ĐBSCL:

Ngành du lịch ĐBSCL thu hơn 17.000 tỷ đồng trong năm 2017

(Dân trí) - Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho biết, trong năm 2017, ngành du lịch của khu vực này tiếp tục tăng trưởng, ước đạt doanh thu trên 17.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đánh giá, năm 2017, tình hình kinh tế xã hội nước ta tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Đặc biệt, năm 2017 là năm nước ta tổ chức thành công diễn đàn APEC 2017, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao.

Ngành du lịch Việt Nam trong năm 2017 đã đón gần 13 triệu lượt khách quốc tế và 78 triệu lượt khách nội địa.

Trong đó, ngành du lịch ĐBSCL tiếp tục tăng trưởng và đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Ước năm 2017 cả vùng đón tiếp trên 33 triệu lượt khách, tăng 15% so năm 2016 (trong đó có hơn 2,8 triệu lượt khách quốc tế), với doanh thu đạt trên 17.000 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ.

Hội đồng bình chọn điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL đã thẩm định và tái thẩm định 19 điểm du lịch tiêu biểu, xét công nhận 17 điểm.

Ngành du lịch các tỉnh ĐBSCL cũng đã tham gia nhiều chương trình hợp tác, liên kết, quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài khu vực với nhiều hoạt động phong phú như hội chợ, hội thảo, Famtrip,… nhằm giới thiệu, thu hút du khách đến với địa phương.

Tuy nhiên, lãnh đạo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cũng thừa nhận, ngành du lịch khu vực vẫn còn một số tồn tại, như: Nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu, trình độ ngoại ngữ của hướng dẫn viên du lịch còn yếu; một số doanh nghiệp hội viên chưa quan tâm nhiều đến việc sử dụng sản phẩm dịch vụ du lịch của nhau để nâng cao sức cạnh tranh, hạ giá thành, thu hút khách;…

Khu Điện gió Bạc Liêu, một trong những điểm thu hút khách du lịch hiện nay ở khu vực ĐBSCL.
Khu Điện gió Bạc Liêu, một trong những điểm thu hút khách du lịch hiện nay ở khu vực ĐBSCL.

Trong năm 2018, lãnh đạo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho biết, ngành du lịch tiếp tục tăng cường triển khai kế hoạch sử dụng sản phẩm dịch vụ du lịch của nhau; củng cố và nâng chất các điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL; xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, đẩy mạnh việc xây dựng các tour, tuyến kết nối với các điểm du lịch tiêu biểu của vùng, tạo ra sản phẩm mới có sức hấp dẫn thu hút khách.

Dự kiến, trong năm 2018, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL sẽ có chuyến khảo sát xúc tiến thị trường Hong Kong - Trung Quốc; tổ chức, xúc tiến, quảng bá du lịch ĐSBCL tại 4 tỉnh phía Bắc miền Trung; tham gia các lễ hội, hội chợ, sự kiện du lịch trong và ngoài khu vực; đào tạo hướng dẫn viên, thuyết minh viên, quản lý khách sạn, nhà hàng, khu điểm du lịch, cán bộ maketing du lịch;…. nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch của các địa phương và cả vùng.

Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cũng kiến nghị: Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sớm triển khai quyết định thành lập Ban điều phối phát triển du lịch ĐBSCL; Tổng cục Du lịch tiếp tục hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, kinh phí xúc tiến du lịch; Hiệp hội Du lịch Việt Nam hỗ trợ quảng bá, xúc tiến, công tác đào tạo và chia sẻ thông tin liên quan đến phát triển du lịch cả nước;…

Theo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, các tỉnh, thành trong khu vực cần quan tâm chỉ đạo thực hiện việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù và quy hoạch phát triển du lịch ĐBSCL; quan tâm đổi mới tư tưởng và hành động, đổi mới hợp tác, liên kết và đẩy mạnh xúc tiến toàn vùng, sớm đưa du lịch ĐSBCL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Huỳnh Hải