Người Mông giã bánh dày ăn Tết trên đường phố Hà Nội

Hà Hiền

(Dân trí) - Mỗi độ Tết đến xuân về, bản làng người Mông tại 2 xã Hang kia và Pà Cò của huyện Mai Châu (Hòa Bình) lại vang lên tiếng chày giã bánh dày "cắc, pụp".

Người Mông giã bánh dày ăn Tết trên đường phố Hà Nội

Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, Du lịch với chủ đề "Hòa Bình - miền sử thi" được tổ chức tại khu vực nhà Bát Giác, phố đi bộ Hoàn Kiếm (Hà Nội) từ ngày 22/1 - 24/1, các trai tráng người Mông đã tái hiện phong tục giã bánh dày, một trong những món ăn đặc trưng của ngày Tết.

Với người Mông ở Mai Châu, ngoài rượu, thịt, bánh dày là thứ không thể thiếu trên bàn thờ và mâm cỗ ngày Tết.

Năm nào cũng vậy, bà con đồng bào và thanh niên lại quây quần bên chiếc cối giã và tạo nên những chiếc bánh tròn trịa, mềm dẻo và thơm ngon.

Người Mông giã bánh dày ăn Tết trên đường phố Hà Nội - 1

Các chàng trai người Mông ở Mai Châu trình diễn giã bánh dày trong Ngày hội Văn hóa, Du lịch với chủ đề "Hòa Bình - miền sử thi" tại phố đi bộ Hoàn Kiếm (Hà Nội).

Tết của người Mông ở Mai Châu không giống như những nơi khác, người Mông nơi đây đón tết sớm hơn Tết Nguyên đán một tháng.

Anh Hàng A Tơ, xã Pà Cò, Mai Châu cho biết: "Cứ vào chiều 30 Tết, thanh niên trong bản từ 16 tuổi trở lên lại tập trung đi giã bánh dày cho tất cả mọi nhà trong bản. Giã lần lượt từng nhà, đến khi nào xong thì thôi, có năm chúng tôi giã đến 1 giờ đêm mới xong".

Bánh dày được người Mông làm khá công phu, trong đó nguyên liệu chính là gạo nếp nương do đồng bào tự trồng. Gạo sẽ được vo sạch, ngâm trong nước ấm khoảng 12 tiếng, vớt ra để ráo nước rồi mới cho vào chõ để đồ.

Người Mông giã bánh dày ăn Tết trên đường phố Hà Nội - 2
Khi đồ xong phải cho vào cối giã luôn để đảm bảo độ dẻo và nhuyễn của bánh, lúc nặn bánh mềm, không bị nứt.

Chiếc cối hay còn gọi là máng để giã bánh của người Mông được làm bằng thân gỗ chắc, mịn thớ, có mùi thơm. Chày cũng được làm từ các loại gỗ cứng và nặng. Vì vậy, việc giã bánh bao giờ cũng là những chàng trai người Mông khỏe mạnh.

Cách giã cũng phải có kỹ thuật, giã đều tay, dứt khoát nếu không sẽ bị xôi dính vào chày, khó nhấc lên và bị mất sức, gạo sẽ không nhuyễn. Ban đầu phải giã nhẹ, sau đó dùng hết sức để giã liên tục đến khi xôi dẻo, nhuyễn, mịn.

Người Mông giã bánh dày ăn Tết trên đường phố Hà Nội - 3
Cối để giã bánh dày phải làm bằng thân gỗ chắc, mịn thớ, có mùi thơm.

Sau khi giã bánh xong là đến công đoạn cần những đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mông. Xoa vào lòng bàn tay lòng đỏ trứng gà đã chín và nặn khối bột vừa giã thành những chiếc bánh vừa vặn, tròn trịa, dẹt.

Bánh sau khi nặn xong được đặt lên mặt phên, để bánh không bị dính, họ phải lật nhanh và liên tục. Cuối cùng là công đoạn gói bánh vào lá chuối tươi đã được rửa sạch, lau khô và hơ qua lửa để lá có độ mềm và dậy mùi thơm. Người phụ nữ sẽ chọn 3 chiếc bánh dày to, đẹp để đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên.

Người Mông giã bánh dày ăn Tết trên đường phố Hà Nội - 4
Bánh dày của người Mông không có nhân cũng không dùng bất kỳ một loại gia vị nào nên bánh giữ nguyên vị ngọt tự nhiên và thơm dẻo của gạo nếp nương.

"Bánh có thể dùng luôn lúc nóng, khi bánh nguội có thể cắt thành từng miếng rán cùng mỡ lợn hoặc nướng trên than củi, chấm với mật ong rất hấp dẫn", Anh Tơ chia sẻ.

Nếu người Kinh có bánh chưng tượng trưng cho đất, thì thì bánh dày của người Mông tượng trưng cho trời và sự an lành, ấm no của cuộc sống. Bánh dày còn để cúng dâng lên cha mẹ, tổ tiên thay cho lời mời những người đã khuất về ăn Tết cùng con cháu.

Anh Tơ cho biết: "Bánh dày còn là biểu tượng cho sự thủy chung son sắt của trai gái người Mông trong tình yêu đôi lứa".

Những năm gần đây, vào dịp đầu xuân ở xã Pà Cò còn tổ chức thi giã bánh dày. Đây cũng là cách để bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của đồng dân tộc Mông, huyện Mai Châu, Hòa Bình.

Người Mông giã bánh dày ăn Tết trên đường phố Hà Nội - 5
Trong ngày Tết, người Mông thường tổ chức các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy…
Người Mông giã bánh dày ăn Tết trên đường phố Hà Nội - 6
Các chàng trai, cô gái người Mông trong điệu múa khèn đặc trưng của dân tộc mình.

"Hòa Bình - Miền sử thi" là chuỗi sự kiện diễn ra từ ngày 22/1 đến 24/1/2021 tại Thủ đô Hà Nội với các chương trình nghệ thuật mang đậm màu sắc các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Trong đó, nổi bật là không gian trưng bày văn hóa, ẩm thực và sản vật của địa phương; các trò chơi dân gian, trình diễn nghệ thuật ẩm thực các dân tộc của tỉnh Hòa Bình, chương trình diễu hành nghệ thuật Chiêng Mường trên phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm...