Đại thụ 5.000 năm tuổi lâu đời nhất thế giới, khách không được tiếp cận

Huy Hoàng

(Dân trí) - Trải qua hàng nghìn năm trong khu rừng ở miền nam Chile, cây đại thụ với niên đại hơn 5.000 năm tuổi sắp được công nhận lâu đời nhất thế giới, được bảo vệ nghiêm ngặt.

Nằm ẩn sâu bên trong khu rừng ở miền nam Chile, một cây đại thụ đã tồn tại hàng nghìn năm, trong quá trình được công nhận là cây cổ thụ nhất thế giới.

Được biết tới với tên gọi "Great Grandfather" (tạm dịch: Ông cố), thân cây có đường kính 4m, cao 28m, được cho là ẩn chứa nhiều thông tin có giá trị liên quan tới cách trái đất thích nghi với quá trình biến đổi khí hậu ra sao.

Antonio Lara, một nhà nghiên cứu tại Đại học Austral và trung tâm khoa học khí hậu Chile, nhận định, với niên đại hơn 5.000 năm, cây đại thụ này sắp thay thế Methuselah, cây thông bristlecone 4.850 năm tuổi ở California, Mỹ, qua đó chính thức được công nhận là cây cổ xưa nhất hành tinh.

Đại thụ 5.000 năm tuổi lâu đời nhất thế giới, khách không được tiếp cận - 1
Cây đại thụ hơn 5.000 năm tuổi trong cánh rừng ở Chile (Ảnh: AFP).

Truyền thông địa phương mô tả, cây đại thụ nằm ở rìa khe núi trong khu rừng phía nam vùng Los Rios, cách thủ đô Santiago chừng 800km về phía nam. Đây là một cây bách Patagonia đặc hữu của phía nam lục địa.

Nhiều năm về trước, khi thông tin về cây bách cổ thụ được công khai, nơi đây trở thành điểm du lịch hút khách. Nhiều du khách không quản ngại đi bộ cả giờ đồng hồ xuyên rừng chỉ để chụp ảnh bên cạnh "cây đại thụ cổ nhất thế giới".

Đại thụ 5.000 năm tuổi lâu đời nhất thế giới, khách không được tiếp cận - 2

Kích thước đồ sộ của thân cây (Ảnh: Trip).

Do sự nổi tiếng gia tăng kéo theo lượng khách đông thêm, cơ quan lâm nghiệp quốc gia phải tăng thêm số lượng nhân viên kiểm lâm để bảo vệ nghiêm ngặt, hạn chế tối đa sự tiếp cận của du khách.

Được biết, cây bách Patagonia vốn là loài có nguồn gốc từ Chile và Argentina. Chúng thuộc cùng họ với cây Sequoias và cây gỗ đỏ khổng lồ. Loài này phát triển chậm, có thể đạt chiều cao lên tới 45m. Tại đây, chúng bị khai thác gỗ quá mức do gỗ loài cây này có giá trị cao. Suốt nhiều thế kỷ, những thân cây to dày bị đốn hạ, phục vụ việc đóng tàu và xây nhà.

Cây đại thụ này được phát hiện vào năm 1972. Khi đó, một nhân viên bảo vệ rừng có tên Anibal Henriquez là người tìm thấy khi đang tuần tra trong rừng. Sau đó, cháu trai của ông là Jonathan Barichivich lại trở thành một trong nhiều chuyên gia tiến hành nghiên cứu nó.

Bằng cách dựng mô hình dự đoán để tính toán độ tuổi chính xác của cây, chuyên gia Barichivich nhận định, khả năng cây trên 5.000 tuổi là 80%. Ông hy vọng sớm có thể công bố kết quả nghiên cứu của mình. 

Hiện cây này được công nhận là di tích quốc gia ở Chile.

Trong khi cây bách Patagonia ở Chile được nhiều người biết tới, thì vị trí chính xác của Methuselah, cây thông bristlecone tại vườn quốc gia ở California, Mỹ, lại là điều bí mật. Từ hàng chục năm nay, rất nhiều du khách đã cất công tới đây mang theo hy vọng có thể tìm kiếm đúng vị trí của nó, nhưng đều vô vọng.