Người phụ nữ giữ lửa thổ cẩm, hai lần được Chủ tịch nước tuyên dương

(Dân trí) - Chị H’Yam Bkrông đã phát triển thành công Hợp tác xã thổ cẩm Tơng Bông. Người phụ nữ Ê đê này còn tiên phong, đặt những viên gạch đầu tiên cho hoạt động du lịch cộng đồng sắp được đưa vào hoạt động ở buôn Tơ Jú, xã Eakao, TP Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk.

Với những thành tích đã đạt được, chị đã hai lần được tiếp kiến Chủ tịch nước nhân dịp trao Cúp vàng "Hợp tác vì cộng đồng thịnh vượng" của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (4/2012) và nhân dịp được trao Huân chương Lao động hạng Ba vì có những thành tích xuất sắc trong phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi (10/2013).

Chị H’Yam Bkrông (ngoài cùng bên phải) được tiếp kiến Chủ tịch nước.
Chị H’Yam Bkrông (ngoài cùng bên phải) được tiếp kiến Chủ tịch nước.

Giải quyết việc làm cho hơn 100 phụ nữ Ê đê

Nghề dệt thổ cẩm ở Tơ Jú đã có rất lâu đời, từ thưở bé, chị H’Yam đã học theo bà nội kéo sợi, tách hạt bông. Nhưng qua nhiều năm, vì khó tiêu thụ sản phẩm nên những khung dệt ở Tơ Jú dần bị lãng quên, số người theo nghề chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Năm 2001, khi được chị em tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn, chị đã đề đạt ý tưởng khôi phục nghề dệt thổ cẩm đang bị mai một và được Hội Phụ nữ xã, UBND xã ủng hộ.

Đầu năm 2003, chị em nhất trí chọn mô hình hợp tác xã để có điều kiện tương trợ lẫn nhau, đồng thời vẫn có tư cách pháp nhân trong việc kí hợp đồng với đối tác. Chị H’Yam được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm.

Ban đầu, do điều kiện kinh tế khó khăn, chỉ có 3/42 xã viên đóng góp vốn theo quy định, còn lại các xã viên khác chỉ có thể đóng từ 50.000-100.000 đ. Chị thuyết phục chồng cùng góp vốn và mời nghệ nhân truyền nghề miễn phí.

“Chúng tôi đã mày mò thiết kế những hoa văn tinh xảo, mới mẻ vào y phục nam nữ truyền thống và nhiều sản phẩm ứng dụng khác như: túi đeo, túi xách, cà vạt, khăn trải bàn, gối tựa lưng, quần áo trẻ em,...”, chị H’Yam vừa kể, vừa dẫn tôi đi thăm phòng trưng bày sản phẩm ở cạnh nhà.

Các sản phẩm của Hợp tác xã thổ cẩm Tơng Bông.
Các sản phẩm của Hợp tác xã thổ cẩm Tơng Bông.

Để tìm hiểu được nhu cầu, thị hiếu của khách hàng và tìm đầu ra cho sản phẩm, nhiều năm liền, chị đi từ Nam tới Bắc để giới thiệu sản phẩm tại các khu du lịch, tiệm may, quầy lưu niệm,... Lúc đầu các cửa hàng nhận giới thiệu sản phẩm hầu hết vì cảm thông sự vất vả, khó khăn và sự nhẫn nại trong chào hàng của chị nhưng về sau họ ngày càng quý bởi họ hiểu đây là những sản phẩm làm bằng tay, chất lượng dệt cũng khác, đặc biệt mẫu mã sản phẩm được cải tiến theo thị hiếu khách hàng. Hợp tác xã đã tìm được đầu ra tương đối ổn định ở thị trường Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Nam, Bình Phước.

Nhờ cải tiến mẫu mã sản phẩm mà giá cả của các sản phẩm đã tăng lên. Một chiếc túi đeo chéo trước đây chỉ có giá 25.000đ thì nay đã tăng lên, có loại 75.000đ và 120.000đ

Chị H’Yam tiếp tục liên hệ với trường Cao đẳng nghề Đắk Lắk xin mở một lớp dạy nghề cho 30 học viên, trường sắm cho mỗi chị em một bộ khung dệt và hỗ trợ nguyên vật liệu, tiền ăn trưa, tay nghề chị em ngày một vững hơn, có nhiều chị đạt năng suất cao, tiêu biểu như chị H’Yăm, H Piu, H Nõi, Huet.

