Quảng Nam:

Quảng bá Bảo vật Quốc gia Mukhalinga đến với công chúng Thủ đô

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Hài – Giám đốc Sở VHTT-DL Quảng Nam – cho biết, Bảo vật Quốc gia Mukhalinga được Thủ tướng Chính phủ công nhận vào tháng 1/2015 đã được giới thiệu đến công chúng Thủ đô Hà Nội tại Trung tâm triểm lãm Giảng Võ vào tối ngày 28/8.

Đây là sự kiện nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành VH-TT.

Trước đó, vào ngày 25/8, Bảo vật quốc gia cũng đã được giới thiệu tại Trung tâm Văn hóa thể thao tỉnh Quảng Nam nhân dịp tỉnh tổ chức công bố Bảo vật Quốc gia Mukhalinga và Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

1-1440832380095
Bảo vật Mukhalinga được trưng bày đến công chúng

Theo ông Nguyễn Công Khiết – Phó trưởng ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn – cho biết, Bảo vật quốc gia Mukhalinga được phát hiện tình cờ và được khai quật tại góc đông - bắc của tháp Mỹ Sơn E1 vào năm 2012 và đang được bảo quản nghiêm ngặt. Tính từ khi đưa ra trưng bày Bảo vật Mukhalinga tại Bảo tàng Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên) cuối năm 2013 đến nay đã thu hút khoảng 80.000 lượt du khách đến tham quan.

2-1440832380030
Đầu thần Siva

Bảo vật Mukhalinga (tên gọi khác là Ekamukhalinga - Linga có một đầu thần Siva) được trưng bày là Phó bản do Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn phối hợp với Bảo tàng Điêu khắc Chăm TP Đà Nẵng thực hiện bằng chất liệu composite.

3-1440832380043
Đầu thần Siva nhô ra từ phần tròn của Linga

Ekamukhalinga có ba phần gần bằng nhau gồm hình tròn, hình bát giác và hình vuông. Phần hình tròn có chạm nổi một đầu tượng cao 21,5cm, rộng 13,5cm, dày 12cm. Phần cổ của đầu tượng gắn liền với linga. Linga thể hiện một đầu thần Siva - là Đấng Hủy diệt và Tái tạo Vũ trụ trong Ấn Độ giáo của vương quốc cổ Chămpa.

4-1440832380052
Mặt trước

Đầu tượng có búi tóc cao 5,5cm, búi tóc này gọi là jata- một kiểu tóc tiêu biểu của thần Siva; trán rộng phẳng; khuôn mặt thanh tú có đôi lông mày cong hơi nhô ra; mắt nhìn xuống; sống mũi thẳng, miệng có râu mép đã bị mờ; hai môi dày mím lại; cằm chẻ; vành tai trên cao ngang chân mày; dái tai dài buông xuống ngang cằm.

5-1440832380060
Mặt bên

Phần bát giác có cặp cạnh đối xứng bằng nhau, hai cạnh liền kề không bằng nhau (18cm-16,5cm); phần vuông có cạnh 41,5cm. Hiện vật bị mòn mờ một cách tự nhiên bởi thời gian, mặt chính của linga có nhiều đường vân đá hình cánh cung nổi hẳn lên do bị xói mòn.

Khuôn mặt của đầu tượng vẫn còn hiển lộ rõ nét thanh tú, trang nghiêm của thần Siva; hiện vật vẫn còn nguyên vẹn tuy đã bị mòn mờ. Niên đại khoảng đầu thế kỷ thứ 8.

Đây là một hiện vật gốc, độc bản; trong số 1.010 hiện vật đăng ký ở khu di tích Mỹ Sơn, chỉ có duy nhất một bản ekamukhalinga này.

6-1440832380067
Đỉnh Ekamukhalinga

Trong nền nghệ thuật điêu khắc Chămpa, đây là hiện vật duy nhất thể hiện linga có đầu thần Siva được gọi là Ekamukhalinga; hiện vật này có liên hệ mật thiết với Đài thờ Mỹ Sơn E1 - một kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc Chămpa.

Theo các nhà nghiên cứu, sau khi so sánh niên đại của Ekamukhalinga này là vào đầu thế kỷ thứ 8 cũng như vị trí phát hiện của nó tại góc đông bắc tháp Mỹ Sơn E1; họ đã đi đến kết luận rằng, có nhiều khả năng đây chính là linga được thờ trên Đài thờ Mỹ Sơn E1 đã được nhắc đến trong các văn bia Chàm tìm thấy tại Thánh địa Mỹ Sơn vào thế kỷ thứ 8.

Vì vậy, tác phẩm này cũng được đánh giá là một kiệt tác của nền điêu khắc Chămpa dựa trên phong cách thể hiện cũng như giá trị lịch sử của chính nó.

Công Bính

 

 

Quảng bá Bảo vật Quốc gia Mukhalinga đến với công chúng Thủ đô - 7