Hàng không giá rẻ Việt Nam “đặt chân” đến Hàn Quốc

Hãng hàng không Jetstar Pacific vừa thực hiện thành công 4 chuyến bay đầu tiên đi và đến Jeju – Hòn đảo du lịch nổi tiếng của Hàn Quốc. Đánh dấu bước phát triển tiếp theo trong chiến lược mở rộng mạng bay quốc tế của Hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam.

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 , hai chuyến bay của Jetstar Pacific chở gần 250 hành khách xuất phát từ Tp.Hồ Chí Minh đã hạ cánh xuống sân bay Jeju. Hai chuyến bay ngược lại từ Jeju cũng xuất phát về Tp.Hồ Chí Minh vào các ngày 2/5 và 3/5 vừa qua. Đây là những chuyến bay đầu tiên của Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific “đặt chân” đến Hàn Quốc trong chương trình hợp tác cùng đối tác du lịch tại Tp.Hồ Chí Minh.

Sau thành công bước đầu tại thị trường nội địa, kế hoạch mở rộng mạng bay quốc tế dường như đang được định hình rõ nét ở Jetstar Pacific. Đặc biệt là sau cuộc gặp lãnh đạo cấp cao vào cuối năm 2015, giữa 2 cổ đông lớn Vietnam Airlines và Tập đoàn hàng không Qantas (Qantas Airways – Úc) cùng Jetstar Group – một trong những thương hiệu hàng không giá rẻ hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương, để thống nhất kế hoạch phát triển dài hạn cho Jetstar Pacific.

Hàng không giá rẻ Việt Nam “đặt chân” đến Hàn Quốc - 1

Theo đó, tại thị trường nội địa, Jetstar Pacific tiếp tục thực hiện “thương hiệu kép” cùng Vietnam Airlines trong khi vẫn kết hợp thế mạnh về mạng bay của Jetstar Group cùng các cổ đông trên thị trường quốc tế.

Mới đây, Trung tâm Hàng không Châu Á Thái Bình Dương (CAPA) đã đánh giá lộ trình và chiến lược của Jetstar Pacific đang ngày một hợp lý, trong bổi cảnh cảnh tranh nội địa ngày càng khốc liệt.

“Lộ trình hiện tại của Jetstar Pacific là khôn ngoan và tương tự với mô hình của Jetstar Asia”, CAPA đánh giá. Theo tổ chức này, sau khi Vietnam Airlines quyết định thúc đẩy sự tăng trưởng của Jetstar Pacific vào năm 2014, đến nay hãng hàng không đang đi đúng hướng.

Theo CAPA, Một trong những chính sách khôn ngoan nhất hiện nay của Jetstar Pacific là chuyển hướng tập trung sang thị trường nước ngoài, kết nối chuyến bay cùng Jetstar toàn cầu và thực hiện thương hiệu kép với Vietnam Airlines, đây là cách để Jetstar Pacific có thêm nguồn khách quốc tế, bù đắp cho doanh thu bình quân theo đầu khách ở thị trường nội địa đang sụt giảm do cạnh tranh.

Khởi đầu bằng các chuyến bay quốc tế đến Singapore, Bangkok, Hong Kong, Macao và Trung Quốc đại lục, việc đặt chân đến Hàn Quốc thông qua hòn đảo du lịch lớn Jeju tiếp tục cho thấy Jetstar Pacific đang có nhiều ưu thế khi “xuất ngoại”, nhờ những nền tảng sẵn có của thương hiệu Jetstar. Nổi bật nhất là đường bay giữa Việt Nam và Hongkong, Jetstar Pacific nhanh chóng tăng thị phần từ 6 lên 8% nhờ tận dụng ưu thế về giờ cất hạ cánh và marketing của Jetstar Group.

Mặc dù chưa công bố chính thức, nhưng trong kế hoạch của mình, Jetstar Pacific cũng đang dự định hướng đến hai điểm đến quốc tế mới bao gồm Nhật Bản và Bali. Đây là hai thị trường tiềm năng, đồng thời là hai địa điểm có sự hiện diện mạnh mẽ của Tập đoàn Jetstar.

Để chuẩn bị cho kế hoạch này, bên lề một sự kiện của CAPA tổ chức hôm 3/3 vừa qua, ông Leslie Stephens, COO của Jetstar Pacific cho biết hãng sẽ có 18 chiếc máy bay vào năm 2016. Không dừng lại ở đó, số lượng máy bay của Jetstar Pacific sẽ còn tăng thêm 12 chiếc trong hai năm 2017 và 2018 nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng. Trong kế hoạch kinh doanh đã được sự phê chuẩn từ hai cổ đông lớn Vietnam Airlines và Qantas, Jetstar sẽ cần một đội bay 30 chiếc vào đầu năm 2020.

Đánh giá các động thái của Jetstar Pacific trong những năm gần đây, CAPA nhận định, triển vọng từ thị trường quốc tế có vẻ hứa hẹn hơn. Việc mở rộng dần dần mạng bay quốc tế và độ tin cậy cao từ các chuyến bay thuê chuyến sẽ cung cấp cho Jetstar Pacific nền tảng tốt trong giai đoạn phát triển mới của Hãng. Điều này cho thấy chiến lược của Jetstar Pacific đang đúng hướng.

Nam Nguyễn

(Tổng hợp)