“Nhắm mắt, bịt mũi” với những món ăn “dị” nhất xứ Mường

(Dân trí) - “Nhất đắng, nhì hôi, tam ghê, tứ gớm”, đó là câu giới thiệu quen thuộc khi nói về văn hóa ẩm thực của người Mường. Có thực khách chỉ mới nhìn món ăn đã vội lắc đầu từ chối, nhưng cũng có nhiều người cho rằng, một khi đã thưởng thức thì thấy thèm và nghiện lúc nào không hay.

Canh rau đắng

Cây lá đắng thường mọc ở khe núi, ven rừng. Khi biết có thể tận dụng lá đắng để biến thành thứ rau ngon, nhiều người bắt đầu đem về trồng trong vườn. Cây lá đắng gần như cho lá xanh tốt quanh năm, nhưng phát triển mạnh nhất trong mùa mưa. Lá đắng thon dài, tỏa ra thành chùm như lá sắn. Trong chùm ấy, chỉ những lá bánh tẻ mới đủ tiêu chuẩn nấu thành bát canh ngon.

Canh rau đắng được coi là món ăn đắng nhất của xứ Mường.
Canh rau đắng được coi là món ăn đắng nhất của xứ Mường.

Canh lá đắng chuẩn nhất là khi nấu cùng với thịt gà, lòng gà rừng. Ngày nay, lá còn được biến thể nấu cùng thịt nạc vai, thịt ba chỉ băm nhỏ hoặc lòng lợn, có khi lại nấu cùng với cá rô đồng, cá mương,... Nhưng dù nấu với thức gì, nhất định cũng phải có một bát tiết cho vào.

Những người thưởng thức canh đắng lần đầu sẽ có cảm giác đắng ngắt tê tê nơi cổ họng, nhiều người còn nhắm mắt, rùng mình vì chưa bao giờ ăn phải một thức nào đắng chao đảo đến như vậy. Nhưng khi vị đắng của lá rau biến mất, thực khách sẽ cảm nhận được vị thanh thanh rất mát, vị đậm đà của nước canh, vị ngọt bùi của thịt và tiết gà, kèm theo đó là vị đặc trưng của các loại gia vị đi kèm.

Nậm pịa

Nậm pịa vẫn được nhắc đến là món ăn hôi nhất ở xứ Mường. Đây cũng là đặc sản phổ biến trong cộng đồng người Thái ở Sơn La. Món ăn có thể làm nước chấm hay dùng trực tiếp như một loại canh, có tác dụng giải rượu rất tốt.

Nguyên liệu chính của món này là nội tạng của lợn rừng trâu, bò, dê... Sau khi thịt con vật, người ta sẽ chọn phần ngon nhất như sụn, cuống tim, thịt nạc, thịt bạc nhạc và tiết đem ninh nhừ. Ngoài ra còn một thành phần rất đặc biệt nữa, đó chính là pịa.

Món nậm pịa có màu sắc không bắt mắt được ăn nóng kèm rau sống.
Món nậm pịa có màu sắc không bắt mắt được ăn nóng kèm rau sống.

Pịa là chất sền sệt ở trong ruột non con bò. Khi mổ bụng động vật, người ta phải cẩn thận thắt chặt hai đầu phần ruột non có pịa rồi cắt khúc ngắn, trộn cùng lá rau thơm, bột mắc khén, rau mùi tàu, tỏi ớt... Tất cả được băm nhỏ, đun sôi khoảng một tiếng đồng hồ, đến khi món ăn thành chất sệt sệt là được.

Món nậm pịa có một sắc nâu không bắt mắt, hương vị cũng khá khó ngửi. Ăn thử miếng đầu tiên thấy vị đắng. Ăn miếng thứ hai, thứ ba thấy thơm mùi mắc khén, vị ngọt của thịt, xương và vị đắng của pịa. Ai ăn được nậm pịa sẽ rất thích vì vị đắng dịu nơi cuống lưỡi. Nậm pịa ăn kèm với thịt luộc, rau bạc hà, rau chuối và chút rượu nồng là “chuẩn” nhất.

Sâu măng, sâu chít

Món ăn được liệt vào hàng ghê nhất xứ Mường là các loại sâu, đặc biệt là sâu măng và sâu chít. Ngược lên các huyện phía tây Thanh Hóa như: Quan Hóa, Bá Thước, Ngọc Lặc, Lang Chánh… thực khách rất dễ dàng được thưởng thức món sâu măng. Khoảng tháng 9 và tháng 10 dương lịch là mùa sâu măng to béo nhất. Sâu măng to như cọng rau muống, màu trắng sữa, dài độ 2 đốt ngón tay.

Sâu nằm trong thân cây măng nứa.
Sâu nằm trong thân cây măng nứa.

Qua bàn tay khéo léo và sáng tạo của người dân vùng cao, sâu măng được chế biến thành nhiều món như sâu măng om, chiên giòn, luộc… nhưng được ưa chuộng nhất vẫn là sâu măng xào. Sâu măng nhìn có vẻ ghê sợ nhưng khi đã thưởng thức thì ai cũng phải gật đầu khen ngon.

Sâu măng còn được chọn làm nguyên liệu ngâm rượu. Nhiều gia đình còn ngâm để dành đến mùa sâu năm sau hoặc khi có khách quý mới đem ra uống.

Chỉ có khách quý mới được người bản địa thết đãi các món ngon từ sâu.
Chỉ có khách quý mới được người bản địa thết đãi các món ngon từ sâu.

Ngoài sâu măng, người Mường còn bắt sâu chít để làm món ăn và ngâm rượu. Loài sâu này có màu trắng sữa, thân căng mọng. Theo lời người dân bản địa, sâu chít là món ăn tăng cường sinh lực cho người đàn ông, giúp phụ nữ có làn da trắng đẹp.

Bọ xít

Món ăn cuối cùng của người Mường cũng rùng rợn không kém, đó là bọ xít. Nhiều người từng thử qua các món ăn từ côn trùng sẽ không quá ngạc nhiên khi nghe đến món ăn này. Tuy nhiên, đây không phải là món bọ xít thông thường mà là bọ xít rừng, hôi hơn nhiều so với bọ xít nhà.

Bọ xít rừng hiếm hơn nên giá cả đắt đỏ nhưng ăn lại ngon và bổ hơn. Bọ xít rừng không sống trên cây nhãn mà sống rải rác ở khắp nơi, thậm chí chúng làm tổ ngay trong những hốc đá. Vì thế, tìm được chúng đã khó, bắt được chúng còn khó hơn và giá bọ xít rừng thuộc loại cao, khoảng 400.000đ/kg.

Bọ xít rừng còn có thể chữa các bệnh về dạ dày và tiêu hóa.
Bọ xít rừng còn có thể chữa các bệnh về dạ dày và tiêu hóa.

Bọ xít rừng được chế biến rất đơn giản, ngâm qua nước gạo đã pha ớt để khử bớt mùi. Sau đó đảo đều trên chảo lửa cùng lá chanh. Tuy vậy, mùi của bọ xít rừng vẫn rất hôi nên người ta phải ăn kèm với một loại lá thơm đặc trưng của vùng Mường La là húng đá.

Hoàng Ngọc

Tổng hợp