Du lịch hồi phục, nhiều khách sạn "đỏ mắt" tìm nhân sự

Trường Thịnh

(Dân trí) - Nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú ở TPHCM thiếu hụt lao động, nhất là nhân sự ở mảng buồng phòng, nhân viên phục vụ, bộ phận tiền sảnh, trong bối cảnh du lịch dần khởi sắc.

Sự trở lại của du lịch và bài toán nhân lực dịch vụ lưu trú

Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2023, cả nước đã đón hơn 1,804 triệu lượt khách quốc tế, tăng gấp 36,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân sự tăng trưởng này là do Việt Nam đã mở cửa du lịch và hầu hết các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại.

Du lịch hồi phục, nhiều khách sạn đỏ mắt tìm nhân sự - 1
Hơn 1,804 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2023 (Ảnh: Tổng cục Thống kê).

Dù du lịch có nhiều chuyển biến tích cực nhưng ngành dịch vụ lưu trú lại đang gặp khó khăn trong việc thu hút nhân lực có chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm.

Đại diện một cơ sở lưu trú 3 sao chuyên đón khách đoàn quốc tế trên đường Nguyễn Thị Nghĩa, quận 1, TPHCM chia sẻ, sau hơn 2 năm đóng cửa tạm nghỉ vì dòng khách ngoại quốc bị nghẽn bởi dịch bệnh, khách sạn này đã khởi động trở lại từ tháng 1/2023 bằng việc sơn sửa tân trang và tuyển dụng nhân sự. Tuy nhiên, việc tuyển dụng người lao động toàn thời gian và cả thời vụ ở mảng buồng phòng, nhân viên phục vụ bar-nhà hàng, bộ phận tiền sảnh là vô cùng khó khăn, "đỏ mắt" tìm người không ra.

"Với quy mô 96 phòng, có thể đáp ứng đoàn tối đa hơn 200 khách/ngày, nhưng lượng nhân viên buồng phòng hiện chỉ đáp ứng được 70% công suất. Trước thông tin đoàn khách Trung Quốc sẽ quay trở lại vào cuối tháng 3, khách sạn đang cố gắng tuyển dụng thêm để đáp ứng công suất 100%. Hiện nhiều bộ phận như buồng, tiền sảnh và nhà hàng được điều phối hỗ trợ qua lại khi full phòng dẫn đến chất lượng dịch vụ bị giảm sút", đại diện khách sạn 3 sao nói.

Du lịch hồi phục, nhiều khách sạn đỏ mắt tìm nhân sự - 2
Một số khách sạn gặp khó trong tuyển dụng nhân viên buồng phòng đáp ứng yêu cầu công việc (Ảnh: freepik).

Tình trạng này cũng đang diễn ra với một khách sạn trên đường Nguyễn Đăng Giai, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TPHCM. Đại diện khách sạn này cho biết, nhằm bổ sung nguồn nhân sự cho kế hoạch phát triển khách sạn và mở thêm các dịch vụ đi kèm mới như nhà hàng, trung tâm chăm sóc sức khỏe, trong đợt tuyển dụng từ cuối năm 2022 đến nay, khách sạn này đã tối đa hóa việc xuất hiện thông tin tuyển dụng trên các kênh tuyển dụng, khuyến khích các nhân sự đang làm việc và các đối tác giới thiệu ứng viên nhưng lượt tiếp cận hồ sơ ít, không đủ số lượng đáp ứng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho biết, cả nước có 35.000 cơ sở lưu trú, với 780.000 phòng, nhu cầu nhân lực của ngành khách sạn là rất lớn. Theo quy định của ngành du lịch, bình quân các khách sạn cần 0,96 lao động/phòng (mỗi hạng sao sẽ có những quy chuẩn riêng); căn hộ du lịch là 1 lao động/căn hộ; các nhà nghỉ, homestay cần 0,69 lao động/phòng. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều khách sạn, căn hộ, nhà nghỉ du lịch trên cả nước chưa đạt tỷ lệ lao động như trên. Không chỉ thiếu về số lượng, chất lượng nhân lực của ngành khách sạn cũng còn hạn chế, nhất là về ngoại ngữ, kỹ năng mềm, kinh nghiệm thực tế.

Tư duy làm nghề thay đổi - Nhiều thách thức sau giai đoạn dài trầm lắng

Ngành du lịch trầm lắng, gián đoạn kéo dài vì hồi phục chậm sau Covid-19 đã khiến phần lớn lao động làm việc trong ngành khách sạn chuyển nghề để kiếm sống.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh lưu trú chia sẻ, khi du lịch phục hồi, nhiều người cũ chưa quay trở lại, trong khi người mới chưa có kinh nghiệm làm việc nên đã ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Cùng với đó, nhiều nhân sự trước đây bị mất việc không quay lại làm nghề với lý do đã có việc làm ở ngành khác, thu nhập và phúc lợi cao hơn.

