Hà Tĩnh:

Hậu sự cố Formosa: Tín hiệu vui từ du lịch biển

(Dân trí) - Cách đây tròn đúng 1 năm, khi mùa du lịch biển bắt đầu vào guồng, thì cũng là lúc sự cố môi trường biển xảy ra khiến hoạt động kinh doanh du lịch biển của Hà Tĩnh rơi vào điêu đứng. Sau một năm, du lịch biển của tỉnh này đã có những tín hiệu vui.

Một năm thê thảm

Cách đây tròn đúng 1 năm, khi mùa du lịch biển bắt đầu vào guồng, thì cũng là lúc sự cố môi trường biển xẩy ra tại biển Vũng Áng và lan rộng ra nhiều tỉnh miền trung. Cùng với nhiều ngành kinh tế khác, du lịch biển của Hà Tĩnh đã rơi vào cuộc khủng hoảng thực sự. Kể từ khi hải sản chết hàng loạt do bị nhiễm độc, ngay lập tức hàng loạt đoàn đã liên hệ đặt phòng từ trước đã huỷ tour, bỏ chuyến, gây thiệt hại rất lớn đến hoạt động khai thác, kinh doanh du lịch biển.

Biển Thiên Cầm, khu du lịch, nghỉ dưỡng lớn nhất Hà Tĩnh với 12 khách sạn, nhà nghỉ, có hơn 750 phòng lưu là nơi chịu nhiều thiệt hại nhất, với ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng từ tất cả các nguồn. Tiếp đến là các bãi biển nổi tiếng như: Xuân Thành, Xuân Hải, Thạch Hải, Đèo Con...

Khung cảnh ảm đạm của các nhà hàng tại khu du lịch biển Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh sau sự cố môi trường biển cách đây tròn 1 năm.
Khung cảnh ảm đạm của các nhà hàng tại khu du lịch biển Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh sau sự cố môi trường biển cách đây tròn 1 năm.

Báo cáo tổng kết kinh tế năm 2016 của Hà Tĩnh chỉ rõ, hậu quả của sự cố mà ngành du lịch biển Hà Tĩnh phải gánh chịu do tác động của sự cố môi trường biển là rất lớn. Lượng khách du lịch đến tỉnh chỉ đạt 1,1 triệu lượt khách, giảm 31% so với năm 2015 và bằng 66% kế hoạch đặt ra. Khách quốc tế, một nguồn thu ngoại tệ lớn, chỉ đạt 18.000 lượt, giảm 22% so với năm 2015 và bằng 75% kế hoạch. Khách nội địa cũng chỉ đạt 1,082 triệu lượt, giảm 31% và bằng 72% kế hoạch.

Do lượng khách du lịch giảm nên sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động du lịch với khoảng 3.500 lao động trực tiếp và trên 10.000 lao động gián tiếp phục vụ cho ngành du lịch biển chịu ảnh hưởng nặng nề. Hoạt động khai thác, kinh doanh du lịch biển bị ngưng trệ khiến cho rất nhiều nhà hàng, khách sạn ven biển bị thua lỗ, hàng nghìn lao động thiếu việc làm, doanh thu từ hoạt động du lịch biển dự kiến giảm 80-90% và doanh thu của các đơn vị kinh doanh du lịch ngoài du lịch biển cũng giảm từ 30-40% so với năm 2015.

Những tín hiệu vui

Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo mới đây của Sở VHTT&DL Hà Tĩnh vừa công bố, đã có những tín hiệu vui từ ngành du lịch biển của tỉnh này chỉ sau một năm xẩy ra sự cố môi trường biển.

Cụ thể, theo ông Lê Trần Sáng – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Tĩnh cho biết, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tới, nhiều cơ sở lưu trú ven biển trên địa bàn hiện đã kín phòng do du khách đặt khá sớm.

Còn ông Hoàng Xuân Hướng - Trưởng ban Quản lý Khu du lịch biển Thiên Cầm xác nhận, dù mới đầu mùa, nhất là trong mấy nghỉ giỗ Tổ Hùng vương kết hợp cuối tuần vừa qua, du khách đến với Thiên Cầm đã nhiều hơn. Đặc biệt theo ông Hướng, Thiên Cầm có hơn 700 phòng phục vụ lưu trú, nhưng từ dịp nghỉ lễ 30/4 đến tháng 6/2017, khách sạn Thiên Ý đã có 380 phòng được đặt, khách sạn Sông La đã có 350 phòng được đặt. Ngoài ra, các điểm lưu trú khác như: Nhà khách Công an, Khách sạn Sao Mai… đã có hàng trăm khách du lịch đặt phòng trong dịp nghỉ lễ tới.

Khách sạn Thiên Ý, một điểm nhấn của khu du lịch biển Thiên Cầm, hiện đã được khách đăng ký lưu trú hơn một nửa trong dịp nghỉ lễ 30/4. 1/5 này. Dự kiến con số này sẽ còn tăng lên trong những ngày tới.
Khách sạn Thiên Ý, một điểm nhấn của khu du lịch biển Thiên Cầm, hiện đã được khách đăng ký lưu trú hơn một nửa trong dịp nghỉ lễ 30/4. 1/5 này. Dự kiến con số này sẽ còn tăng lên trong những ngày tới.

Tín hiệu đáng mừng nhất theo ông Hướng là khách đặt phòng nghỉ dưỡng tại khu du lịch biển Thiên Cầm chủ yếu là khách từ các tua tuyến đến từ các tỉnh thành trong cả nước. “Từ giữa tháng 3 đến nay, lượng khách đến với khách sạn ngày một nhiều, đạt gần 800 khách, trong đó có khách nước ngoài. Ngày chủ nhật 9/4, khách Hà Nội, TP Hà Tĩnh vào tới hàng trăm người. Họ thỏa sức tắm biển và thưởng thức hải sản tươi ngon” - Anh Tôn Kính Đại, quản lý nhà hàng thuộc Khách sạn Thiên Ý và chủ nhà hàng Hương Biển cho hay.

Tại bãi biển Lộc Hà, theo số liệu từ Sở VHTT&DL, lượng khách đăng ký lưu trú, nghỉ dưỡng cũng đã gần kín. Mặc dù khu nghỉ dưỡng Vinpear Cửa Sót đang trong quá trình hoàn thành, song 168 phòng nghỉ tại đây đã được du khách đăng ký để nghỉ lại.

Hà Tĩnh đang hi vọng môi trường biển đã an toàn hơn và những nỗ lực cải thiện chất lượng phục vụ, ngành du lịch biển sẽ sôi động trở lại.
Hà Tĩnh đang hi vọng môi trường biển đã an toàn hơn và những nỗ lực cải thiện chất lượng phục vụ, ngành du lịch biển sẽ sôi động trở lại.

Tại Khu du lịch biển Xuân Thành, số phòng lưu trú được khách đặt dịp nghỉ lễ quan trọng này cũng đạt gần 50%, trong tổng số 785 phòng nghỉ.

Hà Tĩnh có 137km bờ biển với nhiều bãi tắm nước trong xanh, cắt trắng mịn màng, là điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương. Hi vọng, với những tín hiệu vui nói trên ngành du lịch biển Hà Tĩnh sẽ sớm trở lại sau một năm đầy biến động.

Văn Dũng