Những món ngon nghe lạ tai ở Quảng Ngãi

(Dân trí) - Quảng Ngãi là vùng đất miền Trung có nhiều đặc sản, trong đó có những món ăn từ lâu đã được du khách nhớ đến bởi tên gọi vô cùng độc đáo, lạ tai. Những món ngon dân dã này đều mang đậm dấu ấn của vùng đất núi Ấn sông Trà, khiến thực khách đã thưởng thức một lần sẽ phải vấn vương mãi.

Cúm núm

Cúm núm là một loại cua sống sát bờ biển, lớp vỏ cứng, mai có màu xanh lốm đốm nâu với phần bụng màu trắng sữa, càng và chân màu vàng nhạt. Tuy mình cúm núm ít thịt, thịt chủ yếu tập trung ở hai càng nhưng lại thơm ngon đậm đà chằng thua gì ghẹ nên luôn là món ăn ưa thích của ngư dân vùng biển.

Cúm núm biển thường xuất hiện nhiều từ độ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch. Nhưng theo kinh nghiệm của người dân, muốn thưởng thức thịt cúm núm chắc, ngọt và có nhiều gạch thì nên đến Quảng Ngãi trong khoảng thời gian từ giữa mùa đông đến ra Giêng. Đây là thời điểm sinh trưởng mạnh nhất của loài vật này.

Cúm núm có vẻ ngoài giống ghẹ nhưng phần mai nhạt hơn và có màu xanh lốm đốm.
Cúm núm có vẻ ngoài giống ghẹ nhưng phần mai nhạt hơn và có màu xanh lốm đốm.

Chiều đến, người dân sẽ tụ tập quanh bờ biển để bắt cúm núm. Thường thì câu con gì cũng cần có lưỡi câu, nhưng câu cúm núm thì không. Cần câu cũng không phải là cây trúc cong vút dẻo dai mà chỉ là một khúc cây nhỏ, ngắn khoảng nửa sải tay. Mồi câu là một con cá nhỏ đã chết, buộc sơ sài vào sợi cước.

Người đi câu lội ra ngoài chân sóng một chút để cắm câu, sau đó quay lên bờ thong thả ngắm biển trời hoặc chuẩn bị củi khô, chất thành đống để chuẩn bị nướng cúm núm. Đợi cúm xúm đen xúm đỏ quanh con mồi, người đi câu rón rén lội ra và dùng vợt xúc trọn. Nếu muốn bắt nhiều hơn, họ thường đi dọc bờ biển, cúm núm theo sóng dạt vào, mỗi lần rút xuống chúng sẽ đùn xuống cát.

Chỉ cần nhanh tay một chút, bạn đã có thể bắt được vài chú cúm núm cho bữa tối của mình. Từ những con cúm núm tươi ngon, người ta có thể chế biến nhiều món như hấp sả, lẩu, nấu chua… Tuy nhiên, cúm núm rang me vẫn là món khoái khẩu của cả dân địa phương và khách du lịch. Khách tới Quảng Ngãi, đặc biệt là những vùng biển như Sa Huỳnh, Sa Kỳ, sẽ được chủ nhà chiêu đãi bằng món ăn tuyệt vời này.

Hương vị mặn mòi đúng chất biển của cúm núm kết hợp với vị chua thanh mát của me tạo nên món ăn dân dã, đậm đà ở Quảng Ngãi.
Hương vị mặn mòi đúng chất biển của cúm núm kết hợp với vị chua thanh mát của me tạo nên món ăn dân dã, đậm đà ở Quảng Ngãi.

Sau khi được bắt về, chúng được tách mai, vặt càng và chân để riêng, sau đó rửa sạch. Đầu bếp sẽ sơ chế qua cúm núm, cho lên chảo rang với muối tới khi phần vỏ chuyển sang màu hồng thì vớt ra.

Tiếp theo, sả ớt, bột ngọt được cho vào phi thơm với hành tỏi - những nguyên liệu không thể thiếu của món ăn Quảng Ngãi. Cúm núm được đổ chung vào cho thấm gia vị. Cuối cùng, phần không thể thiếu của món ăn là me sẽ được dầm với nước ấm, bỏ hết hạt và rưới vào chảo. Người chế biến phải đảo đều tay để gia vị thấm đều cho cúm núm có mùi thơm và chua của me.

