Điện Biên mùa này khác lắm!

(Dân trí) - Xe của chúng tôi bon bon chạy trên QL 6 rộng thênh thang, đưa du khách bốn phương lên với Điện Biên. Dọc đường đi, hoa gạo đỏ rực trời Tây Bắc xen với hoa ban nở muộn trắng bung. Điện Biên mùa này khác lắm…

Về thăm Điện Biên không phải vào ngày lễ kỷ niệm, nhưng khi được đặt chân bước đi trên địa hình mấp mô của lòng chảo Điện Biên, chui vào từng căn hầm, từng chiến hào, đường mòn xuyên núi rừng, tận mắt tham quan tôi mới cảm nhận được những khó khăn, gian khổ, những hiểm nguy, những mất mát, hi sinh, sự gan trường, anh dũng, sự thông minh, quả cảm, sáng tạo của quân dân ta.

Đèo Pha Đin nổi tiếng Điện Biên
Đèo Pha Đin nổi tiếng Điện Biên

60 năm đã xa, tiếng súng, tiếng bom rơi đạn nổ đã đi vào dĩ vãng. Nhưng vẫn còn đó những vết tích chiến tranh, những địa chỉ đỏ theo bước chân của dòng khách thập phương trải khắp chiến trường, những vết thương, những nỗi đau của biết bao người chiến sỹ Điện Biên năm xưa,...

Không như những mùa khác, mùa này ở Điện Biên hoa ban nở trắng núi đồi thung lũng, trắng cả đường phố, công viên.

Buổi sáng trời trong veo như mắt trẻ thơ, hoa điệp với màu mây trắng kéo về tầng tầng lớp lớp, cuồn cuộn xếp hàng thành đội ngũ, trắng đến mức tưởng như cắt lát ra vẫn cứ màu trắng ấy.

Bùi ngùi, xúc động, thật đáng tự hào khi được đứng dưới tượng đài Chiến thắng - một công trình lịch sử uy nghiêm, tráng lệ, khắc tạc cả một quá khứ hào hùng! Trời đất, sông núi như giao thoa, rất đỗi nên thơ, hữu tình.

Chiều hoàng hôn, khi làn khói bếp lan tỏa mờ ảo nơi thôn bản nhỏ ẩn mình e ấp bên sườn núi, hình ảnh những cô gái Thái thon thả, duyên dáng trong trang phục truyền thống, rất đáng yêu, dễ mến qua tiếng hát tiễn bạn lên đường đầy lưu luyến, vấn vương…

Cánh đồng Mường Thanh
Cánh đồng Mường Thanh

Buổi trưa và chiều, nắng tươi lung linh chứ không vàng rực rỡ, lại được tiếp viện thêm màu khói đốt nương rẫy của đồng bào.

Cô thuyết minh viên nghẹn ngào khi nói về chiến tích Điện Biên: Người ta thường ví tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một con nhím, thì hầm chỉ huy của tướng De Castries là bộ não, sân bay Mường Thanh là chiếc dạ dày, còn đồi A1 là cuống họng của con nhím đó. Ba cứ điểm cách nhau khoảng 500m, tạo thành một tam giác đều, phòng thủ vững chắc bởi những bức tường lửa.

Sau khi đào hầm xuyên qua sân bay, chia cắt và vô hiệu hóa sân bay, quân ta lại đào hầm xuyên núi đặt khối thuốc nổ nặng 900kg, đánh sập hầm chỉ huy đồi A1. Toàn bộ đường hầm đào trong lòng đất ở chiến dịch Điện Biên Phủ dài khoảng 500km, tương đương với quãng đường từ Hà Nội lên Điện Biên. Đã có khoảng 2.500 cán bộ, chiến sĩ của ta đã nằm lại trước cửa cứ điểm đồi A1. Người tìm được xác còn không rõ tuổi tên, huống là những người vùi sâu trong lòng đất đá núi đồi...

Thế là 60 mùa xuân đã trôi qua nhưng âm vang của Chiến thắng Điện Biên vẫn làm nức lòng nhân dân ta và bạn bè quốc tế. Đó là một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa... của thời đại Hồ Chí Minh vẫn vang lên hào hùng.

Cánh đồng Mường Thanh

Điện Biên hôm nay, cảnh vật và con người nơi đây như bức tranh thủy mặc, làm ngây ngất lòng người với vẻ đẹp nguyên sơ, mộc mạc đến bình dị, đậm đà bản sắc của núi rừng Tây Bắc!

Cùng với những câu chuyện lịch sử, ẩm thực Điện Biên cũng để lại cho du khách những trải nghiệm khó quên. Cơm gạo Điện Biên dẻo như cơm nếp, thơm thoang thoảng, khi nhai có vị đậm…

Gạo tám vừa thơm vừa dẻo nên đồng bào thường dùng nấu cơm lam hay làm khẩu cắm (như đồ xôi với lá cẩm, khiến vị xôi ngậy, dẻo thơm, ngon miệng), khẩu háng (đồ thóc rồi đem phơi khô, xát vỏ rồi đồ chín), khẩu papa (tựa như dưới xuôi làm bánh nếp).

Nếp nương thì khắp các tỉnh Tây Bắc đều có, nhưng nếp nương Điện Biên là vang danh không đâu sánh bằng. Nếp vừa tròn, to, căng mọng, vừa ngọt thơm vừa mềm, dẻo. Chỉ cần một chén nhỏ muối mè, bạn có thể ăn hết cả một âu xôi đầy.

60 năm đã qua, nhưng cảnh vật ở Điên Biên, không khí ở Điên Biên mãi sẽ đọng lại trong mỗi người những cảm xúc không bao giờ quên khi lên thăm vùng đất lịch sử oai hùng này.

Minh Phan
Ảnh: Internet