Kết quả khảo sát năm 2022 của Hoteljob.vn cũng cho thấy, 48% người lao động ngành khách sạn không hài lòng với mức thu nhập hiện tại, 44% nhân lực khách sạn phải làm thêm mới đủ sống, 48% nhân lực khách sạn mong muốn luôn được lãnh đạo và đồng nghiệp thấu hiểu, 20% muốn cơ hội thăng tiến bình đẳng, 11% muốn lương cao hơn… Điều đó cho thấy môi trường làm việc và thu nhập rất quan trọng trong việc thu hút nhân lực ngành khách sạn.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng, dịch bệnh đã khiến tư duy làm nghề của người lao động thay đổi. Người lao động có xu hướng tìm đến nghề mà họ cho là bền vững và giúp họ ít phụ thuộc vào thị trường.

Bên cạnh đó, người trẻ, nhất là thế hệ Gen Z bị thu hút bởi các ngành học hot như công nghệ, ngân hàng, tài chính...

"Dù khách sạn chấp nhận sử dụng lao động thời vụ chưa có kinh nghiệm và đào tạo khi vào làm, nhưng vẫn khó tuyển. Bởi sinh viên ngày nay ít chọn nhà hàng khách sạn để đi làm thêm như thế hệ trước, vì các bạn có nhiều lựa chọn làm thêm hơn", đại diện một khách sạn chia sẻ.

Thu hút nhân sự ngành khách sạn - còn nhiều việc phải làm

Mức lương trung bình cho bộ phận tiền sảnh, buồng phòng, nhân viên phục vụ dao động 7-10 triệu đồng. Đây là mức lương trung bình trong ngành với những vị trí lao động cấp thấp. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cần cải thiện thu nhập cho người lao động, mang đến môi trường làm việc với nhiều hội thăng tiến bình đẳng,…

Đồng quan điểm trên, đại diện một hệ thống khách sạn tại TPHCM cho biết, để thu hút nguồn nhân sự mới cũng như giữ chân nguồn nhân sự chất lượng hiện tại đã gắn bó, khách sạn này đã đưa ra mức lương hấp dẫn và tăng cường quyền lợi, cân đối với nguyện vọng của nhân viên. Bên cạnh đó, khách sạn còn tìm hiểu và khuyến khích ứng viên, nhân sự định hướng lộ trình rõ ràng để có hướng đi lâu dài cùng công ty, bổ sung các chương trình đào tạo nhân sự phù hợp với từng bộ phận nhằm thu hút ứng viên, nâng cao năng lực nhân sự hiện tại.

Theo bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch), dự báo năm 2025, nhu cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch khoảng hơn 800 nghìn đến năm 2025 và năm 2030 là hơn 1 triệu lao động; giai đoạn 2022-2030, trung bình ngành du lịch cần bổ sung mỗi năm trên 60.000 lao động. Dự báo cho thấy, việc khôi phục và phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực cơ sở lưu trú du lịch là rất lớn.

Để thúc đẩy sự phát triển nhân lực, thời gian qua, cơ quan quản lý cũng đã có sự quan tâm đúng mức cho việc xây dựng, phát triển nhân lực ngành du lịch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Đề án "Phát triển nguồn nhân lực du lịch thích ứng với tác động của đại dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2030". Theo đó, giai đoạn 2022-2023, sẽ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho 100% đội ngũ nhân lực du lịch hiện nay, gồm kiến thức, kỹ năng liên quan đến xử lý tình huống phòng, chống dịch bệnh, kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ và các kỹ năng bổ trợ cần thiết khác.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã có kiến nghị ban hành Chương trình phục hồi lao động trong ngành du lịch, với đề xuất hỗ trợ chi phí đào tạo cho người lao động thông qua doanh nghiệp du lịch hoặc Hiệp hội Du lịch. Mức kinh phí hỗ trợ là 50% chi phí đào tạo từ ngân sách trung ương hoặc địa phương, thực hiện trong 2 năm 2023-2024.

Để giải bài toán thiếu nhân lực, một số khách sạn, đơn vị lữ hành liên kết với các trường trong đào tạo, bổ sung nhân sự, sẵn sàng đón lượng lớn khách quốc tế quay lại Việt Nam.