Những nhà tù “hút” khách tham quan ở Việt Nam

(Dân trí) - Những “địa ngục trần gian” Hỏa Lò, Côn Đảo, nhà tù Sơn La, Phú Quốc hay các nhà lao Vinh, Lao Bảo, Thừa Phủ... vốn ghi dấu các chứng tích lịch sử về một thời hoạt động cách mạng hào hùng của nhiều thế hệ cha anh đều là những địa danh thu hút đông đảo du khách đến tham quan mỗi năm.

Nhà tù Hỏa Lò

 

Nằm trên con phố Hỏa Lò, nhà tù Hỏa Lò được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1896 trên mảnh đất làng Phụ Khánh, huyện Thọ Xương xưa, Hà Nội.

 

Khu di tích nhà tù Hỏa Lò (ảnh Nhữ Trang)

Khu di tích nhà tù Hỏa Lò (ảnh Nhữ Trang)
 

 

Tại đây, một chế độ nhà tù hà khắc được áp dụng với các hình thức giam cầm và đầy đọa con người. Nhiều tên tuổi chiến sĩ cách mạng Việt Nam đã bị giam ở đây như Phan Bội Châu, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Lương Bằng… Hiện nay, khu di tích Nhà tù Hỏa Lò còn khá nguyên vẹn với nhiều tư liệu quý, được trưng bày khoa học, là điểm tham quan hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.

 

Nhà tù Sơn La

 

Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng vào năm 1908 trên ngọn đồi Khau Cả nằm bên dòng suối Nậm La thuộc tỉnh Sơn La.

 

Giống như địa ngục trần gian tại vùng Tây Bắc, nhà tù Sơn La được thực dân Pháp xây dựng một mặt với mục đích tách rời mối quan hệ giữa tù chính trị với nhân dân. Mặt khác, chúng lợi dụng khí hậu khắc nghiệt, cùng chế độ nhà tù đầy hà khắc dễ gây ra bệnh tật hiểm nghèo để giết dần, giết mòn các chiến sĩ cộng sản, những người Việt Nam yêu nước.

 

Khu di tích nhà tù Hỏa Lò (ảnh Nhữ Trang)

Chịu nhiều đợt ném bom của đế quốc Mỹ nên nhà tù Sơn La không còn nguyên vẹn như ban đầu. (ảnh Nhữ Trang)

 

Nhà tù Sơn La từng giam giữ gần 1.007 lượt tù nhân cộng sản, trong đó có nhiều đồng chí là Thành ủy, Xứ ủy, Trung ương ủy viên như: Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng. Bởi những ý nghĩa lịch sử lớn lao đó mà hàng năm, nơi đây còn đón tiếp hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, nghiên cứu và học tập.


Nhà tù Phú Quốc

 

Nằm ở xóm Cây Dừa, xã An Thới thuộc khu vực cực nam đảo Phú Quốc, Kiên Giang, nhà tù Phú Quốc - nơi giam giữ “cán binh cộng sản” lớn nhất miền Nam với hơn 32.000 tù binh từng bị giam giữ. Có lúc lên tới 40.000 nếu tính cả tù chính trị nhiều thời kỳ.

 

Cảnh điểm danh tù binh (phục dựng để cho khách tham quan) Ảnh: internet

Cảnh điểm danh tù binh (phục dựng để cho khách tham quan) Ảnh: internet

 

Khu di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc ngày nay không rộng, nằm trên khu vực chính nhà lao cũ, có nhà trưng bày hiện vật xây hai tầng và khu trưng bày ngoài trời những hiện vật nguyên gốc và hầu như giữ nguyên vị trí. Mỗi năm khu di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc đón hàng vạn lượt khách tới thăm.

