Người Trung Quốc và thế giới ngầm du lịch

Một công ty lữ hành du lịch quốc tế của Trung Quốc để lộ việc cử 90 hướng dẫn viên, nhân viên du lịch sang hoạt động “chui” tại tỉnh Khánh Hòa.

Ông Wang Tao, Phó Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế Chengdu (Công ty Chengdu, Trung Quốc), vừa ký đơn “xin hỗ trợ” gửi Bộ Công an và UBND tỉnh Khánh Hòa nhờ can thiệp để công ty này kinh doanh du lịch tại Việt Nam. Thực chất, đây là đơn tố cáo Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Silent Bay (Công ty Silent Bay; TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) về việc đòi tiền bảo kê.

Đòi tiền bảo kê?

Theo đơn, từ ngày 18-12-2015, Công ty Chengdu do ông Yang Ziming, tổng giám đốc của một công ty trực thuộc Công ty Chengdu, ký hợp đồng hợp tác với Công ty Silent Bay do ông Trương Đăng Vũ Thụy làm giám đốc, nhằm đưa 300.000 khách du lịch Trung Quốc sang TP Nha Trang. Theo thỏa thuận, Công ty Chengdu trả phí 500.000 USD/năm cho Công ty Silent Bay (trả trước 100.000 USD, còn lại mỗi tháng sẽ trả 40.000 USD). Công ty Silent Bay bảo đảm các thủ tục tạm trú hợp pháp và an toàn ở TP Nha Trang cho tất cả nhân viên của Công ty Chengdu.

Một người Trung Quốc (giơ tay) từ xe của Công ty Silent Bay bước xuống, giới thiệu cho khách Trung Quốc tham quan tại Tháp Bà (TP Nha Trang) Ảnh: KỲ NAM
Một người Trung Quốc (giơ tay) từ xe của Công ty Silent Bay bước xuống, giới thiệu cho khách Trung Quốc tham quan tại Tháp Bà (TP Nha Trang) Ảnh: KỲ NAM

Ngày 4-2-2016, đại diện Công ty Silent Bay mời ông Yang Ziming đến họp và yêu cầu trả thêm cho Công ty Silent Bay 500.000 USD/năm gọi là phí bảo kê. “Nếu ông Yang không đồng ý hoặc từ chối chi trả các khoản phí bảo kê, họ sẽ trục xuất ông Yang khỏi TP Nha Trang và không cho phép kinh doanh du lịch. Họ nhấn mạnh rằng chúng tôi phải trả phí bảo kê bất kể sự công nhận nào từ chính quyền hay cá nhân, không thì tất cả đội ngũ người Trung Quốc phải về nước” (tạm dịch từ đơn của Công ty Chengdu).

Trong đơn, ông Wang Tao hé lộ Công ty Chengdu đã cử hơn 90 hướng dẫn viên du lịch và đội ngũ nhân viên tiếp tân đến TP Nha Trang với mục đích “bảo đảm chất lượng tiếp nhận và dịch vụ, đào tạo địa phương hướng dẫn viên và nhân viên Việt Nam cùng một lúc”. Nhóm người này do ông Yang Ziming điều hành. Ông Wang Tao cũng cho biết đã đặt vấn đề hợp tác với Công ty TNHH Paradise Bay (TP Nha Trang) trước khi hợp tác với Công ty Silent Bay nhưng không thành công.

Không hợp tác vì sai luật

Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động qua điện thoại, ông Wang Tao khẳng định đơn nói trên do chính tay ông viết và mọi trình bày trong đơn đều trung thực.

Để tìm hiểu hoạt động của nhóm hơn 90 người Trung Quốc làm du lịch tại TP Nha Trang và do ông Yang Ziming điều hành, phóng viên đã tìm đại diện Công ty TNHH Paradise Bay - là công ty từng được Công ty Chengdu đặt quan hệ hợp tác. Ông Võ Thanh Minh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Paradise Bay, thừa nhận cuối năm 2015, Công ty Chengdu có bàn bạc hợp tác.

“Tuy nhiên, họ đưa ra những điều kiện sai luật nên chúng tôi không thể đáp ứng được. Cụ thể, họ muốn góp vốn vào công ty của chúng tôi, sau đó yêu cầu để họ đứng tên công ty chúng tôi, đưa hướng dẫn viên vào thực hiện hết các dịch vụ rồi sẽ chi lại cho chúng tôi một khoản tiền nhất định. Ngoài ra, họ còn yêu cầu chi cho tôi một khoản kinh phí rồi điều hành toàn bộ” - ông Minh cho hay.

Về việc hơn 90 hướng dẫn viên, nhân viên người Trung Quốc do ông Yang Ziming điều hành đã đến TP Nha Trang, ông Minh thừa nhận khi làm việc với công ty của ông, bên Trung Quốc cũng đặt vấn đề này rồi và ông không chấp nhận.

Trong vai một người cần đưa đoàn khách Trung Quốc đến TP Nha Trang, chúng tôi liên lạc với lễ tân Công ty Silent Bay. Nhân viên ở đây giới thiệu chúng tôi liên lạc điện thoại với nhân viên bán hàng (sales) của Công ty Silent Bay tên là Tiếng. Khi chúng tôi liên lạc, Tiếng vồn vã: “Đối tác bên em là người Trung Quốc. Nếu anh cần hướng dẫn viên người Trung Quốc thì em sẽ yêu cầu người ta cung cấp chứ có gì khó đâu”.

Suốt 2 ngày, chúng tôi bám theo các đoàn xe chở khách Trung Quốc có in chữ Silent Bay đến các điểm du lịch ở TP Nha Trang và ghi nhận hoạt động đưa đón khách của công ty này diễn ra khá rầm rộ với nhiều đoàn tham quan mỗi ngày. Tuy nhiên, các đoàn thường chỉ có một người Trung Quốc ăn mặc như khách du lịch làm nhiệm vụ giới thiệu, dẫn đoàn tham quan, sau đó đứng bên ngoài quan sát, có gì không hiểu thì các khách Trung Quốc đều gặp người này để được giải đáp. Khi chúng tôi tiếp cận hỏi bằng tiếng Việt, những hướng dẫn viên này xua tay và lảng đi nơi khác.

Tại cuộc họp của UBND tỉnh Khánh Hòa bàn về việc quản lý khách du lịch nước ngoài mới đây, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định chưa cấp phép lao động cho bất kỳ người Trung Quốc nào vào Khánh Hòa. Những người Trung Quốc làm du lịch ở Khánh Hòa đều làm “chui”.

Kỳ tới: Hợp tác hay tiếp tay sai phạm?

Tổng cục An ninh vào cuộc

Liên quan đến đơn “xin hỗ trợ” của Công ty Chengdu, ông Trương Đăng Vũ Thụy cho hay Tổng cục An ninh - Bộ Công an đã vào cuộc làm rõ vụ việc. “Tôi mỏi mệt về chuyện này lắm rồi. Tôi nói thực sự đấy. Bên Tổng cục An ninh mời tôi lên và đã làm việc rồi. Tôi đã cung cấp giấy tờ cho Tổng cục An ninh. Có nghĩa là cái này đang trong quá trình điều tra và tôi đã giải trình rất nhiều lần” - ông Thụy nói.

Theo Hồng Ánh - Kỳ Nam

Báo Người Lao động