Du lịch Việt Nam: Muốn “cất cánh” cần thay đổi tư duy

Việt Nam xếp thứ 41/165 quốc gia, vùng lãnh thổ về lượng khách du lịch quốc tế tới thăm mỗi năm, với khoảng 6 triệu du khách. Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác của khu vực Đông Nam Á.

Trang thông tin Nguồn du lịch (Move Hub) đã thống kê những điểm đến hấp dẫn được khách du lịch ưa thích trong những năm qua. Theo đó, Pháp là quốc gia thu hút được nhiều khách du lịch nhất với trung bình hơn 81 triệu lượt du khách thăm viếng hàng năm.

 

Với con số này, Pháp đã bỏ xa Mỹ, nước đứng thứ hai trong danh sách, với gần 20 triệu lượt khách/ năm. Đứng thứ ba là Trung Quốc với số lượng khách tham quan là 57,6 triệu lượt người. Tuy nhiên, nếu cộng cả số khách tới thăm Hồng Kông (đứng thứ 13 với 22,3 triệu khách) và Macau (đứng thứ 20 với 12,9 triệu), thì số khách tới Trung Quốc lên tới 92,8 triệu người, cao hơn cả Pháp và Mỹ.

 

Tại khu vực Đông Nam Á, dẫn đầu là Malaysia với 24,7 triệu lượt du khách mỗi năm (xếp thứ 10 thế giới). Đứng thứ hai là Thái Lan (xếp thứ 15 thế giới) với 19,2 triệu lượt. Tiếp đó là Singapore (thứ 22 thế giới) với 10,4 triệu. Indonesia (thứ 31 thế giới) với 7,7 triệu. Việt Nam xếp thứ thứ 41với hơn 6 triệu lượt khách du lịch tới tham quan.

 

Du lịch Việt Nam: Muốn “cất cánh” cần thay đổi tư duy



Move Hub nhận định, để thu hút khách du lịch, ngoài địa điểm du lịch hấp dẫn, quốc gia đó phải có nền tảng kinh tế, chất lượng phục vụ chuyên nghiệp, hạ tầng cơ sở hiện đại, khuyến mại tốt và an toàn. Trong đó, hai điểm mấu chốt quan trọng nhất để giữ khách du lich là sự chuyên nghiệp và cơ sở hạ tầng, những nền tảng quan trọng này thì Việt Nam rất thiếu và yếu. Đó cũng là sự lý giải cho nguyên nhân vì sao nhiều du khách tới Việt Nam, sau đó không quay trở lại - nhận định của Move Hub.

 

"Du lịch lan truyền cấp số 10. Tức là 1 đồn 10, 10 đồn 100, 100 đồn 1000. Chính vì vậy ấn tượng cho một điểm đến sẽ tiên quyết cho việc khách du lịch có quay trở lại hay không. Nếu quay trở lại, đó là sự thành công của thương mại du lịch”, Move Hub đánh giá.

 

Trên thực tế, Việt Nam có nền văn hóa đặc sắc, xếp hạng 28/140, theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) trên cơ sở dữ liệu của 140 quốc gia và vùng lãnh thổ phát triển ngành du lịch, với nhiều di sản văn hóa thế giới, di sản văn hóa phi vật thể. Một thế mạnh nữa của Việt Nam là thiên nhiên ưu đãi, được xếp thứ 25/140 về thắng cảnh, hệ sinh vật đa dạng, biển đảo và rừng.

 

Tuy nhiên, nếu nhìn các chỉ số để cạnh tranh du lịch, Việt Nam lại tụt hậu. Cụ thể, giao thông đường bộ, hàng không, đường thủy, theo đánh giá của WEF, Việt Nam xếp hạng 98/140. Cơ sở hạ tầng du lịch xếp hạng 112/140. Công tác bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch xếp hạng 128/140. Tính chuyên nghiệp trong thương mại du lịch xếp hạng 117/140.

 

 

Rõ ràng, du lịch Việt Nam còn bộc lộ nhiều yếu kém, xuất phát từ tư duy phát triển du lịch "ăn xổi”, bỏ qua những chiến lược dài hơi, làm cơ sở cho sự chuyên nghiệp và bền vững sau này. Có thể lấy ví dụ như thắng cảnh Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình), ngoài sân bay Đồng Hới, hệ thống cơ sở hạ tầng đều không đảm bảo. Đặc biệt, mạng lưới thương mại ăn theo du lịch (điều mà Thái Lan, Singapore, Malaysia thực hiện rất chuyên sâu), thì gần như bằng con số không. Hay Vườn quốc gia Tràm Chim (tỉnh Đồng Tháp) là một trong những khu vườn có nhiều loài chim quý hiếm, đa dạng cả về thực vật lẫn động vật. Tuy nhiên, chỉ riêng hệ thống đi lại trong ngày (xe buýt) thì chưa bao giờ thuận tiện.

 

Xây dựng một nền du lịch bền vững, thay vì phát triển trên diện rộng như trước đây, cần chuyển sang chiều sâu, tập trung vào chất lượng, thương hiệu và hiệu quả. Vì thế chỉ tiêu đến năm 2020, Việt Nam đón 10 -10,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 47-48 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 18-19 tỷ USD, đóng góp từ 6,5-7% GDP cả nước, tạo ra 3 triệu việc làm, trong đó có 870.000 lao động trực tiếp là du lịch… không hề giản đơn.

 

Theo Tuấn Việt

Đại Đoàn Kết