO diễn ra tại Paris (Pháp) - Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh chính thức được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Việc ghi danh Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam vào Danh sách di sản văn hóa Đại diện của nhân loại góp phần thúc đẩy việc trao đổi giữa các cộng đồng, nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi địa phương, quốc gia và quốc tế.

Quy hoạch hệ thống di tích, xem đây là nguồn tài nguyên quý giá - 4

Các biện pháp bảo vệ nhằm mục đích hỗ trợ cộng đồng trong việc trao truyền và phương pháp giảng dạy truyền miệng cũng như trong chương trình giáo dục chính thức sẽ được thực hiện với sự tham gia tích cực của các học viên, các chuyên gia, các tổ chức chuyên ngành và với sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước.

Hồ sơ đề cử Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được xây dựng với sự tham gia của các thành viên cộng đồng, chính quyền địa phương, các tổ chức chuyên ngành và các chuyên gia, các thành viên cộng đồng tự nguyện đề cử và cùng cam kết bảo vệ.

Di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam kiểm kê từ năm 2012 với sự tham gia và đóng góp của cộng đồng. Năm 2012, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định đưa Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Việc Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã chứng tỏ sức sống của văn hóa truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập vào văn hóa thế giới; là cơ hội quảng bá rộng rãi di sản này đến cộng đồng quốc tế.

Từ đó, đúc kết được những phương pháp tiếp cận phù hợp và những biện pháp thiết thực để triển khai, bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh xứng với những giá trị nhân văn và nghệ thuật độc đáo riêng.

Nguyễn Duy