 

Nhà tù Côn Đảo

 

Nhà tù Côn Đảo là tên gọi một hệ thống nhà tù tại Côn Đảo được thực dân Pháp xây dựng năm 1862. Hệ thống nhà tù này được xây dựng để giam giữ những tù phạm đặc biệt cho chế độ thực dân Pháp như: tù phạm chính trị, tử hình… Điểm nổi tiếng nhất trong khu nhà tù này là “chuồng cọp”.

 

Chuồng cọp dùng để giam các tù nhân (ảnh Công Quang)

Chuồng cọp dùng để giam các tù nhân (ảnh Công Quang)
 

 

Ngày nay, Nhà tù Côn Đảo không chỉ là điểm đến của nhiều người dân Việt Nam mà cả du khách nước ngoài. Họ tìm về nơi đây để nhớ về cội nguồn, nhớ về truyền thống cách mạng thế hệ cha anh.

 

Nhà tù Lao Bảo

 

Nhà tù Lao Bảo được xây dựng vào năm 1908, thuộc khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, là một trong năm nhà tù lớn nhất Đông Dương. Đây là nơi giam cầm nhiều nhà cách mạng cộng sản cốt cán mà sau này là lãnh đạo cao cấp của Việt Nam như: Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh, Trần Văn Cung, Lê Chương, Lê Thế Tiết...

 

Chuồng cọp dùng để giam các tù nhân (ảnh Công Quang)

Cụm tượng đài tái hiện cảnh gông cùm hà khắc của nhà tù và tinh thần chiến đấu bất khuất của chiến sĩ cách mạng tại di tích Nhà tù Lao Bảo. (ảnh internet)
 

 

Được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1991, đến nay đã gần 20 năm nhà tù Lao Bảo đón du khách thập phương về tham quan, hoài niệm về một thời chiến đấu gian khổ.

 

Nhà lao Vinh

 

Nhà lao Vinh được xây dựng năm 1804 trong vùng thành cổ Nghệ An. Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, nhà lao Vinh từng là nơi giam giữ những người dám “chống cả Triều (triều đình phong kiến) lẫn Tây” qua các phong trào Văn Thân, Cần Vương, với các cuộc khởi nghĩa của Trần Tấn, Đặng Như Mai, Phan Đình Phùng…, phong trào chống thuế Trung Kỳ, phong trào Đông Du...

 

Chuồng cọp dùng để giam các tù nhân (ảnh Công Quang)

Nhà lao Vinh đã trở thành lò luyện thép, nơi rèn luyện tinh thần, nghị lực, nhân cách, ý chí của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam
 

 

Nơi đây, những người tù nhân đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, tổ chức chi bộ đảng trong tù, cảm hóa thuyết phục tù thường, nhân viên nhà lao, kể cả một số cai đội, gác ngục và tìm mọi cách liên hệ với tổ chức cách mạng bên ngoài.

 

Nhà lao Thừa Phủ

 

Nhà lao Thừa phủ nguyên là nơi ở của đơn vị Thủy binh nhà Nguyễn, năm 1899 thực dân Pháp và chính quyền tay sai đã biến nơi đây thành nhà giam chính của Phủ Thừa Thiên và Lao Thừa Phủ ra đời từ đó.

 

Nhà lao Thừa Phủ là nơi giam giữ Đại tướng Võ Nguyên Giáp những năm 30 thế kỷ 19 (ảnh internet)

Nhà lao Thừa Phủ là nơi giam giữ Đại tướng Võ Nguyên Giáp những năm 30 thế kỷ 19 (ảnh internet)
 

 

Tại đây, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và ngụy quyền tay sai đã giam giữ, tra tấn dã man nhiều thế hệ nhà cách mạng, tiền bối, những đảng viên cộng sản trung kiên, học sinh, sinh viên và đồng bào yêu nước như đồng chí: Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh, Võ Nguyên Giáp… trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đầu tháng 10 năm 1930.

 

Nhà lao Thừa Phủ là di tích lịch sử quý giá, một địa chỉ giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau về lòng tự hào và truyền thống vẻ vang của cha ông.

 

Nhữ Trang

Tổng hợp