Hiện nay Hợp tác xã đã thu hút 42 xã viên chính thức và hơn 60 chị em làm theo mùa vụ. Thu nhập bình quân của mỗi chị em từ 1.700.000 đến 2.000.000.

H’Ngói Niê say sưa bên khung dệt.
H’Ngói Niê say sưa bên khung dệt.

Hợp tác xã cũng thu hút 12 hội viên trẻ tuổi, H’Ngói Niê là một trong số đó. Chị H’Yam dẫn tôi đến thăm nhà H’Ngói Niê khi em đang miệt mài bên khung cửi. Sinh năm 1993, lúc 15 tuổi H’Ngói Niê đã biết làm thổ cẩm. H’Ngói Niê được đánh giá là tiếp thu nhanh so với nhiều học viên khác, 3 ngày em đã biết dệt tấm thổ cẩm trơn. Đến nay em đã có thể dệt những tấm thổ cẩm với các hoa văn, họa tiết phong phú do khách hàng yêu cầu. H’Ngói Niê cho biết: “Do đặc thù công việc có thể làm tại nhà nên em có thể cân đối được thời gian chăm lo cho gia đình”.

Phát triển du lịch cộng đồng để bảo tồn nghề dệt truyền thống

Không dừng lại ở việc khôi phục nghề dệt truyền thống, chị H’Yam còn bày tỏ tâm nguyện: “Với ưu thế độ bền, đẹp và được làm thủ công, trang phục của người Ê đê nếu có người thiết kế sẽ hoà nhập được với trang phục hiện đại. Tôi hi vọng trong tương lai, thổ cẩm Ê đê sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế thời trang Việt Nam”.

Để từng bước hiện thực hoá ước mơ, ngay từ năm 1982, chị đã tích góp tiền qua hai vụ lạc để mua một chiếc máy may, tự mày mò học cắt may. Bộ y phục truyền thống đầu tiên chị may bằng cách đo theo đúng kích thước bộ y phục có sẵn. Dần dần, sau khi đã thành thạo, chị cải tiến cách cắt truyền thống với cổ cao, mặt trước mặt sau không phân biệt được sang cổ hạ thấp, nhưng vẫn kín đáo và giữ được bản sắc dân tộc. Chị đã thiết kế những mẫu váy ngắn cách điệu trên nền cổ cẩm đi dự thi Ngày hội văn hoá 2013 do thành phố tổ chức và đạt giải Nhất.

Khi tôi tới thăm, nhà chị H’Yam đang ngổn ngang vật liệu xây dựng, gia đình chị đang làm lại ngôi nhà dài truyền thống của người Ê đê. Học tập kinh nghiệm của các tỉnh Lào Cai, Yên Bái… Thời gian vừa qua, chị đã làm việc với công ty du lịch để sắp tới đưa hình thức du lịch cộng đồng về Tơ Jú. Khi đó, nhà dài sẽ vừa là xưởng dệt, vừa là điểm đến cho khách tham quan trải nghiệm văn hoá, sản phẩm làm ra cũng dễ tiêu thụ hơn.

Nhà chị H’Yam đang lxây lại ngôi nhà dài truyền thống của
Nhà chị H’Yam đang lxây lại ngôi nhà dài truyền thống của người Ê đê để trưng bày sản phẩm.

“Trước đây, ở buôn có nhiều dài lắm nhưng bà con lại bán đi hoặc cưa, xẻ hết để làm nhà xây. Ý nguyện của tôi là nếu có vốn sẽ tiếp tục làm thêm một căn nhà dài nữa để làm nơi diễn tấu cồng chiêng, ca múa, phục vụ du khách các món ăn truyền thống như: canh cà đắng, canh chua nấu thịt gà, cá lóc. Mình phải làm gương thì bà con mới hiểu được tầm quan trọng lưu giữ văn hoá của dân tộc”.

Kể từ năm 2012, khi được bà con tín nhiệm giao kiêm chức Trưởng buôn, chị H’Yam đã thành lập một đội cồng chiêng trẻ, một đội cồng chiêng già, một đội múa dân gian. Đội múa dân gian do chính con trai thứ 2 của chị đã tốt nghiệp CĐ Văn hoá nghệ thuật quân đội, hiện đang công tác ở Đoàn ca múa Đắk Lắk đứng lớp. Đây chính là những hạt nhân cho hoạt động du lịch cộng đồng sắp tới ở Tơ Jú.

Phương Nhung