Hàng loạt điều vô lý kìm hãm du lịch TP.HCM

(Dân trí) - Có cảng Nhà Rồng đẹp mà không cho tàu du lịch vào; đi Cần Giờ tham quan phải xin phép vì là biên giới; đầu bếp phải có chứng chỉ tiếng Pháp... Các doanh nghiệp du lịch than phiền với Bí thư Đinh La Thăng về hàng loạt điều vô lý đang kiềm hãm ngành du lịch TPHCM.

"Chúng ta 5,2 triệu lượt đã tưng bừng. Thái Lan đã đạt con số 30 triệu lượt"

Tại hội nghị quán triệt, phổ biến, triển khai nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vừa diễn ra ở TPHCM vào ngày 8/3, các doanh nghiệp du lịch kiến nghị lên Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng nhiều giải pháp phát triển ngành vì họ quá bức xúc những điều vô lý.

Trên tinh thần chỉ đạo của nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy sự phát triển các ngành, các lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Phát triển du lịch là nhiệm vụ chung, không riêng ngành du lịch

Bí thư Thăng cũng cho rằng con số hơn 5 triệu du khách quốc tế đến TPHCM năm 2016 là quá thấp. Ông nói: “Năm 2016, chúng ta đón hơn 5 triệu lượt du khách là chúng ta đã tưng bừng rồi, có cả lãnh đạo ngành du lịch TPHCM ra đón. Tôi xin nói kế bên chúng ta đây không đâu xa, Thái Lan, người ta 30 triệu. Hôm rồi ngành du lịch đề xuất mức 7 triệu. Sao cứ nhỏ nhỏ như thế? Tôi nói với anh Tuyến (Phó chủ tịch UBND TPHCM - PV) là 10 triệu!”.

Toàn cảnh buổi hội nghị
Toàn cảnh buổi hội nghị
Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị
Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị

Các doanh nghiệp du lịch cũng đồng tình với Bí thư Thăng là con số trên quá nhỏ so với tiềm lực của thành phố. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, TGĐ lữ hành Vietravel, cho rằng: “Trong 10 điểm khách du lịch đến đông nhất tại khu vực Đông Nam Á không có tên TPHCM, chúng ta chỉ đứng thứ 13. Để lọt vào top đầu, TPHCM phải đạt mục tiêu cao là trung bình trên 11 triệu lượt!”.

Ông Kỳ nói: “Doanh nghiệp lữ hành quốc tế tại TPHCM có 647 đơn vị, nội địa có 607 đơn vị. Năm 2016 là hơn 5 tiệu lượt khách du lịch quốc tế thì mỗi đơn vị trong 647 doanh nghiệp lữ hành quốc tế trung bình có hơn 8 ngàn khách. TPHCM chiếm lượng lớn các công ty lữ hành trên cả nước (cả nước có 1600 đơn vị lữ hành), vậy phải chăng lữ hành là khâu yếu nhất của chúng ta?”.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp khá bi quan trong việc phát triển du lịch TPHCM vì họ cho rằng có quá nhiều điều vô lý đang kìm hãm sự phát triển của ngành.

Bí thư Đinh La Thăng ấn tượng với việc doanh nghiệp nước ngoài tới lắng nghe chủ trương đường lối của Đảng và nhà nước (Trong ảnh là ông Scoot Hotgetts, Tổng giám đốc khách sạn Sheraton Saigon)
Bí thư Đinh La Thăng ấn tượng với việc doanh nghiệp nước ngoài tới lắng nghe chủ trương đường lối của Đảng và nhà nước (Trong ảnh là ông Scoot Hotgetts, Tổng giám đốc khách sạn Sheraton Saigon)
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, TGĐ lữ hành Vietravel trăn trở với tình hình hoạt động lữ hành hiện nay.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, TGĐ lữ hành Vietravel trăn trở với tình hình hoạt động lữ hành hiện nay.

Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty Du Ngoạn Việt, cũng chia sẻ những trăn trở của mình: “Khách du lịch gọi thành phố chúng ta là Mega City bởi dường như những giá trị văn hóa dần bị lấn át bởi những kiến trúc hiện đại. Giờ mở cửa của bảo tàng chưa thật sự hợp lý để có thể khớp với lịch trình tour...”.

Ông cũng chỉ ra hàng loạt quy định vô lý của ngành: “Tôi có một khu nghỉ dưỡng, trong đó có spa, mà muốn mở spa là phải có phòng vật lý trị liệu. Mỗi năm đại học y dược chỉ cho ra được 5 bác sĩ vật lý trị liệu. Mà phòng vật lý trị liệu cần phải có bác sĩ vật lý trị liệu. Một quy định hết sức vô lý! Rồi một cái nữa, để lấy chứng chỉ đầu bếp 6 tháng đòi hỏi phải có chứng chỉ tiếng Pháp. Mà phải là tiếng Pháp chứ không phải tiếng nào khác, hết sức vô lý!”

Bên lề hội nghị, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty Du Ngoạn Việt chia sẻ về những bất cập trong pháp lý đã vô tình kìm hãm sự phát triển của du lịch
Bên lề hội nghị, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty Du Ngoạn Việt chia sẻ về những bất cập trong pháp lý đã vô tình kìm hãm sự phát triển của du lịch

Thấy Bí thư Thăng chăm chú lắng nghe, ông Xuân Anh bảy tỏ bức xúc của mình: “Đi 50 km, đòi phải có danh sách du khách đầy đủ thông tin. Trên thực tế xin thông tin du khách là điều cực kỳ khó. Tôi bỏ chi phí đầu tư đóng tàu bè cho du khách tham quan, trải nghiệm Cần Giờ, nhưng đi đến đó là phải xin phép vì đây là biên giới hải đảo. Từ Vũng Tàu qua Cần Giờ có 10 phút nhưng không đi được mà cần phải xin phép, mà xin thì phải có cơ chế!”.

Cuối cùng ông Phan Xuân Anh đặt vấn đề: “Đà Nẵng bỏ hàng ngàn tỷ đồng để đưa tàu du lịch quốc tế vào cảng Hàm Rồng. Trong khi đó, chúng ta có cảng Nhà Rồng nhưng lại không vào được lại chỉ xuống cảng Phú Mỹ. Cầu Phú Mỹ chiều cao 50 mét, tàu du lịch dư sức vào. Thử tưởng tượng xem, bến cảng Nhà Rồng có một con tàu du lịch quốc tế 5 - 6 sao đậu làm phông nền thì ôi thôi, đẹp vô cùng!”.

Tiềm năng du lịch của Cần Giờ và Củ Chi

Sau khi lắng nghe những ý kiến của doanh nghiệp, Bí thư Thành Ủy TPHCM Đinh La Thăng đề nghị các ban ngành lắng nghe, tiếp thu một cách thật nghiêm túc.

Bí thư nói: “Khâu nào kém thì ngồi lại cùng bàn bạc, khâu nào chưa tốt thì phải tìm giải pháp nhằm góp phần xây dựng hình ảnh một thành phố du lịch, một nơi đáng để đến và quay lại!”.

Phạm Nguyễn