Nhâm nhi kẹo lạc, trà nóng ở làng cổ Đường Lâm

(Dân trí) - Ngồi nhâm nhi tách trà nóng với kẹo lạc, hoài cổ kỷ niệm xưa là thú vui thanh tao của nhiều người mỗi khi tới Đường Lâm.

Kẹo lạc là một phần trong nét văn hóa người Việt, là thứ quà xuất hiện trong đời sống hằng ngày, và món quà ý nghĩa cho những vị khách phương xa.

Nhâm nhi kẹo lạc, trà nóng ở làng cổ Đường Lâm
Kẹo lạc là món quà nhắc về quê hương, về nét văn hóa của người Việt, món quá ý nghĩa cho những vị khách phương xa lần đầu đến Việt Nam…

Uống trà đá, ăn kẹo lạc, kẹo dồi... là một nét văn hóa giản dị mà gần gũi với nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là người miền Bắc. Kẹo lạc quen thuộc với mọi lứa tuổi, nhâm nhi tách trà hoài cổ kỷ niệm xưa cũ.

Kẹo lạc là món quà nhắc về quê hương, về nét văn hóa của người Việt, món quá ý nghĩa cho những vị khách phương xa lần đầu đến Việt Nam… cũng là một món ăn khoái khẩu của những cô cậu háo ngọt. Ở Đường Lâm, Sơn Tây cho đến nay vẫn còn giữ được cái thú ẩm thực mộc mạc giản đơn ấy.

Ngồi nhâm nhi tách trà nóng với kẹo lạc, hoài cổ kỷ niệm xưa là thú vui thanh tao của nhiều người mỗi khi tới Đường Lâm.

Theo tương truyền thế kỉ XVII Bà Chúa Mía (là cung phi của Chúa Trịnh Tráng) đứng ra hưng công xây dựng lại Chùa Mía và dạy người dân làng Đường Lâm cách trồng mía nấu kẹo. Vị ngọt của cây mía đã được nhân dân sáng tạo ra rất nhiều thức kẹo ngon như kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo vừng.Nó đã trở thành sản phẩm truyền thống của làng nghề Đường Lâm.Lạc để làm kẹo là loại lạc được trồng ở vùng núi đồi xứ Đoài có vị thơm và béo.Lạc còn mới, được lựa chọn rất kỹ càng, để tránh những hạt thối, hạt mốc.

Nhâm nhi kẹo lạc, trà nóng ở làng cổ Đường Lâm
Về Đường Lâm tận hưởng đĩa kẹo dồi trắng phau bên chén trà, bạn sẽ cảm nhận được hương vị dân dã của kẹo, cũng là cái duyên tình hồn hậu của lòng người và non nước nơi đây.

Nguyên liệu làm kẹo rấtđơn giản, kẹo thường được làm từ mạch nha, đường và lạc nhưng cái khó lại nằm ở kì công của người làm ra nó. Làm kẹo đòi hỏi người làm trước hết phải có sức khỏe tốt, có thế mới giải quyết được khâu làm vỏ kẹo. Vì nấu mạch nha cho đến độ keo nhất định, không lỏng quá cũng không quá cứng để “đánh” kẹo thành công.

Với sức lực đôi tay quai búa của thợ rèn hay thợ đấu đắp đê quật mãi cho đến khi đường trắng ra và dẻo quẹo. Cả khối đường được dàn mỏng, càng mỏng càng tốt, rồi cho hỗn hợp nhân lạc đã nhào đường, mạch nha, va-ni trông óng màu mật ong vào giữa, cuốn tròn. Chờ nguội đủ độ, lấy dao cắt vát thành những khoanh kẹo như những miếng kẹo dồi, kẹo lạc, kẹo vừng.

Dẫu chẳng phải là miền đất “thai nghén” cho loại kẹo ấy, nhưng làng cổ Đường Lâm đã góp phần nuôi dưỡng món quà quê ấy đến ngày hôm nay, đưa người nay về với miền kí ức tuổi thơ. Với người con Đường Lâm, kẹo dồi đã trở thành một phần hương vị quê hương và bước vào trong những câu ca thật ngọt ngào.

Về Đường Lâm tận hưởng đĩa kẹo dồi trắng phau bên chén trà, bạn sẽ cảm nhận được hương vị dân dã của kẹo, cũng là cái duyên tình hồn hậu của lòng người và non nước nơi đây.

Gói kẹo ngày nay có mẫu mã đẹp có hình biểu tượng cổng làng Đường Lâm. Kẹo lạc là món quà nhắc về quê hương, về nét văn hóa của người Việt, món quá ý nghĩa cho những vị khách phương xa lần đầu đặt chân đến Việt Nam.

Người phương xa dễ nhận ra hương vị rất riêng của vùng đất cổ qua những món quà quê. Và hơn hết, nó còn là sự phản chiếu tâm hồn, là cái nết ăn, nết ở của người dân xứ Việt.

Minh Phan