Những làng nghề truyền thống danh tiếng ở Đà Nẵng

(Dân trí) - Đà Nẵng không chỉ hấp dẫn du khách bởi cảnh quan thiên nhiên với những bãi biển đẹp, những công trình kiến trúc hiện đại, nhất là những cây cầu nối đôi bờ sông Hàn ở trung tâm thành phố. Đà Nẵng còn thu hút du khách với chiều sâu văn hóa của một vùng đất, trong đó có những làng nghề truyền thống.

Nổi tiếng nhất trong các làng nghề truyền thống ở Đà Nẵng phải kể đến Làng đá mỹ nghệ Non Nước nằm trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn; Làng chiếu Cẩm Nê và Làng nước mắm Nam Ô.

Làng đá Non Nước

Nằm dưới chân núi Ngũ Hành Sơn, cách trung tâm thành phố chưa đến 10km, Làng đá mỹ nghệ Non nước là một trong những làng nghề có sức sống mãnh liệt. Qua hàng trăm năm, không những không mai một như một số nghề truyền thống vàng son trong quá khứ, mà Làng đá Non Nước còn ngày càng phát triển.

Làng đá Non nước nằm trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn
Làng đá Non nước nằm trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn
Những người thợ làng đá đã nối nghiệp qua hơn 400 năm
Những người thợ làng đá đã nối nghiệp qua hơn 400 năm

Sản phẩm của làng nghề hết sức đa dạng và phong phú. Các nghệ nhân làng nghề luôn miệt mài sáng tạo để không ngừng chế tác sản phẩm mới, là những món quà lưu niệm Đà Nẵng được du khách ưa thích như những chiếc vòng, chiếc nhẫn, chuỗi hạt, chặn giấy, những bức tranh thủy mặc... làm bằng đá, đá bán quý

Những làng nghề truyền thống danh tiếng ở Đà Nẵng - 3
Những làng nghề truyền thống danh tiếng ở Đà Nẵng - 4
Sản phẩm mỹ nghệ của làng đá Non nước
Sản phẩm mỹ nghệ của làng đá Non nước

Làng chiếu Cẩm Nê

Làng chiếu Cẩm Nê (thuộc huyện Hòa Vang) cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 14km về phía Tây-Nam. Chiếu Cẩm Nê được làm nên bởi những người thợ làng nghề ở một làng quê bé nhỏ, thế nhưng từ rất lâu đời, sản phẩm của làng nghề truyền thống ở Đà Nẵng đã nổi tiếng khắp miền Trung.

Làng Cẩm Nê bé nhỏ, song chiếu Cẩm Nê nổi danh khắp miền Trung từ hàng trăm năm trước
Làng Cẩm Nê bé nhỏ, song chiếu Cẩm Nê nổi danh khắp miền Trung từ hàng trăm năm trước

Theo nhiều tài liệu thì nghề chiếu Cẩm Nê có nguồn gốc từ Hoằng Hóa, Thanh Hóa, theo chân những người dân di cư từ Bắc vào Nam vào khoảng thế kỷ 15, khi vua Lê Thánh Tôn chiến thắng Chiêm Thành.

Cẩm Nê dệt nhiều loại chiếu, khổ rộng, khổ hẹp, dệt chiếu trơn và dệt chiếu hoa. Chiếu trơn là loại chiếu để nguyên sợi màu trắng không nhuộm màu. Sợi lát dùng để dệt chiếu trơn được phơi khô vừa phải, sao cho khi phơi khô xong đem vào dệt, sợi lát còn ửng màu xanh.

Loại chiếu hoa ở Cẩm Nê không phải dệt chiếu trắng xong mới dùng khuôn in hoa lên trên nền như một số vùng khác mà phải chọn sợi lát về nhuộm phẩm màu đỏ, xanh, lục,vàng... Phẩm nấu lên và nhúng sợi lát vào, sau đó đem phơi khô rồi dệt chiếu.

Những làng nghề truyền thống danh tiếng ở Đà Nẵng - 7
Chiếu hoa Cẩm Nê dệt từ những sợi lát nhuộm phẩm xong rồi mới đem phơi
Chiếu hoa Cẩm Nê dệt từ những sợi lát nhuộm phẩm xong rồi mới đem phơi

Công phu nhất của nghề dệt chiếu là chọn cây để làm khổ và thoi dệt. Phải chọn cây nào thật thẳng, nhẹ và bền. Ở Cẩm Nê, người thợ làng nghề thường dùng cây cau già để làm khổ và thoi dệt.

Chiếu dệt xong lại đem phơi, xong ghim các đầu dây đay để cho các sợi lát hai đầu chiếu khỏi bung ra. Công việc này cũng phải khéo tay để đảm bảo tính mỹ thuật cho tấm chiếu.

Làng nước mắm Nam Ô

Nam Ô là làng chài nhỏ nằm dưới chân đèo Hải Vân phía Đà Nẵng. Nước mắm Nam Ô đã có danh tiếng hàng trăm năm.

Làng chài Nam Ô nằm dưới chân đèo Hải Vân phía Đà Nẵng
Làng chài Nam Ô nằm dưới chân đèo Hải Vân phía Đà Nẵng
Nước mắm Nam Ô thơm ngon có tiếng
Nước mắm Nam Ô thơm ngon có tiếng
Người làng Nam Ô được truyền nghề làm mắm từ đời này sang đời khác
Người làng Nam Ô được truyền nghề làm mắm từ đời này sang đời khác

Điều đặc biệt tạo nên thương hiệu mắm Nam Ô có lẽ chính là nằm ở công thức chế biến. Mắm Nam Ô được chế biến từ cá cơm than, đánh bắt vào tháng ba âm lịch (vì có độ đạm rất cao), lựa con vừa phải, và không rửa bằng nước ngọt sẽ làm cá mất ngon.

Chum muối cá phải bằng gỗ mít, dưới đáy chum phải chèn sạn, chổi đót và phải lọc nước mắm bằng chuộc mới đảm bảo nước mắm tinh chất, thơm đậm. Khi trộn cá phải khéo léo sao cho cá thấm muối thật đều, không bị nát. Phía trên cùng đặt một lần vỉ đan bằng tre, hoặc mo cau khô gài lại. Đậy nắp thật kín, đưa vào phòng tối, khô ráo, sạch sẽ, kín gió, giữ nhiệt độ vừa phải, khoảng sáu, bảy tháng trộn cá muối lại. Khi nào lớp vỉ chèn xuất hiện lớp men mầu trắng thì tháo vỉ, vớt lớp men ấy ra.

Cá muối vào tháng ba, gần Tết âm lịch bắt đầu lọc mắm, nhẹ tay lấy vỉ chèn ra, trộn đều mắm và dùng vải mịn để lọc mắm. Nước mắm chảy từ từ, có màu đỏ sậm như màu cánh gián, mùi thơm tỏa ra đầy hấp dẫn.

Tâm An