Thực khách vừa đưa miếng cúm lên miệng, hương thơm đã dậy mùi kích thích vị giác. Miếng cúm núm giòn tan, vỏ kêu rôm rốp. Phần thịt cúm ngọt và đậm đà, đủ hương vị chua cay mặn ngọt. Riêng vị me thì nhẹ nhàng, tinh tế, cứ thế đưa đẩy cho chén rượu thêm nồng.

Mắm nhum

Mắm nhum là đặc sản tiến vua của người dân biển Quảng Ngãi, nên món ăn này còn được gọi với cái tên hoa mỹ là “mắm tiến vua” hay “mắm quý tộc”. Nhum sống trong các gành đá ven biển ở Quảng Ngãi, nhưng nhiều nhất là vùng Lý Sơn, Sa Huỳnh, Mỹ Á. Nhum có hình dạng như quả cầu gai, đường kính từ 8 – 10cm, dày 3 – 4cm, và có nhiều loại: nhum mỡ, nhum bạc, nhum ta….

Thịt nhum chế biến được nhiều món ăn tuyệt hảo như: nhum kho, nhum trộn trứng gà chưng cách thủy, nhum sống ăn với cải bẹ xanh, nhum nấu cháo trắng... Và đặc biệt trong số những món chế biến từ thịt nhum là mắm nhum, một đặc sản tuyệt ngon ở Quảng Ngãi. Nhưng đặc biệt, chỉ có nhum ta, loại nhum vỏ màu đen là muối mắm được.

Nhum có hình dáng giống quả cầu gai.
Nhum có hình dáng giống quả cầu gai.

Theo sử sách ghi chép lại, vào đời vua Minh Mạng , mỗi năm người dân Quảng Ngãi phải nộp 12 cân mắm nhum để tiến cống cho triều đình và bắt buộc phải cống bằng vật phẩm, không được thay thế bằng tiền. Chính vì vậy, người dân ở đây có câu dân ca:“Anh than cha mẹ anh nghèo. Đũa tre yếu ớt chớ quèo mắm Nhum”.

Người tìm nhum phải lặn theo các gành đá, khi thấy nhum, họ dùng chiếc móc sắt giật khẽ chúng về phía mình rồi nhặt bỏ vào bao. Cái khó là không được khua động mạnh, nếu không nhum sẽ bắn gai vào tay người rồi bám chặt vào vách đá.

Bắt nhum về, rửa sạch rong rêu rồi dùng một thanh tre mảnh nạo thịt ra khỏi vỏ. Thịt nhum kết thành múi màu hồng phớt, có thể kho để ăn cơm, hoặc trộn vào trứng để chưng cách thủy, tráng chả.

Đến Quảng Ngãi, du khách có thể mua mắm nhum về làm quà.
Đến Quảng Ngãi, du khách có thể mua mắm nhum về làm quà.

Để làm mắm, người ta cho thịt nhum vào chum sành, rắc một ít muối hạt lên trên rồi đem vùi vào bếp tro hoặc phơi ngoài nắng chừng nửa tháng. Mắm nhum chín thì chuyển dạng sền sệt, có màu đỏ đục, thơm nức. Mắm nhum có đủ các vị: mặn, chua, ngọt lẫn vào trong hương vị riêng của thịt nhum, tạo thành một thứ mắm đầy quyến rũ. Mắm nhum ăn với bún tươi rất ngon, nhưng ngon nhất là chấm thịt heo ba rọi kèm rau sống cuốn bánh tráng.

Nếu ai đã từng thưởng thức món mắm nhum này có lẽ phải thừa nhận vị thơm ngon thuộc diện thượng hạng của nó. Một khi ăn xong, hương vị của món ăn này sẽ đọng mãi trên đầu lưỡi, thưởng thức một lần không thể quên. Đây cũng là một trong những hương vị được xem là quý tộc miền biển mà chỉ các vị vua chúa ngày xưa mới có dịp được thưởng thức.

Hoàng Ngọc

Tổng hợp