Nha Trang: Khách tăng trưởng mạnh, lo về bài toán thiếu nhân lực

(Dân trí) - Du lịch tăng trưởng đột biến trong những năm qua, nguồn nhân lực bị các tỉnh lân cận thu hút khiến Khánh Hòa “đau đầu” về bài toán tìm nguồn lao động trực tiếp trong ngành du lịch.

Khách Trung Quốc đến Nha Trang - Khánh Hòa tiếp tục tăng mạnh vào đầu năm 2018
Khách Trung Quốc đến Nha Trang - Khánh Hòa tiếp tục tăng mạnh vào đầu năm 2018

Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh Khánh Hòa vào cuối tháng 3/2018 về việc nguồn nhân lực du lịch Khánh Hòa vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng, đa phần các doanh nghiệp phải tổ chức đào tạo lại, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa thừa nhận thực trạng này đã bộc lộ trong thời gian qua và được tỉnh rất quan tâm.

Liên quan đến việc quản lý nhà nước nguồn nhân lực nói chung, nhân lực du lịch nói riêng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng cần có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, trong đó không thể không nói đến vai trò của các cơ sở đào tạo.

Theo ông Trần Sơn Hải, trước đó từ năm 2010-2015, ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa có sự tăng trưởng cao. Cụ thể, năm 2010, Khánh Hòa có 455 cơ sở lưu trú, năm 2015 có 611 cơ sở lưu trú. Năm 2010 có 11.000 phòng khách sạn, năm 2015 có 20.000 phòng khách sạn, tăng hơn 2.000 phòng/năm.

Về lượt khách: Năm 2010, tỉnh Khánh Hòa đón 1,8 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 385.000 lượt. Năm 2015 đón 4 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt gần 1 triệu. Theo đó, từ năm 2010-2015, tốc độ tăng trưởng lượt khách bình quân đạt khoảng 50%.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2015-2017, số phòng khách sạn trên địa bàn tỉnh tăng lên đột biến. Cụ thể, năm 2017 có gần 30.000 phòng, chưa kể 7.500 phòng chưa được xếp hạng. Trong giai đoạn này, bình quân mỗi năm tăng hơn 4.000 phòng.

Về lượt khách: Năm 2017, Khánh Hòa đón gần 5,5 triệu lượt khách, dự báo năm 2018 tăng trưởng 1,5 triệu khách. Với tốc độ tăng trưởng đó, giai đoạn 2015-2017 được coi là giai đoạn tăng trưởng rất nóng của du lịch Khánh Hòa, cả về lượt khách, về số lượng phòng.

Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa có khoảng 28.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch, trong đó lĩnh vực lưu trú khoảng 25.000 lao động, còn lại là lĩnh vực lữ hành. Về chất lượng lao động ngành du lịch tại Khánh Hòa so với mặt bằng chung cả nước được xác định cao hơn. Dự báo lao động trực tiếp trong ngành du lịch trong thời gian tới có sự tăng trưởng cao.

Theo ông Trần Sơn Hải, từ nay đến 2020, dự báo Khánh Hòa cần thêm khoảng 25.000 phòng khách sạn, với thêm khoảng 26.000-27.000 lao động. Tuy nhiên, hiện nay, tại các cấp bậc đào tạo tại tỉnh Khánh Hòa mỗi năm cung ứng từ 2.000-2.500 lao động du lịch.

Nói về các nhóm giải pháp, ông Trần Sơn Hải cho rằng cần nắm được nhu cầu thực tế của của doanh nghiệp để có dự báo đúng. Trước mắt ưu tiên giải quyết về số lượng lao động, còn về chất lượng sẽ giải quyết sau. Nếu cứ đòi về chất lượng lao động sẽ rất khó khăn trong tuyển dụng.


Khánh Hòa lo thiếu lao động làm trong ngành du lịch do điều kiện đào tạo hạn chế và sự cạnh tranh từ các địa danh du lịch lân cận mới nổi

Khánh Hòa lo thiếu lao động làm trong ngành du lịch do điều kiện đào tạo hạn chế và sự cạnh tranh từ các địa danh du lịch lân cận mới nổi

“Trước đây trong thị trường lao động du lịch, chúng ta một mình một sân chơi, có bao nhiêu đều tập trung về ta. Còn bây giờ, du lịch Phú Yên, Quy Nhơn, Ninh Thuận… cũng là những địa chỉ để cạnh tranh, thu hút bớt nguồn lao động của chúng ta. Do điều kiện cung ứng đã hạn chế mà điều kiện cạnh tranh còn mở rộng ra thì chúng ta cần thu hút, giữ chân đội ngũ nguồn nhân lực du lịch sau khi đào tạo và đảm bảo được đào tạo”, ông Trần Sơn Hải nhận định.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, hiện nay có rất nhiều nghề không cần phải tốt nghiệp đại học, chỉ cần tốt nghiệp lớp 12 rồi học kỹ năng nghề đi làm lại có thu nhập cao.

“Nếu làm tốt kỹ năng đó thì thu nhập còn cao hơn, chứ học hết đại học rồi cũng lại quay về làm cái nghề như thế! Tôi mong bà con nên nghiên cứu để có định hướng cho con em chúng ta, vừa đảm bảo chi phí hợp lý, đồng thời lại được tạo điều kiện công ăn việc làm cho con em mình”, ông Hải lưu ý.

Trước đó, vào năm ngoái, trong một buổi họp về tình hình nhu cầu và khả năng cung ứng nguồn nhân lực ngành du lịch, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa – ông Trần Sơn Hải cũng đã nêu bật bức tranh nguồn nhân lực du lịch Khánh Hòa hiện nay đang có quá nhiều bất cập, chất lượng đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Theo đó, nhiều sinh viên ra trường làm trái ngành, học một đằng nhưng làm một nẻo, học cử nhân ra trường nhưng công việc hiện tại chỉ ngang trình độ nghề; giữa đào tạo và sử dụng lao động chưa gắn kết với nhau, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm du lịch.

Viết Hảo