Dân Pháp ngày càng “lười vào bếp”

(Dân trí) - Năm 2010, nghệ thuật ẩm thực của Pháp được UNESCO xếp vào hàng Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Trong số 10 nhà đầu bếp nổi tiếng nhất thế giới hiện nay, có đến 5 nhân vật là người Pháp.

Thế nhưng vương quốc ẩm thực này đang đứng trước nhiều nghịch lý mà chưa có nhà nghiên cứu xã hội nào có thể giải thích nổi.

 

Du khách nước ngoài đặt chân đến Paris sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy thủ đô nước Pháp tràn ngập các cửa hàng bán thức ăn nhanh (fast food). Câu hỏi đặt ra là vì sao thủ đô của ẩm thực lại có nhiều tiệm bán thức ăn nhanh như thế ? Và đó là nghịch lý đầu tiên.

 

Nghịch lý thứ hai là ngành ẩm thực của Pháp nổi tiếng trên thế giới nhờ các món ăn ngon, nhưng thực tế đời sống dân Pháp ngày càng ít nấu nướng. Nếp sống thành thị khiến cho mọi người chạy đua với đồng hồ, thời gian đi chợ làm bếp trong tuần giảm đi một nửa. So với thế hệ trước, lớp thanh niên thời nay ít còn bỏ công nấu những món cầu kỳ, công phu.

 

Trong khi đó, theo một cuộc điều tra gần đây của tạp chí l’Expansion, cứ trên 10 nhà hàng ở Paris, là có đến 7 nhà hàng dọn cho thực khách các món ăn làm sẵn. Các món làm sẵn ở đây hiểu theo nghĩa đồ đông lạnh hay là các món đã nấu xong, chỉ cần đút lò nướng hay đem ra hấp nóng lại bằng lò vi ba. Các món này do ngành công nghiệp thực phẩm chế biến, trước kia chủ yếu dành để phục vụ cho tập thể như trong các căng tin, nay lại xuất hiện trên thực đơn các hàng quán.

 

Món bánh mì nướng gan ngỗng béo áp chảo nổi tiếng của ẩm thực Pháp
Món bánh mì nướng gan ngỗng béo áp chảo nổi tiếng của ẩm thực Pháp



Anh Alexandre Talard - một chủ tiệm ăn Pháp ở Paris quận IV cho biết: “Có nhiều nhân viên đại diện cho các hãng chế biến thực phẩm thường xuyên đi chào hàng bỏ mối. Hầu như tuần nào cũng có một người đến quán ăn chúng tôi để tìm cách bán cho chúng tôi các sản phẩm làm sẵn trên catalogue của họ. Có cả thức ăn tươi và các món đông lạnh, tất cả đều đã được nấu sẵn.

 

Trong thuật ngữ chuyên ngành, người ta phân lọai và gọi đó là các sản phẩm hạng tư, tức là các món ăn nấu sẵn đóng hộp hay bọc bao. Khi ăn thì chỉ cần mở ra hâm nóng lại bằng chưng cách thủy, máy vi ba hay lò nướng. Một khi đã nóng thì chỉ cần bỏ vào đĩa rồi dọn ra cho thực khách. Quyển catalogue của các hãng chế biến thực phẩm có đến hàng trăm món như vậy, từ các món khai vị, các món chính cho đến các món tráng miệng. Nói chung là món nào cũng có”.

 

Anh Talard ngao ngán trước thực trạng “phi lý” này. “Điều đó thật không công bằng, trước hết là đối với khách hàng. Một thực khách chịu bỏ tiền ra đi ăn tiệm, họ muốn ăn những món họ không biết làm ở nhà và do chính tay nhà đầu bếp nấu lấy, chứ không ai mà muốn ăn các món nấu sẵn đem ra hâm lại. Kế đến nữa là trách nhiệm nghề nghiệp, bởi vì nó đặt ra vấn đề cạnh tranh không lành mạnh. Một tiệm ăn có mướn đầu bếp thực thụ không nhất thiết phải có bằng cấp chuyên môn, nhưng có tài hay biết nấu ăn, trong trường hợp này, chủ tiệm ăn phải trả lương xứng đáng cho nhà đầu bếp.

 

Trong khi đó một tiệm ăn chỉ dọn các món ăn nấu sẵn mua từ catalogue, dù chỉ là một phần hay toàn phần thực đơn, thì chủ nhà hàng không cần phải mướn đầu bếp, mà họ có thể tự mình hâm nóng lấy hay mướn một nhân viên làm công việc này với đồng lương rẻ mạt. Theo tôi thì một người thật sự thích nấu ăn, thích làm nghề nhà hàng sẽ chẳng bao giờ làm như vậy”, anh Talard nhận định.

 

Tuy nhiên, hiện tượng này vẫn ngày càng phổ biến, một phần là vì ngành công nghiệp chế biến thực phẩm bắt rễ để rồi chi phối ngành kinh doanh nhà hàng. Bên cạnh đó, thực tế đời sống khiến cho một số người ở Pháp mở tiệm ăn, cho dù nấu nướng không phải là sở trường của họ. Trong bối cảnh Chính phủ ưu đãi thuế khóa và khuyến khích người dân tự lập công ty, một số người đã lao vào kinh doanh nhà hàng trong khi không hề có kinh nghiệm tay nghề, vì vậy họ chọn cách đơn giản nhất là mua các món ăn làm sẵn.

 

Một nghịch lý khác là trên đài truyền hình, ngày càng có nhiều chương trình nói về bếp núc hay thi đua nấu ăn, trong khi các gia đình thì lại ít dành thời gian để làm bếp. Xem qua những chương trình truyền hình thực tế, khán giả có cảm tưởng là nấu ăn rất dễ, trong khi đây là một lĩnh vực đòi hỏi sự “khéo tay hay làm” cao. 

 

Trước thực trạng ngành công nghiệp thức ăn làm sẵn chi phối ngành kinh doanh nhà hàng tại Pháp, một số người dân Pháp đã phát động một phong trào vận động để thúc đẩy việc thành lập nhãn hiệu gọi là "fait main, fait maison" tức là do chính đầu bếp nhà hàng nấu lấy, chứ không phải là đồ làm sẵn nhằm “cứu” nền ẩm thực nổi tiếng của đất nước này.

 

Hà Anh

Theo RFI