Quảng Ngãi: Phát hiện "nghĩa địa" san hô hóa thạch 6.000 năm

(Dân trí) - Trong quá trình khảo sát, lập hồ sơ Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn, nhóm chuyên gia thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã phát hiện “nghĩa địa” san hô hóa thạch hình cối xay độc đáo có niên đại khoảng 5.000 - 6.000 năm trên đảo Lý Sơn.

Di sản độc đáo này nằm ở thôn Đông (xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn). Hóa thạch san hô vừa được phát hiện có niên đại từ 5.000 đến 6.000 năm. Khu vực phát hiện hóa thạch san hô hình cối xay trải rộng trên diện tích 20.000 m2, gần với vách đá trầm tích núi lửa Hang Cau.

Nghĩa địa san hô hóa thạch độc đáo vừa được phát hiện trên đảo Lý Sơn
"Nghĩa địa" san hô hóa thạch độc đáo vừa được phát hiện trên đảo Lý Sơn

Nhóm chuyên gia Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản nhận thấy đây là di sản độc đáo, mang nhiều ý nghĩa về mặt khoa học. Vì vậy, nhóm chuyên gia đã đề nghị UBND tỉnh cần có giải pháp bảo vệ khẩn cấp khu vực này.

Trên cơ sở đó, ngày 31/1, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh triển khai ngay các biện pháp bảo vệ phục vụ nghiên cứu; đồng thời tìm giải pháp khả thi để khai thác, phát huy giá trị di tích phục vụ phát triển du lịch tại địa phương.

Nghĩa địa san hô hóa thạch hình cối xay vừa được phát hiện có giá trị quan trọng về mặt khoa học
"Nghĩa địa" san hô hóa thạch hình cối xay vừa được phát hiện có giá trị quan trọng về mặt khoa học

Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu huyện Lý Sơn khẩn trương khoanh vùng bảo vệ, ngăn chặn các hoạt động của con người có thể xâm hại đến di sản, tạm dừng thi công mọi công trình trong khu vực di sản địa chất này.

Thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi sẽ mời các chuyên gia Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tiếp tục nghiên cứu sâu khu vực phát hiện di sản, vừa củng cố hồ sơ trình UNESCO; đồng thời tư vấn giúp tỉnh có biện pháp bảo vệ, phát huy giá trị của "nghĩa địa" san hô hóa thạch tại huyện đảo Lý Sơn.

Quốc Triều