Quảng bá kém hiệu quả khiến Việt Nam không cán đích 8 triệu khách

(Dân trí) - Mục tiêu cán mức đón 8 triệu khách quốc tế của ngành du lịch đã không đạt được như mục tiêu đề ra của ngành này. Quảng bá yếu, cộng với nhiều sự cố khách quan là nguyên nhân cơ bản khiến du lịch Việt Nam không đạt được kỳ vọng…

Theo số liệu thống kê thì Việt Nam phải cần có thêm 1,5 triệu lượt khách quốc tế nữa đủ mức kế hoạch đề ra là 8 triệu lượt khách, nhưng ước mơ này đã không thành hiện thực. Bởi thực tế trong nhiều năm qua, chiến lược quảng bá du lịch Việt Nam bị ví như một bức tranh lủng củng, không bố cục, màu sắc mờ nhạt, khiến ngành du lịch Việt Nam rất dễ tổn thương khi có một sự cố khách quan ập đến.

Chúng ta chưa có một cách làm quảng bá những tài nguyên của mình ra tấm ra miếng.
Chúng ta chưa có một cách làm quảng bá những tài nguyên của mình ra tấm ra miếng.

So với tài các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia…Việt Nam có lợi thế tài nguyên du lịch vượt trội. Không phải nói đâu xa, riêng 3200 km bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam đã là một ưu thế vượt trội. Đó còn chưa kể đến những tài nguyên văn hóa độc đáo của chúng ta. Không một đất nước nào như Việt Nam lại có nhiều vịnh, bãi biển được xếp vào danh sách những địa danh hàng đầu thế giới như Hạ Long, Phú Quốc, Nha Trang…

Ông Trần Anh Giang, Phó giám đốc Công ty Du lịch Việt nói: "Tài nguyên du lịch chúng ta không thiếu. Trên rừng dưới biển có đủ. Nhưng chúng ta chưa có một clip quảng bá những tài nguyên đó ra tấm ra miếng".

So với hơn mười năm trước, các nước Thái Lan, Singapore, Malaysia... đều giống Việt Nam ở vạch xuất phát ban đầu về xúc tiến, quảng bá du lịch chưa chuyên nghiệp. Song cho đến giờ này chúng ta đang bị họ bỏ xa. Năm 2014 và một số năm về trước, Thái Lan liên tục trải qua các cuộc khủng hoảng chính trị, an ninh bất ổn nhưng khi sự việc vừa kết thúc lại có một lượng lớn du khách đổ về đất nước chùa vàng.

Nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng công tác quảng bá hình ảnh du lịch của nước bạn làm hết sức quy mô, bài bản. Trong khi, có vẻ như Việt Nam vẫn chưa hoạch định nổi một kế hoạch cụ thể, một chuyên đề riêng cho xúc tiến. Ngay cả khi so sánh với Lào, Campuchia thì công tác quảng bá của Việt Nam quảng bá cũng được xem là yếu thế hơn. Vì thế, dù đạt lượng khách quốc tế của chúng ta cao hơn Lào, Campuchia nhưng tốc độ tăng trưởng khách lại thấp hơn.

Chúng ta chưa có một cách làm quảng bá những tài nguyên của mình ra tấm ra miếng.
Chiến lược quảng cáo của du lịch Việt Nam còn manh mún, thiếu đồng bộ và chưa tạo được hiệu quả cần thiết

Một chuyên gia làm trong ngành du lịch nói rằng, đang có một nghịch lý là các chiến dịch quảng bá, xúc tiến của Việt Nam lâu nay vẫn không có cảm hứng, thiếu chủ đề, thiếu hình ảnh khiến những lợi thế đó của chúng ta vẫn như “áo gấm đi đêm”.

Chỉ xét riêng các chiến dịch quảng bá của du lịch Việt Nam hiện nay và chưa tính đến cách đầu tư và khai thác dịch vụ, thì thấy khách du lịch đang mất cảm tình với cách ứng xử thông tin quảng bá của ngành du lịch Việt Nam.

Điểm qua những chiến dịch quảng bá của ngành du lịch Việt Nam người ta dễ nhận thấy, cách làm quảng bá của chúng ta vẫn còn nghiệp dư theo kiểu làm cho xong, thiếu đồng bộ. Những tấm panô, áp phích như những băng rôn khẩu hiệu không mang lại nhiều hiệu quả như mong muốn. Đi dọc suốt miền đất nước, khách du lịch nội địa (không nói đến khách quốc tế) lâu nay chỉ xem những biển hiệu này như là mốc đánh dấu địa danh cho từng địa phương chứ không xem là thông điệp quảng bá hình ảnh du lịch.

Việc du lịch Việt Nam thay đổi Logo và Slogan từ “Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn” sang “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận”… là đổi mới cần thiết, nhưng cũng chỉ là một phần nhỏ trong nỗ lực phát triển thương hiệu. Cần tạo ra những điểm khác biệt, độc đáo cho du lịch Việt Nam.

“Đứng ở một góc cạnh du khách, chỉ cần xem clip quảng bá của Malaysia, Thái lan… vài lần đã cảm thấy say mê. Giống như một đứa trẻ yêu thích một chương trình quảng cáo ấn tượng. Chúng thích ngay từ khi xem lần đầu”, ông Giang chia sẻ

Thực tế, các quốc gia có ngành du lịch phát triển đều là những nơi quan tâm đặc biệt đến khâu tiếp thị. Đơn cử như Hàn Quốc, cơ quan du lịch quốc gia đã mở đến hàng chục văn phòng đại diện ở nước ngoài.

Tại Việt Nam từ xưa đến nay, khi chúng ta đi quảng bá du lịch thì công ty trong nước hay cơ quan quản lý thị trường đặt hàng hãng phim, xây dựng theo chủ đề nhất định. Tuy nhiên, cách làm này rất cũ, không hấp dẫn, đặc biệt với khách nước ngoài vì chỉ mang tính tư liệu, chính vì thế đôi khi còn nhàm chán. Theo một số người làm du lịch, cái chúng ta đang thiếu ở đây là các clip quảng bá cho số đông, phù hợp với từng địa bàn, từng quốc gia.

Cũng có nhiều nguyên do khiến việc quảng bá hình ảnh du lịch của Việt Nam ở nước ngoài liên tục bị ngắt quãng, thiếu chuyên nghiệp. Cụ thể, khi tham gia hội chợ hay các sự kiện ở nước ngoài Tổng cục du lịch thường phải loay hoay vì thiếu tiền để tổ chức các hoạt động phụ trợ như họp báo, quảng bá trực quan…Thậm chí, hình ảnh quốc gia cũng được thể hiện khá manh mún. 

Trong khi kinh phí dành cho quảng bá còn eo hẹp, thì theo một số ý kiến, chúng ta nên tập trung quảng bá vào các kênh internet vừa tiết kiệm chi phí, lại hiệu quả. Bởi hiện nay số lượng người dùng internet trên thế giới ngày một nhiều. Và khi đã có đủ tiền, chúng ta hãy đầu tư sang mảng truyền hình…

Công tác quảng bá xúc tiến du lịch của Việt Nam đang được chia làm hai đầu mối: quảng bá du lịch trong nước do Tổng cục Du lịch làm, còn quảng bá du lịch ra nước ngoài do Cục hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đảm trách. Hiệp hội du lịch cũng tham gia vào công việc này song kinh phí quảng bá phải hoàn toàn tự lo liệu.

Minh Phan